Rửa tiền qua bảo hiểm: Không dễ

(ĐTCK) Trong năm 2012, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã nhận được báo cáo về 2 hợp đồng có dấu hiệu rửa tiền.
Rửa tiền qua bảo hiểm: Không dễ

Tại hội nghị tập huấn về phòng chống rửa tiền do một ngân hàng thương mại tổ chức vừa qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo, tội phạm rửa tiền thường nhắm vào hệ thống tài chính – ngân hàng để biến số tiền có nguồn gốc bất minh thành tiền sạch. Rửa tiền qua các hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đang có nguy cơ cao.

Rửa tiền qua bảo hiểm: Không dễ ảnh 1Theo quy định, hợp đồng bảo hiểm có số phí từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN

 

Nhiều nguy cơ

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2012, Cục đã nhận được báo cáo 2 hợp đồng bảo hiểm là giao dịch đáng ngờ và đã kịp thời chuyển đến Trung tâm Phòng chống rửa tiền để xử lý theo quy định của pháp luật. Dù số hợp đồng bảo hiểm có dấu hiệu rửa tiền bị phát hiện còn rất ít, nhưng nguy cơ rửa tiền qua các hợp đồng bảo hiểm là không nhỏ.

Theo một chuyên gia của Ernst&Young, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bị lợi dụng làm phương tiện rửa tiền thường nằm trong các trường hợp: tiền phí bảo hiểm được đem đi đầu tư; các đơn bảo hiểm nhân thọ với một mức phí duy nhất có bản chất lưu giữ giá trị tiền mặt; bảo hiểm niên kim cố định hoặc thay đổi; hay đơn bảo hiểm chuyển nhượng được và có thể dùng để thế chấp ngân hàng… Các công ty bảo hiểm cũng có thể nghi ngờ một số loại dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ đã bị hoạt động rửa tiền lợi dụng nếu phát hiện việc đòi bồi thường số tiền khổng lồ hoặc cho những vụ được dàn dựng.Chẳng hạn, cố ý gây ra hỏa hoạn hay các cách khác để đòi bồi thường nhằm thu hồi một phần số tiền bất hợp pháp đã đầu tư; việc hủy hợp đồng bảo hiểm để lấy lại phí bảo hiểm bằng séc của công ty bảo hiểm hoặc như việc trả quá số tiền phí bảo hiểm, sau đó yêu cầu trả lại số tiền đóng quá…  là những dấu hiệu đáng ngờ.

 

DN bảo hiểm tăng cường “chốt chặn”

Để ngăn chặn quá trình rửa tiền, theo các chuyên gia, các công ty bảo hiểm, đặc biệt với các công ty bảo hiểm nhân thọ cần kiểm soát nghiêm ngặt “đầu vào”, trước khi cấp hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt với những hợp đồng bảo hiểm có số phí cao. Với những hợp đồng chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi bị hủy, cũng thường bị đưa vào diện nghi vấn rửa tiền.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn cho biết, khả năng hợp đồng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn là thuộc đối tượng có nghi vấn rửa tiền là rất thấp. Thông thường, khách hàng hủy hợp đồng là do bị tăng phí bảo hiểm sau khi có kết quả về khám sức khỏe. “Ở công ty, bất cứ hợp đồng bảo hiểm nào có số phí trên 200 triệu đồng đều được báo cáo về công ty mẹ và Bộ Tài chính theo như quy định”, vị đại diện trên cho biết.

Thực tế, ngoài quy định riêng của từng công ty bảo hiểm, các cơ quan chức năng cũng có những quy định bắt buộc phải thực hiện đối với những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn, có số phí đóng 400 triệu đồng trở lên là phải báo cáo lên Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước để  thẩm định kiểm tra. Nếu cơ quan này nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền sẽ yêu cầu điều tra kỹ lưỡng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng quy định việc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ không được đóng một lần phí cao hơn 80% mệnh giá hợp đồng....

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài cho biết, ngoài những yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật, Công ty cũng quy định, với tất cả sản phẩm bảo hiểm, khách hàng không được đóng quá 5 lần phí tối thiểu. Nếu hợp đồng có số phí đóng một lần khoảng 200 triệu đồng hoặc 10 ngàn USD thì đã phải đưa vào diện “điều tra ngầm”.

“Thực tế, ngoài việc kiểm sóat vấn đề rửa tiền, các công ty bảo hiểm cũng rất lo ngại vấn đề trục lợi bảo hiểm với những hợp đồng có mệnh giá lớn”, vị đại diện trên cho biết.                                 

Gia Linh
Gia Linh

Tin cùng chuyên mục