Theo VNDIRECT, sau khi bị loại khỏi chỉ số VN30 trong đợt xem xét định kỳ vào tháng 2/2021, SAB đã cải thiện thanh khoản trong nửa đầu năm nay, với khối lượng khớp lệnh hàng ngày của SAB trong đợt xem xét định kỳ này vượt 100.000 cổ phiếu.
Theo ước tính của VNDIRECT, SAB sẽ trở lại chỉ số VN30 sau khi đáp ứng được tiêu chí thanh khoản, với giá trị vốn hóa đứng thứ 9 trong danh sách cổ phiếu trên HOSE.
ACB là cổ phiếu luôn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sàng lọc chỉ số ngoại trừ tiêu chí về thời gian niêm yết sau khi chuyển sàn từ HNX sang HOSE vào cuối năm 2020. Như vậy, sau 6 tháng giao dịch trên HOSE, ACB sẽ là cổ phiếu mới của Chỉ số VN30 trong giai đoạn này.
Đối với GVR, giá trị vốn hóa thị trường của cổ phiếu này vẫn duy trì trên 80.000 tỷ đồng kể từ tháng 12/2020, giúp cho giá trị vốn hóa điều chỉnh freefloat của GVR lớn hơn 2.500 tỷ đồng và có thể được đưa vào rổ VN30 trong đợt xem xét chỉ số định kỳ lần này.
HOSE sẽ công bố danh sách thành phần chỉ số HOSE-Index (bao gồm chỉ số VN30) vào ngày 19/7 và thời điểm có hiệu lực là 2/8.
Dựa trên kết quả trên, các quỹ ETF dựa trên chỉ số VN30, với tổng giá trị tài sản ròng đạt 10.400 tỷ đồng (bao gồm ETF DCVFM VN30, ETF SSIAM VN30 và ETF FUEMAV30), sẽ cân đối lại danh mục vào ngày giao dịch trước đó (30/07/2021) .
VNDIRECT ước tính các quỹ ETF này sẽ mua 18,2 triệu cổ phiếu ACB trong kỳ này. VNM, VIC và VRE cũng được mua mạnh với số lượng lần lượt là 1,8 triệu cổ phiếu, 1,16 triệu cổ phiếu và 1,95 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, VPB và TCB sẽ bị bán mạnh, lần lượt là 2,4 triệu cổ phiếu và 2,1 triệu cổ phiếu.
Trong đợt xem xét định kỳ chỉ số tháng 2/2022, VNDIRECT cho rằng các cổ phiếu ngân hàng có quy mô lớn sẽ có nhiều tiềm năng gia nhập chỉ số VN30, đặc biệt là cổ phiếu VIB với giá trị vốn hóa hơn 80.000 tỷ đồng, đứng thứ 17 trong số các cổ phiếu niêm yết trên HOSE tại ngày 15/6/2021, là cổ phiếu có tiềm năng nhất nếu vốn hóa thị trường được duy trì cho đến kỳ tháng 2/2022.