Phí giao dịch: Khách hàng và ngân hàng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chị H.N ở Ba Đình, Hà Nội cho biết, chị buộc phải sử dụng dịch vụ của Ngân hàng V do lương của cơ quan trả qua ngân hàng này nên mọi giao dịch xoay quanh luôn Ngân hàng này cho tiện.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau khi Ngân hàng chính thức thu phí các dịch vụ, hàng tháng chị phải trả gần 25.000 đồng bao gồm, 11.000 đồng phí sử dụng internet banking, 11.000 đồng phí sms chủ động được nhắn tin vào đầu tháng, ngoài ra còn 2.200 đồng được ngân hàng gọi là phí duy trì tài khoản nhưng không nhắn tin trên điện thoại mà tình cờ chị sao kê giao dịch thì phát hiện ra.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu khai mạc tại Diễn đàn.
“Đó là chưa kể mỗi lần chuyển tiền trong ngân hàng này vẫn phải trả phí là 3.300 đồng/giao dịch, còn chuyển tiền sang ngân hàng khác là 7.700 đồng/giao dịch. Rút tiền tại cây ATM cũng mất phí.
Phí giao dịch ngân hàng, phí vẫn chồng phí, trong khi đó, ngoài giờ hành chính là tôi không thể chuyển tiền qua internet banking, còn rút tiền qua ATM thì không phải không có những trục trặc”, chị H.N than.
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng với chủ đề "Ngân hàng 2018: Hướng tới phát triển bền vững”, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, gần đây các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, Eximbank… đồng loạt tăng phí dịch vụ là việc đã có tính toán trong lộ trình từ 5 năm trước và phù hợp với thông lệ phí được quốc tế ban hành.
Chẳng hạn, Thông tư 35 ban hành năm 2012 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3/2013, mức phí bao nhiêu do ngân hàng quy định, có thể là 0 phí hoặc có phí.
“Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Thực tế đến nay, mức trần thu phí ATM mới được một số ngân hàng áp dụng… Chi phí duy trì ATM hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các ngân hàng đang thu và mức phí hiện nay đang còn thấp so với khung quy định”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Thị Mùi đặt vấn đề: “Có nhất thiết đầu tư một ATM bao nhiêu tiền thì phải phân bổ hết vào cho người dùng? Hội Thẻ nên đưa ra một mức thu phí hài hoà lợi ích của các ngân hàng, nhưng cũng đáp ứng nhu cầu mong muốn của người tiêu dùng hơn”.
Về việc này, ông Tuấn cho biết, tại Việt Nam, 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền thay vì thanh toán các hàng hoá dịch vụ. Chính thực tế này dẫn đến việc các ATM ở Việt Nam đang quá tải và xuống cấp nhanh hơn các quốc gia.
Con số 7.000-10.000 đồng cho một giao dịch các ngân hàng đưa ra là đã tính mọi chi phí, gồm cả bảo trì, duy trì một ATM trong nhiều năm. Như Vietcombank có những ATM đã vận hành được 16 năm, với lượng rút tiền mặt nhiều như ở Việt Nam, việc xuống cấp là không tránh khỏi, dẫn đến chất lượng có thể đi xuống so với các nước khác.
Cảnh báo về an ninh an toàn ngân hàng
Trước những thông tin liên quan đến việc mất an ninh an toàn trong ngân hàng mức độ, cường độ tần suất ngày càng nhiều, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, vấn đề bảo mật an toàn liệu có đang xấu đi không?
Theo ông Hiếu, có 2 lý do chính gây thiệt hại cho khách hàng là kỹ thuật và con người.
Về kỹ thuật, thì 10 năm chưa cải tiến được nhiều. Trong khi đó, có một số cán bộ nhân viên ngân hàng cấu kết với tội phạm cướp tiền của khách hàng.
"Yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong ngành ngân hàng còn rất thiếu sót”, TS. Hiếu nói.
Các diễn giả trao đổi tại buổi Tọa đàm
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, chưa có thống kê đầy đủ, nhưng qua IBM, Microsolf cho thấy có 4 rủi ro là hạ tầng công nghệ, vận hành của hệ thống do những thao tác sai sót trong vận hành, liên quan đến khách hàng và rủi ro về đạo đức.
Rủi ro đối với công nghệ thông tin liên quan đến hạ tầng công nghệ chỉ chiếm 20%, trong khi liên quan đến vận hành hệ thống do thao tác sai sót, đồng thời là câu chuyện của khách hàng và đạo đức nhân viên ngân hàng chiếm 80%.
Ông Hùng cho biết, nhằm tăng cường đảm bảo an ninh bảo mật cho thanh toán trực tuyến trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đưa vào áp dụng khung đánh giá rủi ro công nghệ thông tin theo thông lệ quốc tế để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật tại các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an ninh công nghệ thông tin ngành ngân hàng - Triển khai các chương trình nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên trong ngành Ngân hàng và người dân trong việc nhận diện các rủi ro và các các biện pháp phòng ngừa của hoạt động ngân hàng trên môi trường mạng…
“Phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ và các tổ chức cung cấp dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin... để chia sẻ thông tin và hỗ trợ hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh mạng của ngành ngân hàng”, ông Hùng nói.