Sáng 14/12, tiếp tục phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (Dự thảo).
Đây là dự án luật duy nhất có thể được đặc cách thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội, dự kiến diễn ra đầu tháng 1/2023.
Thảo luận tại kỳ họp thứ tư, đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về nhiều quy định, trong đó có hội đồng y khoa quốc gia.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn về Hội đồng Y khoa Quốc gia, bao gồm cả về mô hình, tổ chức, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm, cách thức tổ chức việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề, mối quan hệ giữa Hội đồng với cơ quan quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, với đơn vị tham gia tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, nhân lực thực hiện các nhiệm vụ và cơ chế tài chính.
Một số ý kiến cho rằng, Hội đồng Y khoa quốc gia nên do Bộ Y tế thành lập, ý kiến khác đề nghị Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa quốc gia. Có đại biểu băn khoăn về việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ phát sinh bộ máy và đề nghị làm rõ năng lực của Hội đồng Y khoa, về con người, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ và việc thu phí sát hạch của Hội đồng Y khoa.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - cơ quan thẩm tra dư án luật - Nguyễn Thuý Anh cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề.
Do vậy, để thận trọng, dự thảo Luật chỉ ghi nhận hình thức tổ chức này, nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ cơ bản, không quy định cụ thể thẩm quyền thành lập và giao Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thuý Anh đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền về việc này theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.
Về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, vấn đề khiến đại biểu Quốc hội còn rất nhiều băn khoăn, bà Thuý Anh cho biết, Dự thảo đã khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thưc hiện chức năng, nhiệm vụ; quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự chủ trong các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính, chuyên môn và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Cụ thể, tự chủ về tài chính bao gồm: Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật; Quyết định nội dung chi và mức chi từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng theo quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng nguồn tài chính của cơ sở.
Nội dung tự chủ về tài chính còn có quyết định sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, theo nguyên tắc bảo toàn, phát triển; tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng các tài sản do cá nhân, tổ chức, đơn vị cho, tặng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và không ràng buộc lợi ích giữa các bên để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ Y tế.
Về xã hội hoá trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, điểm mới, theo bà Thuý Anh là đã bổ sung hình thức mượn tài sản, mua trả chậm, trả dần đối với thiết bị y tế.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật dự kiến bổ sung việc khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh vào nội dung của xã hội hóa, Chủ nhiệm Thuý Anh cho hay.
Liên quan đến giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định của dự thảo Luật không mang tính đặc thù của lĩnh vực y tế, chưa thể hiện vai trò quản lý nhà nước về giá khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế.
Đại biểu đề nghịcần quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân; đề nghị bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật Giá; đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh, như là về yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo...
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; lợi nhuận hoặc tích lũy dự kiến (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; giá trị vô hình của thương hiệu (nếu có).
Dự thảo đã quy định lộ trình trước ngày 1/1/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 123 điều, tăng 03 chương (Chương VI, VII, XI) và 32 điều so với Luật hiện hành, bà Thuý Anh thông tin.