Room tín dụng không được nhảy múa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chia sẻ quan điểm liên quan đến câu chuyện kiểm soát và khống chế lạm phát.
Chính sách khống chế hạn mức tín dụng vẫn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Ảnh: Dũng Minh Chính sách khống chế hạn mức tín dụng vẫn phù hợp trong thời điểm hiện tại. Ảnh: Dũng Minh

Ông có nhận định gì về diễn biến lạm phát trên thế giới và tại Việt Nam?

Lạm phát ở hầu hết các châu lục đang rất cao, mức cao nhất kể từ năm 1981 đến nay. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, một khối lượng tiền khổng lồ đã được phát hành để cứu trợ nền kinh tế và người dân bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Ví dụ như gói cứu trợ của Mỹ và châu Âu lên tới khoảng 20% GDP, Nhật Bản cao hơn với xấp xỉ 40% GDP và nhiều nước từ 12 - 15% GDP.

Thứ hai, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu tăng rất cao. Giá dầu thô tăng khoảng 58 - 60% trong vòng 6 tháng qua, kéo theo đó là khủng hoảng lương thực khiến giá lương thực tăng khoảng 40%, có nơi tăng 50%.

Không những vậy, cuộc xung đột còn làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến giá các loại vật liệu cơ bản tăng lên và chỉ số giá sản xuất (tư liệu sản xuất) của nhiều nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc tăng xấp xỉ 10%. Và khi chỉ số giá sản xuất cao sẽ đi dần vào chỉ số giá tiêu dùng và thực tế đã cho thấy, giá tiêu dùng tăng khá cao ở nhiều nước.

Có một điều may mắn là hệ thống tài chính toàn cầu tương đối ổn định, đặc biệt là hệ thống ngân hàng, nên dù kinh tế nhiều nước phục hồi chậm lại, thậm chí một số nước tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm, nhưng chưa có số liệu suy giảm kinh tế toàn cầu.

Nhìn về trong nước, Việt Nam sẽ chịu tác động khá mạnh của giá hàng hóa thế giới từ nay trở đi khi giá xăng tăng gần 40%, nguồn cung xăng, dầu suy giảm mạnh do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất.

Cùng với đó, giá lương thực, thực phẩm cũng có xu hướng tăng, dù chưa tăng mạnh như dầu, xăng. Quan trọng nhất chỉ số giá sản xuất của Việt Nam hiện khoảng 11% sẽ đi dần vào chỉ số giá tiêu dùng và sẽ khiến lạm phát nửa cuối năm cao nửa đầu năm.

Thực tế cho thấy, kỳ vọng lạm phát tại Việt Nam đang rất lớn…?

Cách tốt nhất để NHNN điều hành chính sách tiền tệ là duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng của cả năm từ 16 - 18%.

Đúng là có kỳ vọng lạm phát trong xã hội, bởi người dân cảm nhận được lạm phát đang tăng lên do một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng giá.

Tuy nhiên, đặc thù ở Việt Nam không phải do lương thực, thực phẩm khan hiếm nên tăng giá mà giá tăng do chi phí tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu lương thực, thực phẩm trong mùa hè phục vụ cho du lịch nội địa đang tăng và sẽ tăng rất mạnh khiến giá lương thực, thực phẩm khó có thể giữ được ổn định.

Cụ thể hơn, đặc điểm lạm phát Việt Nam chủ yếu là chi phí đẩy do tác động của giá nhiên liệu, giá nhập khẩu. Việt Nam khác các quốc gia là gói kích thích kinh tế không nhiều nên không có hiện tượng lạm phát cầu kéo và nhờ đó, mức độ ảnh hưởng của lạm phát thế giới vào Việt Nam ít căng thẳng hơn.

Kỳ vọng lạm phát là có nhưng để thành hiện thực thì cần nhiều yếu tố khác tổng hợp, trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang kiểm soát cung tiền khá tốt. Điều này có nghĩa, gần như Việt Nam chỉ chịu lạm phát chi phí đẩy và lạm phát cầu kéo rất nhỏ, nên kỳ vọng lạm phát không có cơ hội bùng nổ.

Nhiều chuyên gia dự báo lạm phát năm nay cao hơn so với năm ngoái trên dưới 2%, có thể vượt chỉ tiêu một chút là 3,8 - 4,2%. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, lạm phát năm nay tăng thêm khoảng 2% so với năm ngoái cũng là điều rất phải quan tâm.

Khi lạm phát tăng cao, phản ứng của các ngân hàng trung ương thường là nâng lãi suất. Theo ông, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới?

Ảnh hưởng đứt gãy chuỗi cung ứng làm giá cả trên thế giới tăng, khiến Việt Nam có thặng dư khá thấp so với những năm trước. Cụ thể, thặng dư thương mại giảm mạnh khi từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 0,8 tỷ USD.

