SAAB đã ở đường cùng

(ĐTCK-online) Ngày 19/12/2011, Swedish Automobile, công ty mẹ sở hữu thương hiệu ô tô SAAB lừng lẫy một thời của Thuỵ Điển, đã đệ đơn xin phá sản. Như vậy, sau 64 năm tồn tại, SAAB đứng trước nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn.
Ông Victor Muller, CEO Swedish Automobile

Trong gần 9 tháng trở lại đây (từ cuối tháng 3/2011), SAAB đã thiếu tiền mặt để trả lương cho công nhân và duy trì hoạt động sản xuất tại nhà máy ở TP. Trollhattan, vùng Tây Nam Thuỵ Điển. Năm 2010, SAAB chỉ bán được vẻn vẹn 31.696 chiếc ô tô, trong khi mục tiêu đặt ra phải là trong khoảng 50.000 - 60.000 chiếc. Do sản xuất - kinh doanh yếu kém, lại cạn tiền mặt, nên từ tháng 4/2011, SAAB đã phải tạm dừng sản xuất, chờ các vị cứu  tinh mới, nhiều khả năng là các nhà đầu tư Trung Quốc.

Lý do là, vào năm 2009, Volvo, một thương hiệu ô tô nổi tiếng khác của Thuỵ Điển đã được Hãng Ford (Mỹ) chuyển nhượng cho Hãng Geely Automobile Holdings Ltd của Trung Quốc với giá 1,5 tỷ USD. Volvo hiện sống khá khoẻ khi ước tính năm nay, 50.000 xe mang thương hiệu Volvo được tiêu thị tại thị trường Trung Quốc.

Thực ra, từ năm 1990 đến nay, số phận của SAAB đã bắt đầu long đong, lận đận, “sống dở, chết dở” nhiều phen.

Năm 1990, khi đang làm ăn phát đạt, Hãng sản xuất ô tô General Motors (GM) của Mỹ đã đầu tư 600 triệu USD để mua 50% cổ phần của SAAB, rồi sau đó 10 năm (vào năm 2000), đã mua trọn toàn bộ 100% cổ phần của thương hiệu này.

Trong suốt 20 năm, trừ năm 2000 có lãi, các năm còn lại SAAB đều bị lỗ. SAAB là thương hiệu ô tô đã từng “vang bóng một thời” ở châu Âu. Vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, SAAB còn có thể cạnh tranh ngang ngửa với cả 2 thương hiệu ô tô nổi tiếng của Đức là BMW và Mercedes trên thị trường châu Âu. Song do SAAB là thương hiệu kén khách, nên lượng xe bán ra không nhiều và có xu hướng càng ngày càng ít đi.

Vào cuối tháng 1/2010, do làm ăn thua lỗ, GM buộc lòng phải nhượng lại SAAB cho Spyker Cars, một hãng xe thể thao nhỏ của Hà Lan. Sau khi trở thành cổ đông chính của SAAB, Spyder Cars đổi tên thành Swedish Automobile.  

Ngày 16/5/2011, Swedish Automobile đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với Pang Da Automobile Trade Co., Ltd (Pang Da) về vấn đề tài chính và nhập khẩu xe. Pang Da là nhà phân phối ô tô lớn nhất Trung Quốc, với hơn 1.100 cửa hàng, đại lý phân phối trên khắp lãnh thổ nước này. Năm 2010, Pang Da đã bán được tổng cộng 470.000 chiếc các loại.

Ngày 28/10/2011, Swedish Automobile đã ký thỏa thuận bán lại 100% cổ phần của SAAB cho 2 đối tác Trung Quốc là Zhejiang Youngman Lotus Automobile, một công ty sản xuất ô tô ở tỉnh Chiết Giang và Pang Da.

Tuy nhiên, đến đây, thương vụ mua bán này bắt đầu gặp trở ngại lớn đến từ GM.

Cho dù đã bán đi phần xác, song GM vẫn còn có quyền sở hữu phần hồn của mình ở SAAB (do còn nắm giữ nhiều bản quyền phát minh, sáng chế được sử dụng trong nhiều dòng xe chủ lực hiện tại của SAAB, như SAAB 9-3, SAAB 94-X crossover, SAAB 9-5). Mà các nhà đầu tư Trung Quốc “mê” SAAB chủ yếu là công nghệ của GM.

Đương nhiên là GM phản đối và nếu GM không chấp thuận thì thương vụ đổ vỡ.

GM đang hoạt động tốt ở Trung Quốc cả độc lập lẫn hợp tác với Tập đoàn ô tô SAIC Motor Corp Ltd. của nước này. Vì thế, GM chẳng dại gì lại chấp nhận gián tiếp “vỗ béo” đối thủ bằng công nghệ của mình để cạnh tranh với chính mình ở Trung Quốc.

Trong tuần qua, James Cain, người phát ngôn của GM đã trả lời lần cuối cùng rằng: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, GM cũng không ủng hộ và không chấp nhận việc chuyển giao công nghệ của mình ở SAAB cho các nhà đầu tư Trung Quốc”.

Ngay sau đó, cuối tuần qua, hai nhà đầu tư Trung Quốc đều tuyên bố không còn quan tâm đến SAAB nữa. Trước đó, vào ngày 7/12, một ngân hàng thương mại Trung Quốc còn hứa sẽ thu xếp  khoản tín dụng trị giá 600 triệu euro (782 triệu euro) cho SAAB, nếu thương vụ mua lại thành công.

Ông Victor Muller, CEO Swedish Automobile đã buồn bã thừa nhận, ông đã nỗ lực hết sức theo kiểu “còn nước còn tát” để cứu thương hiệu SAAB, song với cách khống chế của GM thì chỉ còn lối thoát cuối cùng là buông xuôi tất cả.

“Ban lãnh đạo Swedish Automobile đã quyết định rằng, do không có nguồn tài chính tiếp theo để duy trì hoạt động bình thường, nên xin phá sản là giải pháp tốt nhất và gần như duy nhất vào lúc này vì lợi ích tốt nhất của các chủ nợ”, ông Victor Muller phát biểu.

Ông Anders Trapp, một chuyên gia phân tích kỳ cựu về ô tô của Ngân hàng Skandinaviska Enskilda Banken ở Stockholm (Thụy Điển) nhận xét: “Trên phương diện là thương hiệu ô tô, SAAB coi như không còn gì có thể cứu vãn được. Có thể thương hiệu SAAB vẫn tiếp tục tồn tại ở một dạng nào đó, nhưng sẽ không bao giờ có được tiếng tăm như ngày xưa”.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, SAAB đã sống đi, chết lại nhiều lần, nhưng phen này thì cầm chắc tới 99% là SAAB... chết hẳn.


Trung Hiếu (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục