Duy trì sản xuất thông suốt là mục tiêu sống còn
Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng dệt may đạt 9,506 tỷ USD, trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là xuất khẩu vải mành các loại đạt 215 triệu USD (tăng 35,7%) và nhóm xơ sợi đạt 1,638 tỷ USD (tăng 43,4%).
Nhưng kết quả này vẫn khiến ngành dệt may chưa yên tâm, bởi rủi ro vẫn chực chờ, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang bùng phát trong các khu công nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang thừa nhận, chỉ cần 1 doanh nghiệp bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 đến 21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập. Dệt may lại là ngành sử dụng nhiều lao động, ảnh hưởng rất khôn lường.
Theo Vitas, hiện nay các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam. Do vậy, bảo đảm sức khỏe cho người lao động để duy trì sản xuất thông suốt là mục tiêu sống còn.
Để bảo vệ người lao động, Vitas đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ doanh nghiệp dệt may mua/tiêm vắc-xin Covid-19, ưu tiên tiêm vắc-xin cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch; ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vắc-xin tiêm cho người lao động (theo chủ trương xã hội hóa mà Chính phủ đề xuất) để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc-xin. Đồng thời, tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vắc-xin về Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.
Vẫn là đơn hàng giá trị thấp
Xuất khẩu khởi sắc hơn, đơn hàng về nhiều hơn, nhưng hệ lụy của Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay đã thấy rõ khi chủng loại hàng giá thấp vẫn chiếm phần lớn. Điều này tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Quý I/2021, lượng đơn hàng sản xuất của Tổng công ty May 10 - CTCP tăng, nhưng doanh thu của doanh nghiệp lại giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Vinatex, các mặt hàng xuất khẩu chính trong quý I/2021 vẫn tập trung vào các sản phẩm cơ bản, giá tương đối rẻ và các sản phẩm dệt kim. Xu thế tiêu dùng của may mặc thế giới đã thay đổi rất nhiều trong đại dịch Covid-19. Các mặt hàng veston, sơmi, quần âu bị giảm mạnh nhất (veston giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ mi giảm 30%).
Trong năm 2021, các mặt hàng kể trên sẽ có sự phục hồi nhất định so với năm 2020, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của các đơn vị.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho hay, vào thời điểm quý III và quý IV/2020, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi, nên để đảm bảo duy trì sản xuất, May 10 đã nhận một số đơn hàng với mức giá gia công thấp hơn so với năm 2019. Trong khi đó, mặt hàng veston có giá trị cao bị giảm sản lượng và doanh thu sụt tới 60%, buộc doanh nghiệp phải thay thế bằng mặt hàng khác.
Tại thời điểm này, với veston, mặt hàng chủ lực của May 10 vẫn chưa có đủ đơn hàng để đáp ứng hết năng lực sản xuất hiện có của doanh nghiệp, nên sản xuất chỉ đạt 50% năng lực. Do phải chuyển đổi sản xuất mặt hàng khác thay thế, như dệt kim, hàng thường phục như quần, váy, jacket, quần áo trẻ em… để bù đắp sự thiếu hụt các mặt hàng truyền thống là sơ mi, veston, quần âu, nên ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và doanh thu.
Công ty cổ phần Dệt may Huế dù có kết quả kinh doanh ổn hơn, khi doanh thu tiêu thụ sản phẩm may xấp xỉ 300 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm 2021, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thanh toán đạt hơn 12 triệu USD, đạt 40% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, phân tích tình hình thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phong, Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Tình hình sản xuất, kinh doanh quý II dự báo khó khăn hơn do đây là giai đoạn chuyển mùa, có sự thay đổi về giá, cơ cấu đơn hàng, chủng loại sản phẩm, tỷ lệ đơn hàng FOB giảm”.
Sau khi tăng trưởng âm 10,5% trong năm 2020, với 35 tỷ USD, năm 2021, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu với 2 kịch bản, trong đó kịch bản cao là 39 tỷ USD và kịch bản trung bình là 38 tỷ USD.
Nhận định về triển vọng thị trường năm 2021, ông Cao Hữu Hiếu, Phó tổng giám đốc Vinatex cho rằng, trong quý I/2021, khả năng phục hồi thị trường tốt hơn hẳn so với năm 2020 do các thị trường xuất khẩu đã có cách ứng xử và quản lý xã hội trong dịch bệnh với một cách tiếp cận mới. Đơn hàng may mặc đã tăng trở lại, do đó, các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ vượt qua khó khăn, lấy lại doanh thu như giai đoạn trước khi bùng phát dịch.
Dù vậy, khả năng đạt đến mức tăng trưởng như năm 2019 vẫn là mục tiêu cao đối với các doanh nghiệp trong Tập đoàn và toàn ngành. Thị trường đang biến động rất nhanh theo chiều hướng tăng giá, nhất là đơn giá sản phẩm và nguyên liệu, doanh nghiệp cần tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh tình trạng thiếu hụt khi chuỗi sản xuất bị gián đoạn.
Cơ cấu xuất khẩu mặt hàng dệt may có sự thay đổi lớn từ năm 2020. Các mặt hàng truyền thống như áo jacket, quần, áo các loại và các loại quần áo thời trang, hàng cao cấp giảm xuống. Do đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhu cầu mua sắm thời trang trên thế giới đã giảm mạnh, nhường chỗ cho các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch.