Rủi ro đến từ đâu?

(ĐTCK-online) Từ đầu năm 2008 đến nay, đã có không ít vụ việc DN bị thiệt hại khá nặng nề từ các hoạt động đầu tư thiếu hiệu quả, sai luật mà nguyên nhân chính là từ việc làm sai nguyên tắc, thiếu trách nhiệm của HĐQT, ban giám đốc... Cuộc khủng hoảng tài chính phố Wall đang diễn ra cũng xuất phát từ việc lãnh đạo các DN quá tập trung vào mục tiêu tăng doanh thu mà không chú ý đến quản trị rủi ro. Điều này là một minh chứng mới về tính quan trọng của việc quản trị rủi ro và giám sát hoạt động của HĐQT.
Mỗi NĐT phải tự ý thức bảo vệ tài sản của mình từ việc giám sát tốt hơn hoạt động của công ty. Mỗi NĐT phải tự ý thức bảo vệ tài sản của mình từ việc giám sát tốt hơn hoạt động của công ty.

Có một câu chuyện kể rằng, tại một khu phố nhỏ có hai cửa hàng bán đồ áo da của Cáo và Thỏ. Một ngày kia, để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, Cáo quyết định giảm mức giá bán 10%. Thấy vậy, Thỏ quyết định "hạ" đối thủ bằng chiêu thức tương tự, nhưng với mức giảm giá tới 15%. Và thế là cuộc chạy đua bắt đầu. Cuối cùng, Thỏ quyết định giảm tới 90% giá bán và Cáo quyết định... ngừng bán hàng. Nhưng vì mức giảm giá quá nhiều, khách hàng mua đông nên cửa hàng của Thỏ cuối cùng cũng phải đóng cửa vì thua lỗ quá lớn. Lúc này, Cáo trở thành chủ cửa hàng độc quyền trên khu phố.

Ý nghĩa của câu chuyện này đến bây giờ vẫn rất thời sự. Còn nhớ, thời gian TTCK suy giảm, các CTCK chạy đua giảm phí, thậm chí miễn phí giao dịch để thu hút khách hàng nhưng cuối cùng vẫn không đạt mục tiêu giữ khách ở lại, trong khi phải chịu tốn kém không nhỏ, việc cho vay đầu tư bất động sản dưới chuẩn tại Mỹ, hay có thể là câu chuyện của không ít ngân hàng Việt Nam cho vay bất động sản bằng chính... quyền mua nhà đang được giới đầu tư nhắc đến cũng là những ví dụ thực tế về bài học kiên định mục tiêu hoạt động bền vững, lâu dài của DN.

Nhiều cổ đông của CTCP Mía đường La Ngà chắc đã tự trách mình và trách luôn cả các vị trong HĐQT, Ban giám đốc... đã sơ ý để vị Tổng giám đốc kiêm chức Chủ tịch HĐQT mang hơn 17 tỷ đồng đem đầu tư chứng khoán. Đến kỳ tổng kết, khoản thua lỗ 7 tỷ đồng từ "trên trời rơi xuống" mới khiến các cổ đông tá hỏa. Vấn đề đặt ra cho tình huống này là: phải chăng chính việc đóng hai vai trò vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa là Tổng giám đốc nên quyền lực của vị này quá lớn, chẳng ai trong HĐQT, Ban kiểm soát đủ khả năng giám sát?

Theo giáo sư Rolf Dubs, người từng có kinh nghiệm giảng dạy tại Havard và tham gia HĐQT nhiều công ty lớn trên thế giới thì, tách biệt hai chức danh (chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc) là cần thiết, vì như vậy sẽ tăng tính giám sát và phản biện cho các quyết định của ban giám đốc, tránh tập trung quá nhiều quyền lực vào một cá nhân cụ thể. Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đồng tình quan điểm này và cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc chấp nhận sự kiêm nhiệm là có thể, nhưng về lâu dài thì nên tách biệt hai chức danh này.

Việc giám sát HĐQT, ban giám đốc cũng cần thiết phải có sự tham gia của chính các cổ đông. Đối với các cổ đông lớn, thông thường sẽ nhận được báo cáo định kỳ về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, giáo sư Dubs cho rằng, cổ đông, HĐQT và ban giám đốc nên thống nhất với nhau về cách thức giám sát và báo cáo tình hình tài chính DN. Theo đó, các bên phải thống nhất được nội dung báo cáo của ban giám đốc, hình thức và tần suất cung cấp thông tin. "Các cổ đông, ban giám sát, HĐQT cần phải chủ động đòi hỏi các thông tin để ban giám đốc cung cấp, chứ không phải chấp nhận thụ động những gì được cung cấp", giáo sư Dubs nói.

Đối với các công ty niêm yết, việc yêu cầu các DN minh bạch thông tin sẽ thuận lợi hơn do có nhiều chế tài quy định việc này. Từ đó, các DN sẽ phải tự ý thức được hành vi của mình để tránh sự phản đối từ các cổ đông. Nguyên Chủ tịch HĐQT của Công ty Quản lý quỹ VietNam Holding (VNHAM), ông Juerg Vontobel cho rằng, hiệu quả nhất trong tình huống này chính là giám sát từ bên ngoài, từ công chúng đầu tư. Nhưng, nếu lấy ý kiến này để gắn vào trường hợp của Bông Bạch Tuyết thì xem ra, các cổ đông đã bị đánh lừa quá nhiều bởi những viễn cảnh mà lãnh đạo Công ty đưa ra trước đó?

Có lẽ, không NĐT nào muốn TTCK Việt Nam trong một ngày xấu trời nào đó sẽ rơi vào hoàn cảnh giống như sự hỗn loạn của phố Wall bây giờ. Nhưng muốn đạt được điều đó, trước hết mỗi DN, mỗi NĐT phải tự ý thức bảo vệ tài sản của mình từ việc giám sát tốt hơn hoạt động của công ty mà mình đầu tư, thay vì nhận thông tin một cách thụ động, hãy chủ động để tìm những gì mình muốn.           

Tiểu Mai
Tiểu Mai

Tin cùng chuyên mục