Tăng trưởng chiều sâu
Điểm chung của hầu hết NHTM trong năm 2012 là không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Năm nay, nếu điều này có lặp lại cũng không quá bất ngờ với cổ đông và nhà đầu tư, bởi hoạt động của ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề mà cổ đông quan tâm là sau những đợt sàng lọc vừa qua, “sức khỏe” thực sự của các NHTM ra sao, bởi những NHTM biết thích ứng với thị trường, xây dựng được nền tảng tài chính ổn định, vững chắc ở thời buổi khó khăn sẽ có cơ hội bứt phá trong dài hạn khi nền kinh tế hồi phục.
Sacombank đang là ngân hàng có ưu thế về mạng lưới hoạt động với 421 điểm giao dịch
Năm qua, sự thay đổi về cổ đông lớn cùng khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Sacombank. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của ngân hàng này vẫn tương đối phù hợp trong bối cảnh chung của hệ thống NHTM. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của Sacombank đạt 114.863 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm; trong đó, huy động bằng VND tăng 32% so với 2011, đạt 105% kế hoạch. Tổng dư nợ cho vay đạt 98.728 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm; trong đó, cho vay khách hàng đạt 94.080 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2011.
Điểm đáng chú ý là tổng thu nhập thuần từ các hoạt động lõi (thu từ lãi, dịch vụ, kinh doanh ngoại hối) của Sacombank năm qua có mức tăng trưởng khá tốt, đạt 7.151 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2011. Sở dĩ có được kết quả trên là do Ngân hàng đã duy trì lãi biên ở mức hợp lý, tiết kiệm tối đa chi phí điều hành. Đặc biệt, Sacombank đã kịp thời trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng rủi ro giảm giá chứng khoán và dự phòng phải thu khó đòi. Tổng chi phí trích lập dự phòng năm 2012 của Ngân hàng lên đến 2.054 tỷ đồng, tăng 1.424 tỷ đồng (2,3 lần) so với năm 2011. Trong đó, khoản trích lập dự phòng 1.042 tỷ đồng khó có khả năng hoàn nhập. Vì thế, lợi nhuận sau khi trích lập dự phòng đầy đủ của Sacombank là 1.315 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch năm (so với trước trích lập dự phòng rủi ro là 3.369 tỷ đồng). Tuy kết quả đạt được thấp hơn so với kỳ vọng, nhưng so với mặt bằng chung của ngành, lợi nhuận năm 2012 của Sacombank vẫn tương đối khả quan.
Sức mạnh nội tại của Sacombank cũng được thể hiện qua các chỉ số an toàn đều nằm trong giới hạn cho phép của NHNN. Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đến cuối năm 2012 là 9,53%; tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn 23,93% và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,97%. Có được điều này do Ngân hàng đã xây dựng được công tác quản lý rủi ro bài bản, vận hành thành công hệ thống xếp hạng tự động. Theo đó, 100% khách hàng mới và trên 80% khách hàng cũ được xếp hạng tự động và cập nhật trên hệ thống. Ngoài ra, Sacombank còn có hệ thống tính toán tổn thất dự kiến, hỗ trợ cho việc phán quyết và cấp phát tín dụng, giúp hạn chế thấp nhất rủi ro. Vì thế, dù có thay đổi về cổ đông lớn nhất, nhưng những giá trị Sacombank đã tạo dựng được là nhân tố giúp Ngân hàng giữ chân khách hàng và đạt được kết quả khả quan trong năm qua. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Sacombank vẫn được tổ chức Standard & Poor’s, tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên toàn cầu, nâng bậc xếp hạng từ B+ lên BB- và giữ xếp hạng ngắn hạn ở mức B.
Khai thác lợi thế sẵn có
Từ định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và kết quả kinh doanh năm ngoái, cũng như nhiều NHTM khác, Sacombank thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2013. Nhận thức được cơ hội thu lợi nhuận lớn và bất thường ở nhiều lĩnh vực phi tín dụng không còn, Sacombank chú trọng hơn vào hoạt động cốt lõi, phát huy lợi thế sẵn có từ những lĩnh vực hoạt động truyền thống để gia tăng lợi nhuận, kiên trì phương châm “An toàn - Hiệu quả - Bền vững”. Tại ĐHCĐ thường niên ngày 25/4 vừa qua, Sacombank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2013 với tổng nguồn vốn huy động tăng 16% so với năm 2012; tăng trưởng tín dụng 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu đạt trên 9%; vốn điều lệ tăng 53%, lên mức 16.418 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2.800 tỷ đồng, tăng 113% so với năm 2012; cổ tức từ 9 - 10% vốn điều lệ.
Để thực hiện được các chỉ tiêu trên, Sacombank sẽ đẩy mạnh huy động vốn, nhất là đối với nguồn vốn trung, dài hạn từ khu vực dân cư và tổ chức kinh tế. Với đầu ra của tín dụng, Ngân hàng sẽ tập trung cấp vốn cho các lĩnh vực khuyến khích như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu và phòng ngừa nợ quá hạn. Năm 2013, Sacombank tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống khách hàng cá nhân, với kế hoạch tăng 35% lượng khách hàng mới, từng bước tăng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi để tạo cơ cấu thu nhập bền vững.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, Sacombank đang có nhiều lợi thế kinh doanh. Thứ nhất là mạng lưới rộng khắp. Sacombank đang là ngân hàng TMCP có ưu thế về mạng lưới hoạt động với 421 điểm giao dịch tại 50/63 tỉnh, thành và 2 nước láng giềng Lào, Campuchia; dự kiến nâng lên 500 điểm giao dịch vào năm 2015. Tất cả các trụ sở của Sacombank được đầu tư xây dựng khang trang, thể hiện cam kết gắn bó lâu dài và đồng hành cùng sự phát triển của mỗi địa phương. Đây chính là tiền đề thuận lợi để Sacombank phát triển theo định hướng ngân hàng bán lẻ. Thứ hai là sức mạnh tài chính lớn. Đến cuối năm 2012, vốn điều lệ của Ngân hàng đạt 10.740 tỷ đồng và dự kiến đạt trên 23.100 tỷ đồng vào năm 2015. Trong 5 năm trở lại đây, tổng tài sản Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ, hiện đạt trên 150.000 tỷ đồng và dự kiến đạt trên 280.000 tỷ đồng vào năm 2015. Vốn chủ sở hữu của Sacombank đạt gần 14.000 tỷ đồng và sẽ tăng lên trên 30.000 tỷ đồng vào năm 2015. Thứ ba, Sacombank được các tổ chức quốc tế như IFC, FMO, ADB, Proparco… đánh giá cao về khả năng phát triển bền vững, có chiến lược quản trị đạt chuẩn mực quốc tế nên đã tín nhiệm cấp vốn ủy thác để Sacombank hỗ trợ các cá nhân, DN nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Trong điều kiện các NHTM đang giảm lãi suất cho vay để tăng trưởng tín dụng, ngân hàng nào có lợi thế huy động được nguồn vốn rẻ, ổn định sẽ có cơ hội gia tăng tín dụng an toàn và bền vững. Với những lợi thế về nhân sự, hệ thống sản phẩm dịch vụ đa dạng được tích hợp công nghệ hiện đại và thế mạnh về thẻ, ngân hàng điện tử…, Sacombank có nhiều cơ hội thu hút khách hàng bán lẻ và tăng thu dịch vụ, bứt phá trong kinh doanh và đem lại giá trị lợi ích tối đa cho khách hàng.
Quý I/2013, Sacombank đạt kết quả kinh doanh khá tốt với lợi nhuận trước thuế đạt 850 tỷ đồng, tương đương trên 30% kế hoạch năm; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư bằng VND tăng 9,9% so với đầu năm; cho vay khách hàng bằng VND tăng 4,4%; tổng tài sản tăng 4,1%; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 2,18% tổng dư nợ và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 10,1%. |