Sacombank - Ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu và niêm yết trên TTCK

(ĐTCK) Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, Sacombank không chỉ đồng hành, mà còn giữ vị trí một trong những doanh nghiệp tiên phong trên TTCK. Sacombank là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu ra đại chúng và là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên TTCK Việt Nam.
TTCK đã giúp Sacombank trở thành ngân hàng có số vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần TTCK đã giúp Sacombank trở thành ngân hàng có số vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần

Khai mở bài học chưa có tiền lệ

Vào năm 1995, Sacombank đứng trước không ít thử thách như nợ quá hạn ở mức cao, trong khi vốn điều lệ còn hạn chế. Khó khăn chưa dừng lại ở đó khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định mới: vốn điều lệ tối thiểu cho ngân hàng nông thôn là 30 tỷ đồng và ngân hàng đô thị là 70 tỷ đồng. Là một ngân hàng đô thị, nhưng vốn điều lệ của Sacombank đến năm 1996 cũng chỉ đạt gần 47,5 tỷ đồng. Như vậy, khoảng cách giữa vốn điều lệ hiện hữu và quy định mới là rất xa.

Thế nhưng, với những nỗ lực mạnh mẽ, Sacombank đã tiên phong triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng - một hoạt động còn rất xa lạ lúc bấy giờ. Nỗ lực tiên phong của Sacombank đã đạt kết quả khi đưa ra giải pháp hợp lý và được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phát hành cổ phiếu với mệnh giá 200.000 đồng/cổ phiếu.

Bước ngoặt này giúp Sacombank trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên phát hành cổ phiếu ra đại chúng trong lịch sử ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam. Không những thế, vai trò tiên phong trong một giải pháp chưa có tiền lệ khiến Sacombank phải tự lực tìm tòi những biện pháp hiệu quả để cổ phiếu tiếp cận được công chúng.

Sacombank đã vượt qua thử thách này bằng nhiều biện pháp. Không chỉ huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên tham gia đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng, Sacombank còn tổ chức nhiều chương trình kích cầu như tặng quà, trao thưởng cho người mua cổ phiếu. Đến tháng 2/1997, Sacombank gặt hái kết quả ngoài mong đợi khi có hơn 9.000 cá nhân tham gia mua cổ phiếu, giúp vốn điều lệ đạt 71 tỷ đồng, vượt mức 70 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Thành quả đạt được là bằng chứng khẳng định Sacombank đã vượt qua bài học chưa có tiền lệ, góp phần quan trọng vào việc định hình rõ hơn các chiến lược tăng vốn bền vững. Bên cạnh đó, bài học chưa có tiền lệ này cùng nỗ lực hợp tác quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa dần rõ nét đã giúp Sacombank tự tin hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng Việt Nam có số vốn 100 triệu USD, mục tiêu này không còn là điều “hoang tưởng” như nhiều người từng nghĩ trước đó.

Sacombank hiện có 428 điểm giao dịch tại 48/63 tỉnh, thành trong cả nước và 2 nước láng giềng là Lào, Campuchia 

Trang sử mới

Bài học chưa có tiền lệ ngày trước không còn là thách thức lớn khi Trung tâm GDCK TP. HCM (HoSTC) ra đời vào tháng 7/2000, sau đó chuyển thành Sở GDCK TP. HCM (HOSE) vào tháng 8/2007. Sự ra đời của HoSTC đã tạo ra một kênh huy động vốn đại chúng hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các ngân hàng nói riêng.

Từng đi tiên phong trong ngành ngân hàng về phát hành cổ phiếu ra đại chúng, Sacombank tất nhiên không bỏ lỡ cơ hội đồng hành cùng HoSTC. Tháng 7/2006, Sacombank được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chọn là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên niêm yết trên TTCK, với số vốn điều lệ 1.900 tỷ đồng. Như vậy, tại Việt Nam, Sacombank đóng vai trò tiên phong từ thị trường OTC sơ cấp đến TTCK tập trung.

Từ đó đến nay, vốn điều lệ của Sacombank không ngừng tăng nhanh, nhưng rất vững chắc, tính đến 31/12/2014 đạt 12.425 tỷ đồng. Sacombank trở thành ngân hàng có số vốn điều lệ lớn nhất hiện nay trong khối ngân hàng thương mại cổ phần và lớn thứ 5 trong toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam. Sacombank đáp ứng đầy đủ các quy định an toàn về vốn và khả năng cung cấp các giải pháp tài chính đa năng, đồng thời tạo điều kiện trong việc đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin và mạng lưới chi nhánh.

Chính nhờ sự phát triển bền vững, trong đó kênh chứng khoán đóng vai trò quan trọng, trong 3 năm gần đây, Sacombank tạo ấn tượng so với các ngân hàng cùng quy mô với chỉ số tăng trưởng thuộc nhóm đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần. Cụ thể, tổng tài sản tăng bình quân 11%, huy động tăng bình quân 25%, cho vay tăng bình quân 17%, lợi nhuận tăng bình quân 21%.

Không chỉ hỗ trợ tăng nguồn vốn, TTCK còn trở thành một kênh giúp Sacombank tiếp cận với đại chúng và xây dựng phát triển hình ảnh cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Sacombank hiện có 428 điểm giao dịch tại 48/63 tỉnh, thành trong cả nước và 2 nước láng giềng là Lào, Campuchia, cùng hạ tầng công nghệ hiện đại, hệ khách hàng lớn và ổn định.

Uy tín thương hiệu của Sacombank cũng tăng nhanh. Trong năm 2014, Sacombank đón nhận 19 giải thưởng trong nước và 8 giải thưởng quốc tế. Những tháng đầu năm 2015, Sacombank là 1 trong 10 đơn vị nhận giải thưởng “Thương hiệu mạnh phát triển bền vững ASEAN 2015” do Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phối hợp trao tặng.

Ngoài ra, Sacombank đón nhận Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi được đánh giá là một trong 3 ngân hàng có thành tích xuất sắc nhất trong việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng. Sacombank còn được các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế đánh giá tích cực, chứng minh năng lực kinh doanh an toàn và bền vững. Điển hình như Fitch Rating và Moody’s duy trì xếp hạng tín nhiệm của Sacombank lần lượt ở mức “B” và “B3” trong kỳ đánh giá năm 2014 và nâng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”.

Tất nhiên, việc niêm yết trên TTCK cũng đặt ra không ít thách thức cho Sacombank. Đó chính là việc hoàn thiện bộ máy quản trị, nâng cao tính minh bạch để đáp ứng các quy định khắt khe. Mặc dù vậy, đó cũng chính là động lực để Sacombank ngày càng hoàn thiện và luôn giữ vị thế nổi bật trên thị trường, tiếp tục phát triển trên nền tảng được kiến tạo vững chắc từ các bước ngoặt quan trọng.


Đặc san 15 Năm TTCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục