Rủi ro xử lý nợ từ các tài sản “đặc thù”

(ĐTCK) Mới đây, trong vụ án Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, các cơ quan tố tụng đã xác định, có một lượng lớn các xe ô tô biển đỏ, biển xanh được sử dụng để thế chấp cho các ngân hàng.
Rủi ro xử lý nợ từ các tài sản “đặc thù”

Được biết, trong vụ án nói trên, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn B.Q.P (Công ty Thái Sơn) đã mua nhiều xe ô tô, trong đó có những xe giá trị lớn.

Số xe này được đề xuất và làm thủ tục đăng ký sử dụng xe quân sự (biển đỏ), xe của cơ quan hành chính nhà nước (biển xanh). Các đối tượng nguyên là lãnh đạo Công ty Thái Sơn đã thế chấp 29/38 xe quân sự cho hàng loạt ngân hàng.

Ngoài việc thế chấp xe, Công ty Thái Sơn còn cho Công ty cổ phần Cái Mép thuê 3 xe, cho Công ty cổ phần Vận tải Bia Sài Gòn và Công ty Bia Đông Bắc thuê 2 xe. Đồng thời, các đối tượng còn giao xe cho nhiều cá nhân khác mượn.

Hành vi này bị xác định là đã vi phạm nhiều quy định như Quyết định 161/2008/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Thông tư 33/2010/TT-BQP, Thông tư 102/2016/TT-BQP quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng...

Bên cạnh hành vi vi phạm của các bị cáo, vụ việc cũng khiến dư luận quan tâm là liệu các tài sản có phần “lạ lẫm” như xe ô tô biển đỏ, biển xanh có thể sử dụng để thế chấp hay không? Giả sử bên vay không thể trả được nợ thì bên cho vay có thể xử lý tài sản để thu hồi nợ?

Theo quy định tại Thông tư 102/2016/TT-BQP về đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng, có 5 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi cho thuê, cho mượn, thế chấp xe, biển số, chứng nhận đăng ký; cung cấp giấy tờ xe quân sự cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, người ngoài quân đội để lưu hành trái phép; sử dụng xe quân sự vào việc riêng; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân ngoài quân đội.

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh) cho biết, trong trường hợp một số loại tài sản đặc thù bị quy định nghiêm cấm chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố thì ngay từ khi giao kết, ký hợp đồng đã vi phạm pháp luật. Các giao kết, thỏa thuận này sẽ bị vô hiệu vì vi phạm điều cấm của pháp luật (Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015).

Theo quy định tại Điều 131, Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, về nguyên tắc, các tài sản không bị cấm giao dịch, chuyển nhượng đều có thể sử dụng để thế chấp, bảo lãnh cho các nghĩa vụ khác.

Tuy nhiên, với những trường hợp được quy định trong luật chuyên ngành thì phải căn cứ vào quy định chuyên ngành. Chẳng hạn, đất đai vẫn thường được sử dụng để làm tài sản bảo đảm.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 179, Luật Đất đai 2013 thì đất nông nghiệp vẫn được thế chấp để đảm bảo cho các nghĩa vụ của bên có đất. Nhưng nếu là đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm thì không thể thế chấp (Khoản 2, Điều 179).

Trong trường hợp tài sản bị cấm giao dịch, chuyển nhượng, thế chấp là tài sản của Nhà nước thì trách nhiệm pháp lý có thể sẽ nghiêm trọng, đặc biệt nếu chứng minh được có sự thông đồng, cấu kết.

Trên thực tế, việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của các ngân hàng thường gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Nếu không đạt được sự đồng thuận của chủ tài sản, ngân hàng chủ yếu phải khởi kiện và vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm.

Bên cạnh đó là nguy cơ “nắm dao đằng chuôi” khi hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu. Chính vì thế, luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, bên cho vay cần cẩn trọng trong việc xem xét, đánh giá các tài sản bảo đảm và quan trọng hơn là việc thẩm định, đánh giá phương án kinh doanh, khả năng trả nợ vốn vay của khách hàng.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục