Christian Nolting, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại Deutsche Bank cho biết, các nhà đầu tư "có phần kiềm chế việc phân bổ mới cho các nền kinh tế mới nổi châu Á… Mặc dù những bình luận gần đây từ các nhà đàm phán cấp cao cho thấy tiến triển mang tính xây dựng trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với các đối tác thương mại lớn của châu Á, nhưng sự bất ổn vẫn ở mức cao do các tranh chấp thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã kéo dài hơn một năm”.
Trong khi Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã tăng trong ba tháng liên tiếp tính đến tháng 6, khả năng quay trở lại mức thuế quan đối ứng cao có thể khiến cổ phiếu lao dốc theo cách tương tự như hồi đầu tháng 4.
Mới đây, Tổng thống Trump đã loại trừ khả năng kéo dài thời hạn ngày 9/7 để áp dụng mức thuế cao hơn đối với các đối tác thương mại và tiếp tục dọa tăng thuế đối với Nhật Bản.
Ngay cả khi các thỏa thuận thương mại thành hiện thực, một số mức thuế quan có khả năng vẫn được duy trì. Điều đó sẽ cản trở các nền kinh tế do xuất khẩu dẫn đầu của khu vực. Một số ngân hàng trung ương châu Á đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Trong khi đó, lãi suất tăng cao của Mỹ có thể hạn chế phạm vi của các ngân hàng trung ương châu Á để tiếp tục hạ lãi suất.
“Quý III có vẻ sẽ có nhiều thách thức với lạm phát cao hơn và triển vọng tăng trưởng chậm lại… Chúng tôi không tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đủ lý do để cắt giảm lãi suất theo tốc độ kỳ vọng của thị trường”, Gary Dugan, Giám đốc điều hành của The Global CIO Office cho biết.
Chắc chắn, kết quả thuế quan nhẹ nhàng hơn dự kiến và tín hiệu ôn hòa hơn từ Fed có thể khuyến khích dòng tiền chảy vào châu Á. Gary Tan, Giám đốc danh mục đầu tư tại Allspring Global Investments cho biết, vị thế hiện tại của các tài sản châu Á vẫn còn chỗ cho đà tăng.
Fed đã kiềm chế không cắt giảm lãi suất trong năm nay khi đánh giá tác động của thuế quan của Tổng thống Trump đối với lạm phát. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã gây áp lực để giảm lãi suất và hai thống đốc Fed trong những ngày gần đây đã nói rằng, việc cắt giảm có thể phù hợp ngay từ tháng 7.
Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã tăng 12% kể từ đầu năm, vượt trội hơn so với Mỹ, đặc biệt thị trường cổ phiếu Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) được quan tâm trở lại. Tuy nhiên, một số thị trường ở Đông Nam Á vẫn chịu áp lực.
“Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng thị trường sẽ biến động trong suốt mùa hè… Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tập trung vào việc lựa chọn cổ phiếu và các câu chuyện riêng lẻ nhằm giúp bảo vệ khỏi sự bất ổn về chính sách và các mang lại tầm nhìn tốt hơn”, các chiến lược gia của Nomura cho biết.