Sắc vàng xuống phố…

(ĐTCK) Mấy chục năm sống trên đất Bắc, cứ mưa phùn cộng với cái rét tái tê, thêm những búp non khẽ khàng nhú trên cành là biết Tết sắp về.
Sắc vàng xuống phố…

Không khí Tết bắt đầu từ những cuộc mua sắm tấp nập của chị em, trang hoàng nhà cửa và giữa thời công nghiệp là vô số các bữa “tổng kết cuối năm”.

Người Bắc, ngoài đào, quất thì chọn những loại hoa mình yêu thích chơi Tết, bất kể màu sắc là đỏ hay vàng, hồng hay trắng, đến như màu tím cũng được ưa chuộng trong mỗi bình hoa ngày Tết. Thế nhưng người Nam thì khác, Tết đến dường như sớm hơn và cũng kết thúc muộn hơn trong sắc vàng trên từng góc phố. Chẳng hiểu từ đâu mà màu vàng và đỏ là hai màu chủ đạo trong cái Tết của người Nam.

Dễ dàng nhận thấy màu vàng và đỏ từ nơi trang trí cửa hiệu, đến những món đồ bán hàng rong phục vụ ngày Tết. Đặc biệt, hoa cho ngày Tết được bày bán khắp nơi cũng chỉ hai màu đỏ, vàng. Có những loại hoa hiếm khi xuất hiện trong dịp Tết của người Bắc như Cúc vạn thọ lại được người Nam dùng nhiều như một lời chúc năm mới “vạn sự bình an, phúc thọ vô biên”.

Với người Bắc, Tết là dịp thăm hỏi người thân, hàng xóm bạn bè, hàn huyên bên mâm cơm với nhiều món ngon, vật lạ hay đơn giản chỉ là đến nhà chúc nhau vài câu, uống ngụm trà nóng, tí tách hạt dưa, thì người Nam không như vậy. Tết là dịp để nghỉ ngơi và thư giãn sau một năm làm việc vất vả. Chuyện ăn chơi cũng phải “có hội có thuyền”, nhìn vào mức độ “tiêu tiền” thì biết ngay một năm làm ăn của gia chủ.

Người Nam “tự thưởng” cho mình sau một năm làm việc vất vả mà ít có khái niệm tích cóp như ngoài Bắc. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi một gia đình nào đó chi cả vài trăm triệu đi du lịch châu Âu, còn gia đình bên cạnh chỉ đi nghỉ ở trong nước, nhưng nếu xét về độ giàu có thì đôi khi gia đình đi nghỉ trong nước gấp cả chục lần.

Những gia đình không đi nghỉ thì chia nhau tổ chức các cuộc nhậu. Dễ nhận thấy nhậu từ khu phố đến bạn bè, họ hàng. Nhậu nhiều nhưng gia chủ cũng ít phải chuẩn bị, vì đã có nguyên một “đội quân” nấu thuê. Ăn gì, uống gì, ca hát thế nào chỉ cần “a lô” là có người phục vụ chu đáo, đặc biệt giá cả rất phải chăng, nên chủ nhà chỉ cần đưa ý tưởng, đến ngày giờ vắt chân vào mâm thỏa sức vui.

Người Bắc cầu kỳ trong trang trí nhà cửa để đón Xuân, còn người Nam thiên về xu hướng “ăn gì, chơi gì” cho cái Tết sắp đến. Người Bắc chu toàn cỗ bàn cúng ông bà tổ tiên, ông Công, ông Táo…, còn người Nam chỉ cúng như một nghi thức.

Còn nhớ hôm hăm ba Tết đi mua đồ về cúng ông Công, ông Táo, hỏi mua 3 bộ đủ mâm cho một bà Táo và hai ông Táo nhưng không có. Giải thích với người bán hàng về quan niệm dân gian rằng “bà Táo có 2 ông chồng”, thì người bán bảo: “Dở hơi, ngày nay thời hiện đại có 2 chồng nó đánh cho què giò…”. Thôi thì ở đâu theo đó, chẳng thế mà chị bạn người Bắc mới vào lầm rầm khấn: “Các cụ không đủ quần áo, đồ dùng thì xá cho con, trong này không bán. Con cúng thêm tiền vàng các cụ dạo phố mua giùm con, không phải con thất lễ…”.

