Rung lắc ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán xuất hiện, nhưng chưa cho thấy hoạt động chốt lời trên diện rộng nhằm thoát khỏi thị trường. Dòng tiền vẫn chuyển động tích cực để tìm cơ hội.
Rung lắc ngắn hạn

Tâm lý giao dịch vẫn vững

Trong tuần giao dịch vừa qua, xu hướng tăng của VN-Index có chiều hướng chững lại khi tăng/giảm đan xen và chủ yếu đi ngang trong biên độ 1.207 - 1.235 điểm. Diễn biến giá cho thấy nhịp điều chỉnh mang tính chất kỹ thuật khi lực cầu sau đó gia tăng, hỗ trợ VN-Index tại vùng giá 1.207 - 1.214 điểm, cũng là khoảng trống giá tăng trước đó.

Thanh khoản có chiều hướng tăng trong các phiên giảm điểm cho thấy áp lực bán chiếm ưu thế. Tuy nhiên, dòng tiền duy trì luân chuyển, hướng đến nhóm vốn hóa lớn và vừa và các ngành có điểm nhấn đầu tư, chưa cho thấy hoạt động chốt lời trên diện rộng nhằm thoát khỏi thị trường.

Phiên cuối tuần, diễn biến tăng giá bùng nổ củng cố cho quan điểm trên khi sự đồng thuận tăng cao, đưa VN-Index tiến sát đến vùng giá vừa bị từ chối đầu tuần quanh 1.235 điểm.

VN-Index có các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ mới.

VN-Index có các ngưỡng kháng cự và hỗ trợ mới.

Tuy thị trường tăng giá trên diện rộng, nhưng các nhóm ngành lớn như bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính là “nam châm” thu hút dòng tiền. Trong đó, bất động sản tiếp tục là động lực chính của thị trường khi có biên độ tăng vượt trội trên 4% trong tuần.

Về cơ cấu nhà đầu tư, khối ngoại quay lại bán ròng, nhưng với giá trị thấp, còn cá nhân trong nước và khối tự doanh là bên mua ròng lớn.

Nhìn chung, nhịp điều chỉnh của thị trường mang tính chất ngắn hạn, tích lũy trong biên độ 1.200 - 1230 điểm, tạo nền tảng để chỉ số tiếp tục xu hướng tăng.

Với xu hướng tăng trung và dài hạn còn vững vàng, ngưỡng kháng cự kỹ thuật mà VN-Index hướng tới trong thời gian tới là 1.250 - 1.280 điểm.

Ngành ngân hàng: Triển vọng dài hạn

Quý II/2023, tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm ngân hàng thương mại trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong khi quý I có mức giảm 4,5%. Biên lãi ròng (NIM) tương đối ổn định, nhưng giảm ở một số ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp và có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao.

Thu nhập từ lãi vẫn là nguồn thu chính, trong khi thu nhập từ dịch vụ hồi phục nhẹ nhưng đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là mảng bancassurance (phân phối bảo hiểm). Về chất lượng tài sản, phần lớn các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn tăng, nhất là khi có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.

Về dài hạn, Kafi kỳ vọng, chính sách hỗ trợ trích lập dự phòng nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước và môi trường lãi suất thấp dần sẽ hỗ trợ khả năng hồi phục tăng trưởng lợi nhuận cho các ngân hàng.

Hiện tại, triển vọng kinh tế chưa thực sự rõ ràng, Kafi khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào các ngân hàng có câu chuyện thu hút dòng tiền về tiềm năng tăng trưởng để vừa phòng thủ cho những biến động bất ngờ của thị trường, vừa sẵn sàng trong tư thế “tấn công” khi câu chuyện đó dần hiện vào kết quả kinh doanh.

Một số ngân hàng đang có câu chuyện cơ bản tăng trưởng trong dài hạn là STB, EIB.

Trong đó, STB có 2 điểm nhấn đầu tư. Một là, giá trị trích lập dự phòng trong năm 2023 chỉ bằng 50% so với năm 2022, khiến lợi nhuận sau thuế có khả năng tăng gấp đôi, có thể thấy rõ khi NIM được cải thiện từ mức 2,3% trong quý II/2022 lên 3,8% trong quý I/2023 và 4,3% trong quý II/2023. Hai là, STB hoàn thành trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu trong năm nay và ước tính sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận 50% trong năm 2024.

Với EIB, ngân hàng này có 3 điểm nhấn đầu tư. Thứ nhất, EIB đã hoàn thành trích lập bổ sung hết trái phiếu VAMC trong năm 2021 và NIM bắt đầu tăng trở lại kể từ năm 2022, hiện dao động quanh mức 3% (mức cũ là 2%). Thứ hai, nhóm khách hàng chính của EIB là cho vay kinh doanh ô tô, xe máy và cho vay cá nhân để mua nhà ở dự kiến sẽ hồi phục khi lãi suất cho vay giảm và nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại. Thứ ba, cuộc họp đại hội cổ đông lần 2 vào ngày 28/9/2023 có thể sẽ giúp EIB lấp đầy khoảng trống trong đội ngũ ban quản trị, qua đó chính sách điều hành ổn định hơn và có sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh,

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục