Sabeco khẳng định vị thế hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một trong số ít mã cổ phiếu mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư trong năm 2022 có nhiều sóng gió.
Sự kiện The Chill Fest tại Đà Lạt của Bia Saigon Chill Sự kiện The Chill Fest tại Đà Lạt của Bia Saigon Chill

Cổ phiếu SAB lội ngược dòng nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc

Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh, chỉ số VN-Index mất 32,6% giá trị, một loạt cổ phiếu lớn cũng giảm giá, gây thua lỗ cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cổ phiếu SAB lại đi ngược xu hướng giảm của thị trường. Trong năm qua, giá cổ phiếu này đã tăng 14,6%, từ 145.630 đồng/cổ phiếu lên 166.900 đồng/cổ phiếu. Bước sang năm 2023, cổ phiếu SAB sau giai đoạn tích luỹ đã bật tăng, tất cả các phiên giao dịch trong tuần đầu năm mới đều ghi nhận sắc xanh, thị giá đạt 180.700 đồng/cổ phiếu.

Có nhiều nguyên nhân giúp cổ phiếu SAB vượt trội so với thị trường chung trong năm 2022.

Đầu tiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Sabeco ghi nhận doanh thu 24.949,9 tỷ đồng, tăng 43,6% và lợi nhuận sau thuế 4.423,9 tỷ đồng, tăng 74,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Sabeco cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu được cải thiện và lợi nhuận ròng cao hơn mức thực hiện cả năm 2021 nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát, không còn tình trạng giãn cách xã hội. Tổng công ty đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng cũng như các chương trình tiếp thị, giúp thúc đẩy hoạt động bán hàng cho các nhãn hàng. Đặc biệt, Sabeco đã nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của chi phí đầu vào cao hơn.

Được biết, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Sabeco là đạt doanh thu thuần 34.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.581 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và 17% so với mức thực hiện năm 2021. Như vậy, sau 9 tháng, Sabeco đã hoàn thành được 96,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2022.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2022, Sabeco đạt biên lợi nhuận gộp 31,9% và biên lợi nhuận ròng 17,7%, đây là mức kỷ lục so với trước khi nhóm cổ đông mới tham gia tiếp quản và điều hành cuối năm 2017 (Nhà nước bán đấu giá thành công 53,59% cổ phần Sabeco, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 36%).

Có thể thấy, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sabeco từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, ghi nhận mức cao hơn nhiều so với giai đoạn Nhà nước sở hữu chi phối trước đây.

Thứ hai, Sabeco duy trì sức mạnh tài chính vững chắc nên chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ở mức cao cho cổ đông, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn về dòng tiền.

Nhờ hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng ổn định, dòng tiền đều hàng năm đã giúp Sabeco gia tăng tích luỹ tiền mặt. Tính tới cuối quý III/2022, quỹ tiền mặt của Tổng công ty lên tới 23.463,7 tỷ đồng, chiếm 69,1% tổng tài sản. Trong đó, riêng 9 tháng đầu năm 2022, Sabeco tăng 13,9% tổng lượng tiền mặt so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.866 tỷ đồng.

Với việc sở hữu tiền mặt lớn (tính đến cuối tháng 9/2022 có 20.620,3 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn), vay nợ không đáng kể và hoạt động kinh doanh tạo dòng tiền dương liên tục, Sabeco duy trì ổn định chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Cụ thể, trong năm 2022, sau khi tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 25% bằng tiền, doanh nghiệp dự kiến tạm ứng thêm 10%, sẽ thực hiện trong quý I/2023.

Thứ ba, Sabeco tích cực tìm giải pháp tăng hiệu quả vận hành, bán hàng và nâng công suất.

Trong năm 2022, Sabeco đã khánh thành dự án mở rộng công suất nhà máy Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi lên 250 triệu lít/năm, lắp đặt và vận hành hệ thống năng lượng mặt trời tại các nhà máy bia giúp tiết kiệm 14% lượng điện tiêu thụ.

Bên cạnh đầu tư trong sản xuất, Sabeco còn triển khai dự án Sabeco 4.0, giúp doanh nghiệp tối đa hoá chi phí và hiệu quả trong vận hành.

Đối với kênh tiêu thụ, Tổng công ty không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hoá danh mục sản phẩm. Đầu tiên, ra mắt sản phẩm Bia Saigon Chill nhằm trẻ hóa thương hiệu Bia Saigon, gây ấn tượng với giới trẻ tại các sự kiện âm nhạc mùa hè, chiến dịch mùa lễ hội đặc sắc. Sau đó, Bia Saigon Special tái xuất với diện mạo và công thức mới, sử dụng hoa bia Yakima kết hợp cùng công nghệ ủ dry-hopping. Tiếp đến, ra mắt sản phẩm Bia Saigon vị cà phê, kết hợp hai thức uống được yêu thích tại Việt Nam. Ngoài ra, tiếp nối thành công của bộ sưu tập Bản sắc Việt được Hội Kỷ lục gia Việt Nam ghi nhận, Sabeco tung ra bộ sưu tập “63 là 1” nhằm tôn vinh sự đa dạng văn hóa và đề cao tinh thần đoàn kết, đi lên cùng nhau của người Việt.

Sabeco tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu

Khách tham quan chụp ảnh cùng Bộ sưu tập 63 là 1 của Bia Saigon tại Tuần lễ văn hóa, du lịch Việt Nam ở Hàn Quốc

Khách tham quan chụp ảnh cùng Bộ sưu tập 63 là 1 của Bia Saigon tại Tuần lễ văn hóa, du lịch Việt Nam ở Hàn Quốc

Trải qua 147 năm hình thành và phát triển trong ngành sản xuất đồ uống, Sabeco đã xác lập vị thế vững chắc là một trong các tập đoàn hàng đầu Việt Nam.

Hiện tại, Sabeco đang sở hữu 26 nhà máy với công suất khoảng 2,2 tỷ lít/năm, mạng lưới hàng trăm nghìn điểm bán trải dài khắp cả nước và xuất khẩu sang 30 nước trên thế giới. Tổng công ty có một danh mục các thương hiệu bia được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích như Bia Lạc Việt, Bia Saigon Chill, Bia 333, Bia Saigon Special, Bia Saigon Export, Bia Saigon Lager, Bia Saigon Gold.

Với nhiều hoạt động nổi bật, Sabeco đã khép lại năm 2022 bằng một loạt giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế như Vinh quang Việt Nam (của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), Doanh nghiệp xuất sắc châu Á và Thương hiệu truyền cảm hứng (APEA), Doanh nghiệp bền vững (Giải thưởng Philip Kotler), Top 1 công ty đồ uống uy tín (Vietnam Report), Top 25 thương hiệu công ty F&B dẫn đầu (Forbes), Giải vô địch Bia châu Á 2022 (Asia Beer Championship) cho sản phẩm Bia Saigon Chill, Bia Saigon Lager và các giải thưởng tại Smarties Vietnam.

Đó là những thành quả ghi nhận những nỗ lực kinh doanh của Sabeco cũng như các hành động cụ thể gắn liền với chiến lược phát triển bền vững xoay quanh 4 trụ cột “Đất nước, Văn hóa, Bảo tồn và Tiêu thụ”, hướng đến trở thành một “doanh nghiệp công dân” có năng lực cạnh tranh quốc tế và vươn xa hơn hình ảnh “Niềm tự hào của người Việt Nam”.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục