Tình hình kinh doanh gas cũng như giá gas bán lẻ hiện rất lộn xộn, khó kiểm soát là nhận xét chung của các đại biểu là DN, cơ quan quản lý tại diễn đàn Cộng đồng DN Gas hướng tới môi trường cạnh tranh lành mạnh do Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương và Báo Đối ngoại VietNam Economic News tổ chức ngày 11/12.
Theo các DN, giá bán lẻ một bình gas hiện nay phụ thuộc vào quy mô đầu tư, trình độ quản lý của từng DN và chi phí của hệ thống phân phối (tổng đại lý, đại lý, các cửa hàng lẻ). Trong khi giá gas bán lẻ của các DN đang ngày càng sát với giá thế giới thì việc thả nổi quản lý, giám sát đối với hệ thống phân phối hiện đang gây nhiều thiệt hại cho DN và người tiêu dùng.
Ông Trần Trung Chính, Phó tổng GĐ Công ty Liên doanh Khí hóa lỏng VN (VT Gas) cho rằng, hiện tượng các tầng nấc trung gian, tranh mua, tranh bán phổ biến hiện nay là hệ lụy của việc chưa xây dựng và quản lý được hệ thống phân phối, khiến DN kinh doanh không quản lý được giá bán đến tay người tiêu dùng.
Khi giá gas biến động, biên độ tăng, giảm càng lớn thì thị trường càng hỗn loạn, DN càng thiệt hại nặng về kinh tế. Giá gas lên thì DN bị khách hàng đầu cơ gom hàng giá rẻ để sau đó bán với giá mới cao hơn. Giá xuống thì DN không bán được hàng, buộc phải bán với giá mới thấp hơn với những hàng giá cao từ trước đó – ông Chính phản ảnh.
Thừa nhận các DN kinh doanh gas đang cảm thấy “bí” và chịu áp lực lớn do phụ thuộc, bị chi phối từ hệ thống phân phối nhưng vì cạnh tranh rất gay gắt, DN thường phải tìm mọi cách để lôi kéo hệ thống phân phối về mình, nên khi để cập đến vấn đề này ông Trần Minh Loan, Chủ tịch HĐQT CT CP Dầu khí An Pha S.G lại cho là “hết sức tế nhị”.
Ông Loan lý giải, chính vì mỗi cửa hàng, đại lý gas có thể bán cho rất nhiều hãng nên hệ thống phân phối trên thị trường gas lúc này có thể hiểu là của chung các DN kinh doanh gas, cũng có thể là chẳng của ai cả.
Vì lợi ích sát sườn, các hãng gas chỉ quan tâm đến nhà phân phối mà ít để ý đến lợi ích của người tiêu dùng, còn người tiêu dùng cũng chỉ quan tâm đến hệ thống phân phối để làm sao mua được gas với mức giá tốt tất. Trong khi đó hành lang pháp lý chưa có, chưa đơn vị nào đứng ra quản lý, giám sát nên các DN cho rằng, dù hệ thống phân phối gas trong nước còn manh mún, nhỏ bé nhưng hiệu quả phần lớn nằm ở khúc này.
Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự không quản lý được các trạm chiết và cửa hàng kinh doanh gas giả nhãn hiệu của các công ty kinh doanh gas lớn.
Lỗi một phần thuộc về DN
Tuy nhiên, để xảy ra việc các đại lý, cửa hàng phân phối không tuân thủ ít nhất là quy định về giá của các DN kinh doanh gas, ngoài trách nhiệm của Nhà nước kể trên, ông Nguyễn Sĩ Thắng, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Gas VN còn phân tích, lỗi đầu tiên thuộc về chính DN.
Theo thống kê tổng tiêu thụ khí hóa lỏng (LPG) của Tổng Công ty Khí VN (PV Gas), năm 2008 cả nước tiêu thụ khoảng 900.000 tấn (sản xuất trong nước khoảng 30% còn lại phải nhập khẩu).
LPG tại VN được sử dụng chủ yếu trong các lĩnh vực như dân dụng và thương mại (khoảng 63%), công nghiệp (khoảng 35%), giao thông vận tải (khoảng 2%).
Dự báo nhu cầu tiêu thụ đến năm 2010 tại VN khoảng 1,1 triệu tấn. Lúc đó, sản lượng LPG do Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cung cấp sẽ đáp ứng được trên 50% nhu cầu tiêu thụ nội địa. |
Theo ông Thắng, hợp đồng kinh doanh với các đại lý, đều có ghi rất rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi bên, trong đó có yêu cầu giá bán phải được ấn định theo các DN đầu mối, nếu không thực hiện sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt như cảnh cáo, ngừng cung cấp hàng, điều chỉnh kịp thời để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng...
Nếu làm đúng theo hợp đồng thì không có vấn đề gì xảy ra, nhưng hiện nay các DN gas đều không làm tốt khâu kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với các đại lý, mỗi lần thay đổi về giá hoặc chính sách, các đại lý, cửa hàng bất tuân thì cũng phớt lờ, không có biện pháp gì.
Ông Thắng tỏ ra lạc quan khi cho rằng thời gian tới, khi dự thảo Nghị định Quản lý Sản xuất và Kinh doanh Gas được thông qua, Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn, vấn đề này hoàn toàn có thể đi vào nề nếp.
“Với một thị trường mở, cạnh tranh lành mạnh thì việc giải quyết những phức tạp, rối ren của hệ thống phân phối lúc này sẽ không có gì khó khăn” – ông Thắng nhấn mạnh.