Rối quản trị tại VNCC (VGV), Chủ tịch đậm chất chuyên quyền?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tham dự và phát biểu tại đại hội cổ đông là quyền của mọi cổ đông, nhưng tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ vẫn nhỏ bé. Câu chuyện này được soi chiếu từ đại hội cổ đông thường niên 2023 của Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP (VNCC - mã chứng khoán VGV).
VNCC sở hữu lợi thế lớn nhưng hiệu quả kinh doanh thấp. VNCC sở hữu lợi thế lớn nhưng hiệu quả kinh doanh thấp.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của VNCC, diễn ra vào ngày 28/6 vừa qua, một số cổ đông nhỏ của Tổng công ty bất ngờ khi ban chủ tọa đại hội đưa ra tờ trình miễn nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị với bà Nguyễn Thị Tố Trinh - Phó tổng giám đốc VNCC.

Trước đó, tài liệu phục vụ đại hội có nội dung bầu thay thế thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhưng không công bố chi tiết tên tuổi của thành viên bị miễn nhiệm cũng như ứng viên được bầu thay thế - điều mà các công ty đại chúng thường làm, để các cổ đông có thời gian xem xét kỹ càng trước khi bỏ phiếu.

Khi ứng viên mới là Tống Văn Toàn, Phó trưởng ban Tổ chức cán bộ SCIC tham gia Hội đồng quản trị VNCC được giới thiệu, không khí đại hội nóng lên khi nhiều ý kiến không đồng tình với việc việc miễn nhiệm bà Trinh và bầu thay thế thành viên Hội đồng quản trị mới. Tỷ lệ phản đối được ghi nhận chiếm hơn 5% cổ phần có quyền biểu quyết - một tỷ lệ đáng kể trong nhóm cổ đông nhỏ lẻ (chiếm khoảng 13% vốn của doanh nghiệp).

Đến phần thảo luận, rất nhiều cổ đông bất ngờ với cung cách trả lời và điều phối của chủ tọa là ông Thân Hồng Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCC, một trong các đại diện sở hữu của SCIC tại doanh nghiệp này.

Cổ đông đầu tiên đặt 2 câu hỏi: Thứ nhất, tại sao quản trị doanh nghiệp tại các công ty có vốn góp của VNCC như Coninco, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam (VCC) rối ren; giải pháp mà Tổng công ty sẽ áp dụng để cải thiện công tác quản trị, từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động của các công ty này cũng như của VNCC là gì? Thứ hai, đề nghị Chủ tịch VNCC cho biết về việc phân công, phân nhiệm và đóng góp của từng thành viên Hội đồng quản trị với hoạt động của Tổng công ty, qua đó, cổ đông có thể kỳ vọng việc thay thế thành viên Hội đồng quản trị sẽ đem lại thay đổi tích cực cho doanh nghiệp?

Với hai câu hỏi này, ông Thân Hồng Linh chỉ trả lời chung chung là: Sau đại hội, VNCC sẽ kiện toàn bộ máy, phân công thành viên Hội đồng quản trị. Khi cổ đông nhắc ông Linh chưa trả lời câu hỏi của họ thì ông này nói: “Đại hội không phải của mỗi chị!”, rồi chuyển sang cổ đông khác.

Cổ đông khác thì đặt câu hỏi: Tại sao VNCC lại thông qua điều lệ Coninco trao quyền quyết định tới 35% tài sản Công ty cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, mà không trao quyền này cho Hội đồng quản trị như đề xuất của nhiều cổ đông và điều này có thể gây rủi ro cho phần vốn Nhà nước tại Coninco?

Cổ đông cũng thắc mắc, trong Đề án Tái cơ cấu VNCC có đặt kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2023 - 2027, với doanh thu tăng trưởng bình quân 6 - 8%/năm, tổng doanh thu 1.300 tỷ đồng, như vậy, bình quân mỗi năm, doanh thu chỉ có 260 tỷ đồng, trong khi riêng doanh thu năm 2022 đã đạt 266 tỷ đồng, vậy tăng trưởng ở đâu? Những câu hỏi này tiếp tục không được ông Linh trả lời thỏa đáng.

Sau khi 4 cổ đông hỏi, ông Linh nói: “Chúng ta không thể sa đà vào các nội dung không quan trọng. Đề nghị cổ đông gửi câu hỏi về Tổng công ty, rồi doanh nghiệp trả lời và đăng lên trang web của Tổng công ty để quốc dân, đồng bào đều xem được”.

Do nhiều cổ đông muốn tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn nên Chủ tịch VNCC phải “nhượng bộ” thêm với một cổ đông khác.

Vậy nhưng, khi cổ đông này đề nghị được cung cấp thông tin về vai trò của từng thành viên Hội đồng quản trị trong việc đóng góp vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp thì ông Linh trả lời: “Hôm nay, chúng tôi không họp thi đua khen thưởng. Chúng tôi đều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, nếu không chúng tôi làm sao đủ uy tín dẫn dắt doanh nghiệp tư vấn như thế này. Câu hỏi của chị thực ra chúng tôi không muốn trả lời. Nếu chị là cổ đông thì chịu khó lên giao lưu với doanh nghiệp để hiểu biết ngành nghề sâu sắc hơn, tránh hỏi những câu như thế”.

Nhiều cổ đông nhỏ lẻ tỏ ra bức xúc với cung cách điều hành đại hội cổ đông, mà họ nhận xét là “không tôn trọng cổ đông” của lãnh đạo VNCC. Một cổ đông nhận xét: “Tại đại hội, chủ tọa còn không trả lời cổ đông thì hy vọng gì được trả lời qua email, hay công bố trên website như ông Linh nói”.

Đáng chú ý là đại hội không có thời gian cho cổ đông thảo luận, chất vấn nhưng lại nghỉ giải lao khá dài, trong khi chương trình đại hội gửi đến cổ đông đã thống nhất không để thời gian giải lao.

Cổ đông nhỏ cũng bức xúc cho rằng, VNCC hoạt động kém hiệu quả so với nguồn lực mà Tổng công ty đang nắm giữ. Kết quả là từ khi doanh nghiệp cổ phần hóa đến nay, tỷ lệ cổ tức trả cho cổ đông chỉ được 1 - 3%/năm.

Dù Hội đồng quản trị VNCC được tái cơ cấu, song một số cổ đông cho rằng, doanh nghiệp này đang vi phạm quy định về quản trị công ty khi không có thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Đây là quy định áp dụng với các công ty đại chúng, theo đó với Hội đồng quản trị có 5 thành viên, VNCC phải có tối thiểu 1 thành viên độc lập.

Với tỷ lệ sở hữu 87% cổ phần tại VNCC của cổ đông lớn nhất là SCIC, các tờ trình của Hội đồng quản trị đương nhiên đều được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao, trong đó có việc thay thế thành viên Hội đồng quản trị và kế hoạch kinh doanh năm 2023, với doanh thu công ty mẹ 210 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 6%.

Tuy vậy, để cải thiện chất lượng quản trị tại doanh nghiệp, thiết nghĩ, VNCC cần lắng nghe tiếng nói của cổ đông nhỏ. Bởi lẽ, hầu hết các ý kiến đóng góp của cổ đông nhỏ như đã thể hiện tại đại hội của Công ty đều hướng tới mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng quy định, chuẩn mực quản trị tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động. Bỏ ngoài tai tiếng nói của cổ đông nhỏ, cái mất của doanh nghiệp có thể rất lớn.

Trước khi chuyển giao phần vốn Nhà nước tại VNCC về cho SCIC quản lý, VNCC có tên trong nhóm 10 tổng công ty - công ty cổ phần mà Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thoái vốn về mức 36%, hoặc Nhà nước không nắm giữ. Kế hoạch này sẽ được triển khai trong tương lai ra sao vẫn là câu hỏi ngỏ.

Có ý kiến cho rằng, Tổng công ty này là đơn vị tham gia tư vấn thiết kế cho nhiều công trình quan trọng của đất nước như Tòa nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sân bay… nên cần cân nhắc việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Chưa tính đến tính chất hoạt động của VNCC, kế hoạch thoái vốn tại VNCC cũng không dễ triển khai trong giai đoạn này do diễn biến kém thuận lợi từ thị trường chứng khoán, từ những vướng mắc trong công tác định giá – khiến lộ trình thoái vốn Nhà nước chậm trễ nhiều năm nay.

Anh Việt – Huy Nguyên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục