Rộng cửa ủy thác đầu tư

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thay vì việc chỉ được gửi tiền ủy thác đầu tư vào ngân hàng, dự thảo quy định mới cho phép công ty quản lý quỹ đầu tư tiền gửi của nhà đầu tư vào các tổ chức tín dụng, lấp khoảng trống pháp lý trên thị trường bấy lâu nay.

Tài sản ủy thác là danh mục tài sản bao gồm tiền, chứng khoán và các tài sản khác của khách hàng ủy thác. Ảnh: Shutterstock. Tài sản ủy thác là danh mục tài sản bao gồm tiền, chứng khoán và các tài sản khác của khách hàng ủy thác. Ảnh: Shutterstock.

Rủi ro từ khoảng trống pháp lý

Theo Luật Chứng khoán năm 2006, tiền gửi không phải là danh mục đầu tư. Quyết định số 35/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của công ty quản lý quỹ cũng không có điều khoản cho phép công ty quản lý quỹ nhận ủy thác vốn từ khách hàng để đầu tư thông qua ký hợp đồng tiền gửi với bên thứ ba và quản lý dạng đầu tư này.

Phải đến năm 2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 212/2012/TT-BTC, thay thế Quyết định 35/2007/QĐ-BTC, thì tiền gửi mới được ghi nhận là một loại tài sản thuộc “danh mục đầu tư”. Cụ thể, Khoản 14, Điều 2 quy định, tài sản ủy thác là danh mục tài sản bao gồm tiền, chứng khoán và các tài sản khác của khách hàng ủy thác.

Tuy nhiên, Mục 4, Điều 24, Thông tư 212 quy định, với trường hợp đầu tư tiền gửi của khách hàng ủy thác, công ty quản lý quỹ chỉ được gửi tại các ngân hàng trong danh sách được khách hàng ủy thác phê duyệt; lưu trữ bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng tiền gửi, hợp đồng vay tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát để các tổ chức này định kỳ đối soát với ngân hàng nhận tiền gửi.

Trên thực tế, bên cạnh ngân hàng, một số công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động là tổ chức tín dụng. Luật không cho phép việc đầu tư tiền gửi vào các công ty tài chính, nhưng cũng không cấm, nên trong danh mục đầu tư vẫn xuất hiện tiền gửi tại các công ty tài chính.

Một công ty quản lý quỹ đã vướng vào câu chuyện này và mất nhiều năm để giải quyết hậu quả. Cụ thể, công ty ký hợp đồng nhận ủy thác quản lý danh mục đầu tư với một khách hàng doanh nghiệp niêm yết, số vốn ủy thác là 150 tỷ đồng.

Các bên cam kết về tỷ suất lợi nhuận đầu tư, thù lao, phần chênh lệch giữa tỷ suất lợi nhuận đầu tư thực hiện và tỷ suất lợi nhuận đầu tư cam kết.

Vào thời điểm các bên ký kết hợp đồng năm 2007, thị trường tài chính bùng nổ, gần như tăng trưởng từng ngày. Các bên thống nhất nội dung ủy thác gồm đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và tài sản (bao gồm tiền gửi).

Khi hết thời hạn ủy thác, công ty quản lý quỹ thu lại số vốn ủy thác gốc và lãi trong quá trình đầu tư. Các khoản đầu tư trái phiếu và hợp đồng tiền gửi khác đều đã được thu lại đầy đủ, song còn vướng víu hợp đồng tiền gửi 14,3 tỷ đồng tại một công ty tài chính.

Đều đặn hàng tháng, công ty quản lý quỹ gửi các báo cáo định kỳ để khách hàng cập nhật thông tin về vốn đầu tư ủy thác và khách hàng không phản đối. Khi gặp rủi ro liên quan đến khoản tiền gửi, công ty quản lý quỹ gửi báo cáo phân tính, đánh giá tình hình, khả năng thu hồi vốn và các công việc thực hiện để thu hồi tiền gửi.

Theo Điểm đ, Khoản 7, Điều 25, Thông tư 212, công ty quản lý quỹ không thể bù đắp các khoản thua lỗ từ hoạt động đầu tư tiền gửi dù là trực tiếp hay gián tiếp vì những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát. Khách hàng không đồng ý và khởi kiện ra tòa án, yêu cầu công ty hoàn trả số tiền 14,3 tỷ đồng.

Sau nhiều năm giải quyết qua các cấp sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án đã có phán quyết buộc công ty quản lý quỹ phải hoàn trả số tiền trên với lý do “không có tài liệu, chứng cứ thể hiện việc khách hàng đã phê duyệt công ty tài chính trên là đơn vị để công ty quản lý quỹ thực hiện đầu tư danh mục tiền gửi”. Mặt khác, công ty quản lý quỹ không tuân thủ Luật Chứng khoán 2006 và Quyết định số 35.

Thống nhất ghi chung là tổ chức tín dụng

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang gấp rút xây dựng nghị định và thông tư để kịp thời hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, tại Mục b, Điểm 5, Điều 10 quy định, trường hợp đầu tư tiền gửi cho khách hàng ủy thác, quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ chỉ được gửi tại các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật ngân hàng và trong danh sách được khách hàng ủy thác, quỹ, công ty đầu tư chứng khoán phê duyệt.

Đồng thời, công ty quản lý quỹ phải lưu trữ bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng tiền gửi tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát; cung cấp thông tin đầy đủ về các hợp đồng tiền gửi, các tài khoản tiền gửi cho ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát để các tổ chức này định kỳ đối soát số dư tài khoản tiền gửi, giá trị hợp đồng tiền gửi với tổ chức nhận tiền gửi.

Trường hợp đầu tư tiền gửi của khách hàng ủy thác, công ty quản lý quỹ chỉ được gửi tại các tổ chức tín dụng trong danh sách được khách hàng ủy thác phê duyệt.

Giám đốc pháp chế của một công ty quản lý quỹ cho biết, liên quan đến nghiệp vụ gửi tiền, Thông tư 212 có điều khoản nhắc đến việc gửi tiền tại tổ chức tín dụng, có điều khoản lại quy định công ty quản lý quỹ chỉ được đầu tư tiền gửi cho khách hàng ủy thác tại các ngân hàng.

Với dự thảo thông tư mới hướng dẫn về hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, một số công ty quản lý quỹ đã gửi văn bản góp ý và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp thu nên trong dự thảo hiện nay đã thể hiện đúng tinh thần quy định thống nhất cho phép công ty quản lý quỹ được đầu tư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng cho các khách hàng ủy thác.

“Trường hợp Thông tư mới được thông qua, chúng tôi sẽ xem xét từng hợp đồng cụ thể để đề nghị sửa đổi, có thể bổ sung thêm tổ chức tín dụng được gửi tiền”, vị giám đốc pháp chế chia sẻ.

Bà Lê Thị Hồng Thái, Giám đốc Chiến lược và Vận hành, Tập đoàn VinaCapital đánh giá, việc dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động của các công ty quản lý quỹ cho phép công ty được gửi tiền của nhà đầu tư ủy thác vào các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật ngân hàng là một điểm mở rộng cần thiết và thiết thực cho hoạt động của các công ty quản lý quỹ.

Điều này cho phép các công ty quản lý quỹ có nhiều cơ hội tìm kiếm và hợp tác với các tổ chức tài chính tín dụng ngoài ngân hàng, đồng thời giúp các tổ chức tín dụng đa dạng hoá kênh tiếp cận dòng tiền đầu tư của các nhà đầu tư uỷ thác.

Trong khi đó, khoản đầu tư của các nhà đầu tư uỷ thác có cơ hội gia tăng tỷ suất lợi nhuận và phân bổ đa dạng vào các sản phẩm đầu tư khác nhau.

Pháp luật đối với ngành quỹ không có quá nhiều thay đổi quan trọng vì không có thêm sản phẩm mới. Tuy nhiên, cũng có một số thay đổi lớn như Luật Chứng khoán 2019 đưa ra khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp, nếu trước đây chỉ có tổ chức được phép đầu tư vào quỹ thành viên thì quy định mới đã mở rộng thêm đối tượng với cá nhân là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ngoài ra, các dự thảo mới cho phép các quỹ đầu tư được đầu tư vào các quỹ khác không cùng công ty quản lý quỹ quản lý với hạn mức nhất định.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục