Sacombank rao bán lần thứ 5 khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group tiếp tục thông báo tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú do Sacombank đề nghị. 
Sacombank rao bán lần thứ 5 khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, giá khởi điểm 7.934 tỷ đồng

Đây là lần thứ 5 khoản nợ này được rao bán, giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng, không thay đổi so với lần đấu giá gần đây nhất ngày 22/12/2022.

Trước đó, vào tháng 3/2022, ngân hàng đã rao bán 18 khoản nợ này với giá khởi điểm là 14.577 tỷ đồng. Đến tháng 5/2022, giá rao bán giảm còn 11.810 tỷ đồng và tiếp tục giảm xuống 9.600 tỷ đồng vào tháng 9/2022.

Sacombank cho biết, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng.

Đây là các khoản nợ phát sinh tại Sacombank và đã được bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.

Tài sản đảm bảo của khoản nợ là quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Phía ngân hàng cho biết sẽ bán toàn bộ 18 khoản nợ, không tách rời.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cho biết, ngân hàng đang đấu giá khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú và UBND TP HCM đã có văn bản ngừng đấu giá.

Cổ đông Phong Phú trước đây mua cổ phần từ công ty nhà nước là Tân Thuận nên UBND TP.HCM đang rà soát, giải quyết. Trong năm 2022, Sacombank sẽ đấu giá dứt điểm khoản nợ này. Nhưng đến nay, khoản nợ đã được rao bán với giá giảm nhiều lần nhưng vẫn ế.

Về Khu công nghiệp Phong Phú, dự án này do CTCP Khu Công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư, có quy mô 134 ha, trong đó có 67 ha đất khu công nghiệp, 67 ha dành cho khu dịch vụ công nghiệp (nhà ở chuyên gia, siêu thị, bệnh viện…). Dự án nằm mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, liền kề với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM.

Với những tiến triển tích cực trong việc xử lý tồn đọng sau sáp nhập, Sacombank được đánh giá là điểm sáng tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ. Sau hơn 5 năm, Ngân hàng đã đạt được những bước tiến vững chắc, các mục tiêu trọng tâm của Đề án tái cơ cấu như xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng được thực hiện rất hiệu quả với tốc độ ấn tượng.

Dự kiến, trong năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất tái cơ cấu thay vì đến năm 2025 như Đề án cho phép. Do đó, uy tín thương hiệu của Sacombank ngày càng được nâng cao và cổ phiếu STB cũng ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho rằng, khoảng giữa năm 2023 ngân hàng có thể sẽ tuyên bố tái cơ cấu thành công.

Sacombank được kỳ vọng sẽ hoàn thành đề án tái cấu trúc vào cuối năm 2023. Cụ thể, Sacombank đã giảm thành công tài sản tồn đọng từ 87 nghìn tỷ đồng (tương đương 23,7% tổng tài sản) năm 2017 xuống 16,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,1% tổng tài sản) vào quý 2/2022, dựa trên ước tính của chúng tôi.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng kỳ vọng rằng ngân hàng này sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu vào cuối năm 2023, do dự kiến ngân hàng sẽ bán thành công tài sản thế chấp trong năm (khoản nợ liên quan đến Khu Công nghiệp Phong Phú và 32,5% cổ phần của Sacombank được cầm cố làm tài sản thế chấp cho VAMC).

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục