Rút ngắn thời gian thanh toán là yêu cầu cấp thiết của thị trường sau một thời gian phát triển. Về khung pháp lý, đến nay cơ quan quản lý đã chuẩn bị đến đâu, thưa ông?
Sau hơn 9 năm đi vào hoạt động, có thể nói, đến nay TTCK đã có sự phát triển nhất định. Nhằm từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế thông qua việc nới lỏng các quy định về giao dịch chứng khoán để tăng tính thanh khoản cho thị trường, UBCK đã đưa quy định cho phép nhà đầu tư được bán chứng khoán đã mua vào ngày T+2 và T+3 vào dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch. Ngoài ra, tại dự thảo Thông tư này cũng có quy định cho phép nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản giao dịch và một số trường hợp nhà đầu tư được phép mua, bán cùng một loại cổ phiếu trong một ngày giao dịch. Tuy nhiên, đây mới là dự thảo văn bản hướng dẫn và UBCK đang trình Bộ Tài chính xem xét, nếu được thông qua thì sẽ triển khai vào đầu năm 2010.
Mấu chốt của việc rút ngắn thời gian thanh toán là công nghệ của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Đến nay, VSD đã đầu tư ra sao?
VSD đã đầu tư hệ thống công nghệ và đang chạy thử nghiệm với các thành viên thị trường, dự kiến hệ thống mới có thể được triển khai áp dụng vào cuối năm 2009. Hệ thống đăng ký thanh toán bù trừ mới sẽ cho phép kiểm soát đến từng tài khoản của khách hàng và cho phép rút ngắn chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán từ chiều ngày T+3 xuống sáng ngày T+3. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán cần sự đầu tư từ cả phía VSD và các thành viên lưu ký chứng khoán, đặc biệt là sự sẵn sàng trong chuyển tiền thanh toán các giao dịch. Bởi lẽ, nguyên lý thanh toán trong giao dịch chứng khoán ở Việt Nam đang thực hiện là thanh toán và chuyển giao chứng khoán đồng thời (thanh toán DVP).
TIN LIÊN QUAN |
* Triển vọng bán chứng khoán ngày T+0 * Bán chứng khoán trước ngày T+4: Cần được hợp thức hóa * Hiểu thế nào về quyền sở hữu cổ phiếu? * Bán CK đang về tài khoản: Khống hay không? |
Cùng với việc rút ngắn thời hạn thanh toán chứng khoán, quy định mới về cho phép bán chứng khoán vào ngày T+2 và T+3 nếu được triển khai áp dụng sẽ tạo nên một bước đột phá về phát triển thị trường, qua đó đẩy mạnh tính thanh khoản. Hiện tại, chuẩn mực chung về hệ thống thanh toán trên thế giới đang áp dụng là T+3, nhưng theo tôi, việc rút ngắn thời hạn thanh toán là cần thiết. Nếu cho phép áp dụng bán chứng khoán vào ngày T+2 và T+3 sẽ có nhiều ý nghĩa hơn và thuận lợi hơn đối với các thành viên thanh toán bù trừ trong quá trình chuyển tiền thanh toán.
Như vậy, có thể nói, việc cho phép bán chứng khoán ngày T+2, T+3 đã chín muồi?
Từ thực tiễn yêu cầu của thị trường và với sự đầu tư công nghệ của VSD, tôi nghĩ đã đến lúc có thể triển khai thực hiện. Trên thực tế vừa qua, một số CTCK đã "vượt rào" để thực hiện hoạt động này cho khách hàng. Việc chưa có khung pháp lý quy định có thể dẫn đến các công ty tự quy định các loại hình cho khác hàng bán trước chứng khoán, tiềm ẩn rủi ro đối với thị trường, đặc biệt là khi TTCK suy giảm mạnh.
Liên quan đến các sản phẩm mới cho thị trường, UBCK vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư giao dịch ký quỹ. Thưa ông, ý nghĩa lớn nhất của sản phẩm này là gì?
Dự thảo Thông tư về giao dịch ký quỹ quy định cụ thể đối tượng được triển khai thực hiện mua ký quỹ (CTCK được thực hiện, tỷ lệ tối đa được ký quỹ, loại chứng khoán ký quỹ và tỷ lệ cấp tín dụng ký quỹ trên tài sản của CTCK và khách hàng...). Dự thảo cũng đưa ra mức ký quỹ khung nguyên tắc tối đa, tối thiểu, trên cơ sở đó CTCK sẽ vận dụng linh hoạt khi áp dụng đối với nhóm khách hàng dựa trên mức độ uy tín để có tỷ lệ nhất định.
Việc tạo lập hành lang pháp lý cho các CTCK áp dụng hoạt động này, một mặt hỗ trợ NĐT trong giao dịch, mặt khác đảm bảo thị trường vận hành an toàn (hiện nay, các CTCK đang có sự vận dụng khác nhau về sử dụng nghiệp vụ ký quỹ đối với khách hàng). Dự thảo Thông tư về giao dịch ký quỹ đang được gửi lấy ý kiến các thành viên thị trường trước khi trình Bộ Tài chính xem xét ban hành.