Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải có quyết tâm cao nhất trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng thưa ông, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng?
Giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất chú trọng, yêu cầu các đơn vị thi công phải “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”... Yêu cầu này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ nhắc lại tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, tổ chức ngày 16/7/2024.
Quyết tâm rất lớn, nhưng kết quả đạt được còn thấp. Theo số liệu mới được Bộ Tài chính công bố, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 vào khoảng 232.091 tỷ đồng, tức là mới đạt 32,22% tổng kế hoạch, tương đương 34,68% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Có lẽ sự thúc giục còn chưa đủ mạnh, thưa ông?
Tôi không nghĩ vậy, vì ngay từ cuối quý I, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong đó nhấn mạnh đến nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định giải ngân đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần phải tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để chậm trễ; việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Để tránh tình trạng đầu năm “đủng đỉnh”, cuối năm “vắt chân lên cổ”, Chính phủ thường xuyên yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý.
Trong hoạt động đầu tư công, một khâu, một công đoạn bị vướng, bị tắc là tất cả công đoạn sau bị ngưng trệ, đặc biệt là giải phóng mặt bằng - khâu quan trọng nhất, vì vậy, không phải chỉ năm nay, mà trong nhiều năm gần đây, Chính phủ luôn yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...
Chủ đầu tư phải tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan.
Vậy khó khăn nào khiến hoạt động đầu tư công chưa chuyển biến mạnh mẽ?
Như tôi đã nói, đầu tư công là cả một quá trình với rất nhiều công đoạn, một khâu, một công đoạn bị gián đoạn là cả quá trình còn lại bị ngưng trệ. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ dứt điểm khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân, cuối tháng 4/2024, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh hoạt động đầu tư công. Đầu tư công được coi là một trong 3 trụ cột tăng trưởng kinh tế, nên Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong khâu giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm.
Sau chỉ thị này, tiến độ giải ngân khả quan hơn, tháng sau cao hơn tháng trước vì các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.
Chỉ thị 12/CT-TTg cũng yêu cầu Bộ Tài chính (cụ thể là Kho bạc Nhà nước) đẩy nhanh tiến độ thanh, quyết toán. Giải ngân là khâu cuối cùng trong công đoạn đầu tư công, thưa ông, khâu này có vướng mắc gì không?
Không hề vướng mắc, bởi Kho bạc Nhà nước đã thực hiện đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến. Ngay từ đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã chỉ đạo cả hệ thống thực hiện công tác kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo theo đúng kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, tuân thủ nguyên tắc kiểm soát thanh toán, hồ sơ và thời gian kiểm soát thanh toán; đồng thời ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Kho bạc Nhà nước đã phát hành đạt khoảng 50% kế hoạch huy động vốn trái phiếu chính phủ năm 2024 (400.000 tỷ đồng). Đây là khối lượng vốn trái phiếu chính phủ lớn nhất từ trước đến nay, với lãi suất rất thấp, chỉ 2,33%/năm - thấp hơn rất nhiều mức lãi suất huy động bình quân năm 2023 (3,21%/năm). Vốn đã đủ, thủ tục thanh toán thuận lợi, hồ sơ thanh toán đã giản lược đến mức thấp nhất, chỉ đợi chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thiện hồ sơ, gửi đến là được giải ngân ngay.
Dù kết quả có khả quan hơn, nhưng thực tế giải ngân vốn đầu tư công vẫn vướng. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Ngoài căn bệnh cố hữu và rất nan giải là giải phóng mặt bằng, hiện đã xuất hiện một số vướng mắc ngay trong cơ chế, chính sách.
Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ cần quyết tâm chính trị, mà phải tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, vướng đến đâu gỡ đến đấy, vướng chỗ nào gỡ ngay chỗ đó. Theo quan điểm này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định để kiến nghị sửa đổi, tạo thuận lợi nhất cho giải ngân.