Rồng Việt khẳng định uy tín qua các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) HĐQT Rồng Việt mới đây đã thông qua Nghị quyết về phương án phát hành trái phiếu Rồng Việt lần 1 năm 2023. Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn đang rất khó khăn, cùng với việc siết chặt các quy định về điều kiện phát hành theo Nghị định 65, Rồng Việt vẫn có thể phát hành trái phiếu thành công trong giai đoạn hiện nay. Đây là lần thứ 3 công ty công bố phát hành trái phiếu theo Nghị định 65.
Rồng Việt khẳng định uy tín qua các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Khẳng định uy tín của Rồng Việt qua các đợt phát hành Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)

Tính từ năm 2021 đến nay, Rồng Việt đã triển khai thành công nhiều đợt phát hành trái phiếu với quy mô bình quân mỗi đợt phát hành từ 300 – 500 tỷ đồng, loại trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo (tín chấp) với kỳ hạn 1-2 năm, trả lãi hàng tháng và lãi suất theo thị trường tại thời điểm chào bán.

Theo chuyên trang thông tin TPDN của Sở GDCK Hà Nội, toàn bộ các mã trái phiếu do Rồng Việt phát hành từ 2021 đến nay, bao gồm trái phiếu đã đáo hạn (đã được tổ chức phát hành thanh toán đầy đủ nợ gốc và lãi) và các mã trái phiếu còn dư nợ (trạng thái hiển thị “bình thường”) đều được công bố công khai và cập nhật đầy đủ trên HNX. Công ty luôn đảm bảo thanh toán đầy đủ nợ gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về công bố thông tin, chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư và các nghĩa vụ báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP là một rào cản khá nghiêm khắc đối với doanh nghiệp muốn phát hành TPDN để huy động vốn. Theo đó, Nghị định 65 quy định một loạt các yêu cầu về mục đích sử dụng vốn; các điều kiện phát hành; đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp; doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm; có báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng vốn đối với các trái phiếu còn dư nợ đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích phát hành, trách nhiệm của các tổ chức tư vấn, tổ chức kiểm toán…

Với sự chuẩn bị ngay từ đầu, Rồng Việt đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện phát hành trái phiếu khi Nghị định 65 có hiệu lực từ ngày 16/9/2022. Trong 2 tháng cuối năm 2022, Rồng Việt đã công bố 2 đợt phát hành trái phiếu và là một trong số ít các tổ chức phát hành đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định 65. Với việc đã huy động thành công gần 350 tỷ đồng trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp hết sức khó khăn, có thể khẳng định uy tín và sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng, nhà đầu tư, đối tác dành cho Rồng Việt.

Tiếp nối thành công đó, ngày 01/03/2023 vừa qua, Rồng Việt đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành trái phiếu Rồng Việt lần 1 năm 2023 với quy mô phát hành 410 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm, mục đích sử dụng vốn của đợt phát hành được công bố là cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành (bao gồm thanh toán nợ vay và/hoặc nợ trái phiếu đến hạn). Nếu chưa đến hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu và/hoặc thanh toán nợ vay ngân hàng, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng gửi tiết kiệm. Công ty đã hoàn tất các hồ sơ phát hành theo quy định và công bố thông tin ngày phát hành 03/03/2023 trên hệ thống công bố thông tin phát hành TPDN của HNX.

Kết quả kinh doanh 2022

Năm 2022, thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm, cùng với những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của Rồng Việt.

Theo BCTC hợp nhất 2022 vừa được công bố, Rồng Việt ghi nhận tổng doanh thu hoạt động đạt 860,9 tỷ đồng, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong khi chi phí hoạt động ghi nhận 1.013,8 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2021, dẫn đến lợi nhuận hợp nhất sau thuế ghi nhận mức âm 114,98 tỷ đồng.

Nếu không tính các chi phí trích lập dự phòng cho hoạt động tự doanh, kết quả hoạt động kinh doanh của Rồng Việt năm 2022 ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất 95,5 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh năm 2022 bị ảnh hưởng phần lớn từ khoản lợi nhuận âm của hoạt động đầu tư. Chi phí ghi nhận trong kỳ tăng đột biến chủ yếu do trích lập dự phòng đánh giá giảm danh mục tự doanh cuối kỳ. Tuy nhiên, với danh mục đầu tư gồm các cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp đầu ngành, hoạt động hiệu quả cao như CTG, ACB, DBC... Rồng Việt vẫn kỳ vọng hoạt động đầu tư sẽ hồi phục và đạt kết quả tích cực hơn trong năm 2023.

Cơ cấu tài sản – nguồn vốn của Rồng Việt khá an toàn. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản đạt 4.254 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 4.033 tỷ đồng đầu năm. Trong năm 2022, Công ty đã thực hiện tăng vốn điều lệ thành công, ghi nhận nguồn vốn chủ sở hữu cuối năm 2022 đạt 2.082 tỷ đồng, tăng 26,5% so với mức 1.645 tỷ đồng đầu năm.

Rồng Việt luôn duy trì và đáp ứng các quy định về hệ số an toàn tài chính và quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn của cơ quan quản lý. Tình hình tài chính Công ty được duy trì lành mạnh với tỷ lệ an toàn tài chính cuối năm 2022 đạt 433,6%, cao hơn nhiều so với quy định của Bộ Tài chính là 180%.

Nguồn: BCTC kiểm toán các năm 2020, 2021 và 2022 của Rồng Việt

Nguồn: BCTC kiểm toán các năm 2020, 2021 và 2022 của Rồng Việt

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục