Rủi ro "kép" mua bảo hiểm nhưng không ký hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mua bảo hiểm xe ô tô nhưng không ký hợp đồng, khách hàng phải khởi kiện; còn công ty bảo hiểm cũng gặp bất lợi do không áp dụng được điều khoản loại trừ bảo hiểm.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Theo hồ sơ vụ việc, vào năm 2018, ông T. mua chiếc xe ô tô bán tải nhãn hiệu Hilux của CTCP Toyota Vinh. Sau đó, ông T. mua bảo hiểm với giá trị bảo hiểm là 795 triệu đồng. Ông T. đã thanh toán phí bảo hiểm là gần 12 triệu đồng.

Ông T. mua bảo hiểm nhưng trên thực tế, hai bên không lập hợp đồng. Ông T. chỉ được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.

Vào ngày 27/8/2019, trong quá trình vận hành, xe ô tô của ông T. xảy ra sự cố cháy nổ. Ngày 16/12/2019, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an có văn bản 7361 kết luận, nguyên nhân cháy “do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện từ khoang lái ra đuôi xe làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh, dẫn đến vụ cháy ô tô”.

Tuy nhiên, sau đó, đơn vị này có văn bản giải thích: “Không đủ điều kiện để xác định nguyên nhân dẫn đến chập mạch điện”.

Ông T. nhiều lần làm việc với hãng xe và công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm có văn bản từ chối thanh toán tiền bảo hiểm với lý do chập, cháy dây điện lắp thêm ngoài thiết bị của nhà sản xuất. Trường hợp này thuộc điểm loại trừ theo quy tắc bảo hiểm vật chất xe cơ giới ban hành theo quyết định 090 ngày 23/4/2015 của Tổng giám đốc công ty bảo hiểm.

Do hai bên không có tiếng nói chung nên ông T. khởi kiện ra tòa án, yêu cầu Công ty bảo hiểm phải bồi thường 500 triệu đồng.

Theo đơn khởi kiện, ông T. cho rằng, điều 6, Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nêu: “việc lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe bán tải nhưng không làm thay đổi thước bao của xe được miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới đã cải tạo”.

Ngoài ra, ông T. cho rằng, do không ký hợp đồng nên ông không được giải thích về quyền, nghĩa vụ; các điều kiện, điều khoản bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Khi vụ cháy xảy ra thì các giấy tờ xe, giấy tờ chứng nhận và giao kết hợp đồng bảo hiểm cũng bị cháy theo. Ông T. liên hệ và đề nghị công ty bảo hiểm cung cấp hợp đồng bảo hiểm nhằm có căn cứ giải quyết yêu cầu bồi thường nhưng bất thành.

Quá trình tố tụng, tòa án cho rằng, trong giấy chứng nhận bảo hiểm không ghi bất kỳ điểm loại trừ nào theo Luật kinh doanh bảo hiểm là vi phạm quy định tại Điều 14, điểm d khoản 1 Điều 13 và khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Việc công ty bảo hiểm lấy dẫn chứng tại phần in sẵn trên “giấy chứng nhận bảo hiểm được Công ty bảo hiểm cấp cho chủ xe là bằng chứng… và cho rằng người tham gia bảo hiểm đã được thông báo đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, điều này chỉ là câu in sẵn trên mọi tờ giấy chứng nhận bảo hiểm, không phải là bằng chứng Công ty bảo hiểm đã cung cấp quy tắc bảo hiểm và giải thích điều khoản cho người tham gia bảo hiểm.

Theo tòa án, việc Công ty bảo hiểm chỉ cấp duy nhất tờ giấy chứng nhận đồng nghĩa với việc giao kết bảo hiểm không lập hợp đồng đầy đủ, không có điều khoản loại trừ bảo hiểm nào. Công ty bảo hiểm dựa vào điểm loại trừ theo quy tắc của công ty là không có giá trị áp dụng với người tham gia bảo hiểm.

Mặt khác, tại tòa, các bên thừa nhận hệ thống dây điện nối từ khoang lái ra phía đuôi xe bị cháy toàn bộ cả bó dây nên không xác định được cụ thể dây nào là nguyên nhân gây cháy.

Ngoài ra, khi mua bảo hiểm, ông T. đã lắp thêm thiết bị thùng hàng phía sau ô tô và Công ty bảo hiểm vẫn đồng ý bán bảo hiểm, không có ý kiến về việc lắp thêm phụ kiện đó.

Từ đó, tòa án buộc Công ty bảo hiểm phải bồi thường cho ông T. 500 triệu đồng đối với thiệt hại xe ô tô Toyota Hilux.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục