Quy trình thanh toán hiện được thực hiện tại VSD ra sao, thưa ông?
Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện quy trình thanh toán bù trừ đa phương cho cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Cụ thể, vào ngày giao dịch T+0, VSD nhận kết quả kinh doanh từ Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và TTGDCK Hà Nội (HASTC), dựa trên kết quả này VSD in báo cáo kết quả giao dịch, rồi chuyển cho các thành viên lưu ký (CTCK) sao khớp. Thành viên lưu ký phải kiểm tra đối chiếu, xác minh chính xác giao dịch và xác nhận với VSD chậm nhất ngày T+2, dựa trên đó VSD xác nhận với các thành viên ngày T+2. Ngày T+3, VSD kiểm tra tiền, xác định số chứng khoán trên tài khoản thành viên, có biện pháp khắc phục nếu thành viên để xảy ra tình trạng thiếu tiền, chứng khoán. VSD thực hiện bước cuối cùng và hoàn tất giao dịch vào 15h chiều ngày T+3.
Những lỗi phổ biến nào hay xảy ra trong quy trình thanh toán?
Sai sót phổ biến nằm ở khâu tra soát thông tin lệnh của nhà đầu tư do đại diện giao dịch sàn của các CTCK nhập khác so với lệnh gốc của nhà đầu tư. Theo quy định, khi xảy ra sai sót, CTCK phải có nghĩa vụ thực hiện thanh toán thay khách hàng. VSD đã ban hành cơ chế khắc phục trong trường hợp có sai sót để đảm bảo quy trình thanh toán được thông suốt. Đối với thành viên thiếu tiền, chúng tôi có cơ chế trích lập thanh toán, trong trường hợp nếu như số tiền thiếu vượt quá hạn mức 10 tỷ đồng, chúng tôi dùng cơ chế hỗ trợ tiền vay tại ngân hàng chỉ định thanh toán. Nếu thành viên thiếu chứng khoán, chúng tôi yêu cầu thành viên làm chứng nhận vay chứng khoán từ các thành viên khác. Quy trình thanh toán giao dịch chứng khoán không đơn thuần là những bước xử lý nghiệp vụ thuần tuý, vì nó bao gồm nhiều công đoạn liên quan với sự tham gia của các bên như VSD, CTCK, ngân hàng chỉ định thanh toán, chính vì vậy cần sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ của các bên.
Nhiều nhà đầu tư mong đợi, để gia tăng tính thanh khoản cho thị trường, quy trình thanh toán T+3 sẽ được rút ngắn, thời gian thanh toán nhanh hơn, liệu mong muốn này có thể thực hiện được?
Ngoài thời gian thanh toán T+3, VSD đang áp dụng phương thức thanh toán T+1 với trái phiếu, T+1 cho giao dịch cổ phiếu tại HASTC có khối lượng vượt 100.000 cổ phiếu. Chúng tôi cũng áp dụng thời gian thanh toán ngắn hơn T+1 cho những giao dịch trái phiếu, cổ phiếu lớn. So sánh với các thị trường khác như Nhật Bản, Singapore người ta vẫn áp dụng thời gian T+3 trong giao dịch cổ phiếu, mặc dù một số thị trường tiên tiến người ta đã đặt kế hoạch rút ngắn xuống T+1 từ năm 2001, song đến nay chưa thực hiện được. Để rút ngắn thời gian thanh toán, chúng tôi không cho rằng, đơn thuần do khó khăn kỹ thuật, mà quan trọng cần lưu ý những rủi ro có thể phát sinh khi áp dụng thời gian ngắn do có sự tham gia của nhiều bên liên quan, mức độ phát triển thị trường, khối lượng đầu tư quy mô luân chuyển cổ phiếu lớn.
Sắp tới, cả HOSE và HASTC đều thực hiện giao dịch không sàn, năng lực xử lý lệnh của CTCK do đó được nâng lên đáng kể, VSD có kế hoạch rút ngắn thời gian thanh toán xuống không, thưa ông?
Như tôi đã đề cập, quan trọng nhất là sự phối hợp đồng bộ của các bên liên quan. Về khía cạnh thị trường, cần nghĩ đến những khó khăn về kỹ thuật khi hiện nay mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại nhiều CTCK thấp, bên cạnh đó còn phải chú ý tới mức độ xử lý liên kết, liên thông của các ngân hàng. Một yếu tố quan trọng nữa là sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Với những thị trường lớn, khi rút ngắn thời gian thanh toán, người ta phải tính đến yếu tố này, đưa ra thời gian giao dịch làm việc của thị trường một cách phù hợp với nhiều đối tượng nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với Việt Nam, quy trình thanh toán T+3 không phải là thời gian quá dài, nó cũng nằm trong khuôn khổ như nhiều TTCK quốc tế. Tuy nhiên, trong nỗ lực phát triển thị trường, VSD cũng dự kiến phối hợp với các bên tham gia để đưa ra giải pháp rút ngắn thời gian thanh toán, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.