Số liệu này cho thấy, tác động kinh tế thế giới khiến tăng trưởng GDP Việt Nam chậm lại là khá rõ. Nới lỏng cung tiền khiến bùng nổ tín dụng ngay lập tức nhưng dù GDP tăng cao và cùng với đó lạm phát tăng theo là điều rất nguy hiểm.

Trong khi đó, điều hành chính sách tiền tệ cho đến nay khá thành công, quan trọng nhất là NHNN kiểm soát được cung ứng tiền theo đúng mục tiêu đề ra của Quốc hội.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nếu theo quy luật tăng trưởng “giật cục” của các năm trước 6 tháng cuối năm thường cao gấp đôi 6 tháng đầu năm thì tăng trưởng tín dụng cả năm không cẩn thận sẽ lên tới 24%.

Tôi hy vọng NHNN sẽ khống chế tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm bằng hoặc tăng hơn một chút ít so với 6 tháng đầu năm.

Nhưng tăng trưởng tín dụng có “giật cục” hay không còn phụ thuộc vào vòng quay của chu kỳ sản xuất, thưa ông?

Đúng vậy, những năm trước đây, thường đến cuối năm, nền kinh tế mới tăng tốc nhưng hai năm vừa qua do bị kiềm toả nên vừa đầu năm là tăng tốc luôn. Sự tăng tốc mạnh đến nỗi nhiều ngân hàng đã hết room tín dụng và không loại trừ khả năng sự tăng tốc này vẫn duy trì đến cuối năm.

Cách tốt nhất để NHNN điều hành chính sách tiền tệ là tiếp tục duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng của cả năm từ 16 - 18%. Tỷ lệ tăng trưởng này sẽ hỗ trợ rất mạnh cho phục hồi kinh tế. Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam tương đối ổn định cũng tạo điều kiện cho phục hồi kinh tế thuận lợi hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ “room” tín dụng, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Tôi cho rằng, NHNN cần làm tốt mục tiêu giám sát từ xa theo các chỉ tiêu CAMELS để khống chế tín dụng chứ không cần phải cấp “room”, tuy nhiên, tạm thời hết năm nay vẫn phải sử dụng “room” tăng trưởng tín dụng.

Fed vừa tăng lãi suất rất mạnh, theo ông, động thái này có tác động như thế nào đến điều hành lãi suất của NHNN Việt Nam?

Fed tăng lãi suất sẽ tác động thông qua tỷ giá hối đoái, rồi tác động ngược vào lãi suất Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái lại neo vào USD mà Việt Nam không thể phá giá tiền đồng nên Fed tăng lãi suất có tác động hạn chế đến chính sách tiền tệ so với trước đây.

Thực tế, lãi suất đã tăng từ tháng 5 đến nay. Quan sát của tôi nhận thấy, có thể NHNN sẽ nới “room” tín dụng trong tháng 7 nên các ngân hàng thương mại chuẩn bị “lực lượng”, huy động vốn để sẵn sàng cho tốc độ vay vốn rất lớn thời gian tới nên lãi suất tăng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang tăng tốc hoạt động, trong khi kênh trái phiếu tắc nghẽn khiến nguồn vốn trung, dài hạn vô cùng khan hiếm.

Nguồn vốn trung, dài hạn qua kênh trái phiếu chiếm khối lượng rất lớn, khoảng 1 triệu tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng cung ứng khoảng 11 triệu tỷ đồng thì trung - dài hạn chỉ khoảng 3 triệu tỷ đồng.

Ông có cho rằng NHNN đối mặt với bài toán khó khi cân đối mục tiêu kiềm chế lạm phát và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng?

Áp lực nặng nhất của NHNN là các ngân hàng thương mại “đòi” nới lỏng room tín dụng, trong khi đây là đòi hỏi dựa trên nhu cầu có thật, bởi doanh nghiệp đang tăng tốc cả đầu tư ngắn, trung và dài hạn. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tiền để tận dụng một số thị trường khổng lồ như Mỹ, châu Âu khi xuất khẩu hàng hóa đang có nhiều lợi nhuận.

Trong khi đó, NHNN chịu áp lực phải kiểm soát lạm phát trong khi chưa phải lúc thắt chặt tiền tệ bởi đi ngược lại gói kích thích của Chính phủ. Trong khi đó, như tôi đã đề cập ở trên, áp lực dồn từ thị trường trái phiếu bị ách tắc gây áp lực tín dụng trung - dài hạn của ngân hàng và liên đới gây áp lực lên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN.

Lạm phát ở Việt Nam chưa cao lắm so với nhiều quốc gia khác trên thế giới nhưng rất cần thận trọng kiểm soát nên sẽ rất khó khăn cho NHNN để đưa ra quyết sách điều hành. Trong trường hợp xấu nhất, tôi cho rằng, nhà điều hành sẽ phải lựa chọn giải pháp siết tăng trưởng tín dụng.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục