Rút bảo hiểm một lần: Thách thức lớn với hệ thống an sinh xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Tình trạng gia tăng số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng đột biến sau Covid-19. Có thể sẽ có khoảng 1 triệu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần để lo cho cuộc sống giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt".
Ảnh: Lê Toàn Ảnh: Lê Toàn

Đó là chia sẻ của TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn tại Hội thảo: Tương lai nào cho người lao động nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội vừa được tổ chức sáng 10-6 tại TP HCM và Hà Nội

Khó thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội

Thống kê của Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho thấy, trong quý I/2022, cả nước có trên 208.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4/2022, cả nước có trên 93.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, giảm 10% so với tháng 4/2021.

Dù tỷ lệ người lao động rút bảo hiểm xã hội một đã giảm, nhưng theo PGS.TS Giang Thanh Long - Viện trưởng viện chính sách công và quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân), đây vẫn là vấn đề thách thức rất lớn đối với Việt Nam hiện nay.

Theo thống kê 97% người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ngay sau một năm nghỉ đóng bảo hiểm xã hội để chi tiêu ngay chứ không phải chi tiêu trong tương lai. Phần lớn những người rút tiền bảo hiểm xã hội đều rất trẻ dưới 40 tuổi. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì mục tiêu bao phủ 60% bảo hiểm xã hội cho người lao động trong xã hội sẽ rất khó thực hiện.

Ông Long cũng nêu một thực tế khác trong việc đảm bảo an sinh xã hội, là hiện nay, người giàu thì được bao phủ rất nhiều giải pháp an sinh ngoài bảo hiểm xã hội, còn có bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế tự nguyện... Trong khi rất nhiều người lao động thu nhập thấp hoặc trung bình không có một giải pháp an sinh nào nếu rút hết bảo hiểm xã hội.

“Việt Nam cần xem xét giải pháp trợ cấp cho trẻ em trong bảo hiểm xã hội giúp hộ gia đình giảm bớt gánh nặng y tế giáo dục cho trẻ em. Việt Nam hiện chưa có hệ thống an sinh tích hợp, không chỉ khi xảy ra dịch Covid-19, chúng ta cần phải tính đến vấn đề an sinh bao phủ khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra”, ông Long góp ý.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc công ty may Dony cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, nỗi lo chính không phải lương thấp hay cao, mà chính là về công việc không ổn định.

Việc người lao động rút tiền một lần, dưới góc độ thực tế doanh nghiệp, ông Quang Anh cho rằng, không hẳn vì thu nhập thấp, đó chỉ là một lý do. Cần phải nhìn nhận thực tế là Việt Nam trong giai đoạn 10 năm gần đây, xu hướng khởi nghiệp rất mạnh mẽ, nhiều lao động nghỉ việc doanh nghiệp ra ngoài làm, nên việc đóng bảo hiểm xã hội bị đứt quãng, không còn tính liên tục, trong khi đó, họ dường như chưa được tuyên truyền nhiều về việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nên rút một lần để có vốn làm ăn.

“Cần phải tuyên truyền mạnh hơn về việc người lao động có thể tiếp tục đóng bảo bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi nghỉ ở công ty hay nhà nước...”, ông Quang Anh nói.

Cần hệ thống an sinh ba tầng

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty THHH Nidec Việt Nam cho rằng, nếu chế độ chính sách bảo hiểm thực sự tốt, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của lao động thì người lao động sẽ không rút một lần. Vậy nên cũng phải xem lại chính sách chi trả bảo hiểm xã hội hiện nay đã phù hợp chưa?

Thực tế, cũng có nhiều lao động rút tiền ra để xoay xở cuộc sống tạm thời, trong khi họ vẫn được hưởng chế độ thất nghiệp 1 năm, thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp họ cũng đi làm công nhân thời vụ (không đóng bảo hiểm xã hội)...

Một vấn đề nữa là người lao động cũng e ngại thời gian đóng bảo hiểm đủ năm họ không thể chờ đến tuổi mới được hưởng lương hưu, nên họ cũng quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần.

“Cùng với việc phải có những khảo sát lại về thay đổi thời gian đóng bảo hiểm thì các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền nhiều hơn cho các đối tượng đang đóng bảo hiểm từ 45 tuổi đến 50 tuổi nghỉ làm ở các công ty doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện...”, ông Hồng đề xuất.

Theo ông Trần Thanh Phong, Phó tổng giám đốc Marketing Prudential Việt Nam, ở nhiều quốc gia phát triển hệ thống an sinh thường gồm: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ, nếu mọi người dân đều được hưởng hệ thống an sinh “kiềng 3 chân” như vậy thì họ sẽ rất an tâm khi nghỉ hưu hay không may gặp biến cố nào trong cuộc sống.

Theo ông Phong, trước đó Prudential Việt Nam đã có một khảo sát về tương lai hưu trí của khách hàng Việt Nam. Khảo sát này cho thấy, đa phần đều muốn không bị phụ thuộc vào gia đình con cái khi nghỉ hưu, tuy nhiên chỉ 4/10 người có kế hoạch thực sự làm việc này.

“Như thế, 10-20 năm nữa người lao động liệu có được hưởng tuổi hưu trí an nhàn không áp lực vào tài chính của gia đình”, ông Phong đặt câu hỏi và chia sẻ rằng, từ góc độ của một doanh nghiệp bảo hiểm, Prudential muốn tuyên truyền nhiều hơn về dự phòng an toàn tài chính để tới thời điểm hưu trí người dân không bị gánh nặng tiền bạc.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục