Đó là một nhận xét trong báo cáo của Moody’s khi đánh giá về ảnh hưởng của các yếu tố rủi ro môi trường, xã hội và quản trị công (ESG) đến quyết định xếp hạng tín nhiệm. Tổ chức này đã duy trì mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3, nhưng hạ triển vọng xếp hạng xuống mức tiêu cực vào tháng 12/2019.
Trong thông cáo về xếp hạng, Moody’s nhận định, Việt Nam đặc biệt chịu nhiều rủi ro liên quan đến sự gia tăng của mực nước biển, thể hiện qua việc ngày càng chịu nhiều tác động của lũ lụt.
Với việc một lượng đáng kể dân số vẫn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh sống ở những vùng dễ chịu nhiều ảnh hưởng của lũ lụt, Việt Nam được Moody’s dự đoán sẽ chịu sức ép đáng kể đối với tổn thất kinh tế ở ngành nông nghiệp nói riêng và sức ép lên ngân sách nói chung để đối phó với rủi ro môi trường.
Ô nhiễm môi trường cũng có thể tạo ra những tác động lây lan (spillovers) nhất định đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp, cũng như lên ngân sách.
Tuy báo cáo không nói rõ nguyên nhân của các tác động lây lan là gì, nhưng ở đây có lẽ tổ chức này muốn nói đến các chi tiêu chăm sóc sức khỏe và khắc phục tổn thất môi trường.
Trong trào lưu ESG (môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị) đang phát triển mạnh mẽ, môi trường dường như là thứ ít ảnh hưởng đến doanh nghiệp hơn cả vì nó có vẻ vĩ mô và cao xa, cũng như việc người ta vẫn tranh cãi về tác động kinh tế của biến đổi khí hậu.
So với trách nhiệm xã hội hay quản trị công ty, môi trường có vẻ là một khái niệm dễ làm qua loa hay lấp liếm.
Đến năm 2019, điều này đã không còn đúng nữa. Có thể nói, đây là một trong những năm bản lề mà khái niệm "rủi ro môi trường" đã được nghiêm túc đặt ra ở nhiều quốc gia.
Nước Anh đang đi tiên phong trong việc từng bước buộc doanh nghiệp phải đưa ra thảo luận về rủi ro môi trường vào trong báo cáo tài chính.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần phản ánh rủi ro môi trường có thể tác động đáng kể đến các chỉ số tài chính như thế nào.
Đây là một thay đổi triệt để vì trước đó nhiều doanh nghiệp có thể lập lờ các thảo luận về rủi ro môi trường trong một báo cáo ESG hoặc báo cáo bền vững riêng (sustainability report) - loại báo cáo mà phần lớn nhà đầu tư hay chuyên gia phân tích cổ phiếu sẽ bỏ qua một bên khi chỉ có thói quen tập trung vào báo cáo tài chính.
Ngay cả trong trường hợp các doanh nghiệp thảo luận về chủ để rủi ro môi trường trong báo cáo tài chính, nhưng chỉ là những thảo luận mang tính định tính, các nhà phân tích cũng sẽ không mấy chú ý đến nó.
Tuy nhiên, khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mark Carney, nhấn mạnh nhiều lần về vấn đề môi trường trong Hội nghị thượng đỉnh TCFD (Task Force on Climate-Related Financial Disclosures) ở Tokyo vào tháng 10/2019, tình thế đã thay đổi.
Ông Carney quả quyết rằng, các doanh nghiệp lớn sẽ có 2 năm để thỏa thuận về các chuẩn mực báo cáo rủi ro môi trường trước khi nó được áp dụng một cách bắt buộc như là một thông tin về rủi ro tài chính có thể định lượng trên báo cáo tài chính.
TCFD là một “tổ hành động” được thành lập năm 2015 với sự hậu thuẫn của nhiều tên tuổi lớn, trong đó có ông Carney và Michael Bloomberg, chủ sở hữu Tập đoàn truyền thông Bloomberg và một trong những người chạy đua cho vị trí Tổng thống Mỹ năm 2020.
Đến nay, tổ chức này cho biết đã có khoảng 4/5 trong số 1.100 công ty hoạt động ở các nước G20 đã bắt đầu công bố thông tin về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu dựa trên các đề xuất của TCFD.
Tuy nhiên, chất lượng công bố và tính đồng nhất còn thấp.
Tuyên bố của ông Carney tại Tokyo được đánh giá là có tính bước ngoặt, đặc biệt là với doanh nghiệp Anh, vì nó hàm ý việc công bố rủi ro liên quan đến môi trường hay khí hậu đang trên đường trở thành một việc bắt buộc, chứ không phải là tùy mỗi công ty nữa và nó được xếp vào nhóm rủi ro tài chính, chứ không phải một loại rủi ro có thể giấu ở một trang không quan trọng nào đó trên báo cáo công ty.
Ngay khi đọc về tin này, tôi cũng chỉ nghĩ đây mới chỉ là vấn đề của G20 mà thôi, với những nước như Việt Nam thì chắc… còn xa lắm.
Thế nhưng, khi đọc báo cáo xếp hạng tín nhiệm của Moody’s, tôi nhận ra mình đã lầm.
Rủi ro môi trường đã trở thành một cấu thành nghiêm túc trong quyết định xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s.
Và khi nó đã ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm quốc gia, nó đương nhiên sẽ ảnh hưởng luôn cả xếp hạng tín nhiệm của các trái phiếu ngân hàng và doanh nghiệp trong nước.
Nói cách khác, rủi ro môi trường đang chạm đến gần túi tiền của doanh nghiệp Việt Nam hơn bao giờ hết.
Xu thế đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố ESG tới xếp hạng tín nhiệm chỉ mới bắt đầu trở nên rõ ràng từ năm 2018, khi mà các tổ chức xếp hạng tín nhiệm bắt đầu đưa quan điểm về rủi ro ESG lên thành trọng yếu trong đánh giá trái phiếu doanh nghiệp, từ đó chính thức có phần thảo luận về nó trong hầu hết nhận định về lý do duy trì hay thay đổi xếp hạng.
Vào tháng 2/2019, tờ Financial Times đã có một bài dài phản ánh ESG đang tác động đến xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp như thế nào, trong đó ghi nhận Moody’s đã thành lập một bộ phận ESG riêng gồm hơn 10 nhà phân tích trong khoảng thời gian 18 tháng trước đó.
So với 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm còn lại là S&P và Fitch, thật ra Moody’s còn chậm chân trong khía cạnh này. Hai tổ chức kia đã xây dựng hệ thống chấm điểm ESG và đánh giá các điểm số đó tác động như thế nào đến xếp hạng tín nhiệm.
Trong 3 yếu tố môi trường, xã hội và quản trị, tôi thường đọc thấy những bình luận về yếu tố xã hội hay quản trị hơn, vì các công ty thường có những vấn đề như bê bối tình dục, đối xử không công bằng với nhân viên, nhà cung cấp hay những thiếu sót trong quản trị công ty.
Tuy nhiên, câu chuyện về tác động của biến đổi khí hậu tới chi phí doanh nghiệp đang ngày một nhiều.
Các ngành khai khoáng, bảo hiểm và sản xuất công nghiệp nặng đang là những ngành có nhiều rủi ro liên quan đến môi trường và có thể phải gánh chịu những khoản phạt hay chi phí nhiều chục triệu USD ở các nước G20.
Và nay, người ta cũng đang nhìn tới vấn đề này khi xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam.
Tất nhiên không phải cứ đem yếu tố ESG vào xếp hạng tín nhiệm là tốt. Có nhiều trường hợp rất khó đoán định các yếu tố ESG sẽ tác động như thế nào đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong 2-3 năm hay 5 năm tới (là kỳ hạn thông thường của trái phiếu).
Có khi những rủi ro đó chỉ tạo ra chi phí đáng kể sau 10-20 năm.
Vì vậy, nếu các nhà phân tích quá chú trọng vào ESG, họ có thể đưa ra các đánh giá tiêu cực không cần thiết với một số công ty có rủi ro ESG và vì vậy gián tiếp làm doanh nghiệp phải đi vay với chi phí cao hơn cho các khoản vay trung hạn.
Tuy nhiên, vấn đề không còn là tranh cãi đúng sai ở đây, mà là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã quyết định làm vậy rồi.
Cũng như nhiều loại trào lưu, ESG đôi khi đã bị thổi phồng quá mức ở một số khía cạnh, nhưng ở khía cạnh chính trị và trào lưu xã hội, có vẻ ESG sẽ không phải là một quả bong bóng sẽ xì hơi nhanh trong 2-3 năm nữa, nhất là đối với vấn đề khí hậu và môi trường.
Những thông tin về ô nhiễm không khí, ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao trên báo phổ thông là một tín hiệu cho thấy, đây không phải là chuyện nhỏ ở Việt Nam, mà có thể sẽ dần trở thành một trào lưu trong xã hội.
Lợi thế là một nước đi sau cho phép các nhà quản lý của Việt Nam có thể tham khảo những sáng kiến của TCFD để từng bước áp dụng vào doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp cũng nên cập nhật thông tin vào quá trình áp dụng những tiêu chuẩn công bố thông tin này ở nước ngoài, vì nó rất có thể sẽ sớm trở thành một loại chuẩn mực mới mà các tổ chức đầu tư hay xếp hạng tín nhiệm áp dụng để ra quyết định có nên đầu tư hay thay đổi xếp hạng tín nhiệm công ty hay không.