Đến cả đi lễ đầu năm giữa Bắc và Nam cũng nhiều nét khác biệt. Thay vì đổi thật nhiều tiền lẻ để bày lễ, người Nam công đức bằng hiện vật, như gạo để nhà chùa phát chẩn cho những người có hoàn cảnh khó khăn, nên sẽ không có cảnh phản cảm như bàn tay Phật đầy ắp tiền là tiền. Chẳng thế mà chùa nào cũng có ban tiếp nhận cúng tiến, người đến cúng tiến chỉ mong chút lòng thành nhờ cửa Phật gửi đến những người kém may mắn hơn mình.

Bên cạnh văn hóa đền chùa cũng còn nhiều câu chuyện phải suy ngẫm khi một số chùa tổ chức ăn uống linh đình ngay tại sảnh, nhiều đệ tử phật môn còn mang cả bia vào uống cho “khí thế”.

Chị Thanh - người Bắc đã sống lâu năm tại Sài Gòn tâm sự: “Khó chấp nhận cảnh ồn ào, huyên náo ở nơi tôn nghiêm, bởi trong tâm thức đến chùa là để lạy Phật, tìm chốn bình an”.

Sắc vàng xuống phố… ảnh 1

\

Thật ra, cũng khó trách đệ tử nhà Phật phía Nam, bởi đa phần đạo Phật ở đây theo phái Nam Tông, phái này không quy định Phật tử phải ăn chay. Không chỉ trong lễ nghi, mà cả kiến trúc của ngôi chùa Phật giáo Nam Tông cũng nhuốm sắc vàng, trang trí hoa mỹ, chứ không cổ kính, màu sắc nền nã như chùa của Phật giáo Bắc Tông. Dẫu có sự khác biệt trong quan niệm, thì “Tứ vô lượng tâm” của nhà Phật vẫn thấm đẫm trong từng hành động của người Việt.

Chị Minh Hằng, quận 1 cho biết: “Tết đến, thích nhất là sắc đỏ của mùa “Sale off”, khuyến mãi, nên chọn mua sắm dịp Tết để có được những món đồ như ý mà giá cả thì phải chăng. Khắp mọi ngóc ngách của thành phố, đến lề đường chợ quê đều tưng bừng xả hàng, giảm giá đón Xuân với quan niệm “bán càng nhiều vào dịp Xuân thì trong năm lộc sẽ nhiều hơn”, giống như quan niệm buôn may, bán đắt. Hơn nữa, giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ cũng như ngày thường chứ không tăng đến chóng mặt.

Bà chị chồng ngoài Bắc vào cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi giá taxi, dịch vụ giặt ủi quần áo, đồ ăn mang tận nơi vẫn như mọi ngày. Dễ nhận thấy bà bán nước vẫn cần mẫn tại góc phố quen với cái giá 6.000 đồng/chai nước ngọt như mọi ngày, nhưng bù lại người mua thường lì xì thêm chút tiền lẻ lấy hên.

Ở lâu rồi mới thấy được “vị” Tết của người Nam, không nhiều cảm xúc, nhưng vẫn lắng đọng, dù đường phố vắng hoe, nhưng vẫn cảm nhận được nhịp Xuân náo nức hơn những ngày thường.

Sau màn pháo hoa chào Xuân quen thuộc, mọi người kéo nhau vào quán nhậu hàn huyên đủ chuyện chào năm mới, thay vì đi hái lộc Xuân “ngắt lá, bẻ cành” như ngoài Bắc quê tôi. Không có phiên chợ Viềng (Nam Định) đậm nét liêu trai, hay phiên chợ Chuộng (Thanh Hóa) với quan niệm “đánh nhau càng to, làm ăn càng khấm khá”. Tết của người Nam là vậy, đơn giản, hối hả nhưng thực sự là một kỳ nghỉ với nhiều âm hưởng ngọt ngào.

Mỗi mùa Xuân đến, dẫu sắc vàng đã dần chiếm chỗ trong cảm xúc của người Bắc xa quê, nhưng đâu đó trong xa thẳm tâm hồn, vẫn thấy nhớ cồn cào tiếng rao lảnh lót của chị hàng muối vào tinh mơ ngày mồng Một Tết, vẫn thèm cảm giác chìm trong từng ngụm sương sớm giữa ban mai yên bình đất Bắc.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thanh Uyên
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục