Robot thế chân môi giới chứng khoán

(ĐTCK) Một số công ty chứng khoán đang có hướng đi mới trong đầu tư công nghệ giao dịch, đó là sử dụng robot để cung cấp thông tin, giúp nhà đầu tư ra quyết định đầu tư. Có robot hoạt động rất hiệu quả, giao dịch lãi hàng chục phần trăm trong 1 tháng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy các công ty chứng khoán đầu tư chiều sâu cho công nghệ giao dịch Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy các công ty chứng khoán đầu tư chiều sâu cho công nghệ giao dịch

Cuộc chơi mang tên robot

Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định tính ưu việt của robot trong tác nghiệp so với nhân viên môi giới. Tuy nhiên, trên thị trường dần xuất hiện nhiều hơn các công ty chứng khoán “chịu chi” cho một hướng đầu tư mới về hạ tầng công nghệ giao dịch này, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa đến nhiều ngóc ngách của nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng.

Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) là trường hợp đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam đưa vào áp dụng mô hình Robo Advisor - công cụ tư vấn TCWealth, với công nghệ tự động hoá quá trình lập kế hoạch tài chính dài hạn cho nhà đầu tư, tự đông phân bổ danh mục đầu tư.

Theo ông Trần Nhật Nam, Phó tổng giám đốc TCBS, hiện dịch vụ Robo-Advisor đang được cung cấp miễn phí với mục tiêu giới thiệu, định hướng cho các gia đình Việt Nam quan tâm đến kế hoạch tài chính dài hạn.

TCBS đang triển khai giai đoạn hai của dự án này, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2018, qua đó giúp nhà đầu tư không chỉ lập kế hoạch, mà còn có cơ chế đầu tư tự động theo kế hoạch dễ dàng, thuận tiện.

“TCBS đi theo định hướng công nghệ, xác dịnh dẫn đầu trong xu hướng FinTech (công nghệ tài chính) dựa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0, nên chúng tôi không chỉ dừng lại ở Robo-Advisor, mà tiếp tục phát triển nền tảng quan trọng hơn là Social Invest. TCBS không có đội ngũ môi giới là con người, chúng tôi tập trung đầu tư vào công nghệ, với mục tiêu xây dựng những công nghệ tốt và thân thiện nhất với người sử dụng”, ông Nam nói.

Không chỉ có công ty chứng khoán lớn như TCBS hiện đại hóa hệ thống hạ tầng công nghệ bằng cách phát triển robot, mà một số công ty quy mô nhỏ cũng đang đi theo xu hướng này, nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh khi theo đuổi mô hình không nhân viên môi giới.

Từ định hướng phát triển mô hình công ty chứng khoán online và giá rẻ tại thị trường Việt Nam, ông Hoàng Như Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HFT chia sẻ, Công ty đã triển khai nhiều hoạt động để không chỉ nghiên cứu hoàn thiện các mô hình tư vấn, đầu tư thông qua robot, mà còn đưa các mô hình giao dịch qua robot tới đông đảo cộng đồng, những nhà đầu tư trong tương lai thông qua tổ chức Đại hội robot giao dịch chứng khoán lần đầu tiên tại Việt Nam (ROBO ARENA 1.0) vào năm 2017.

Mục đích của cuộc thi này là tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các cá nhân, nhóm có năng khiếu, kỹ năng và công cụ đầu tư chứng khoán theo các hệ thống phân tích giao dịch, qua các thông số, chỉ báo kỹ thuật, tín hiệu giao dịch, thuật toán được lập trình thành các công cụ đầu tư bán tự động hoặc tự động (robot giao dịch)...

“6 tháng qua, Công ty đã và đang dần hoàn thiện các mô hình tư vấn, đầu tư thông qua robot. Qua quá trình ứng dụng thực tế, robot giao dịch của HFT cũng như các các robot thử nghiệm khác thu được những kết quả tích cực. Kết quả đã được kiểm chứng qua 2 kỳ giao dịch thử nghiệm để tìm ra các robot hiệu quả nhất. Chỉ với 1 tháng, có những robot đã giao dịch lãi hàng chục phần trăm và tỷ lệ ra tín hiệu chính xác của các robot đều trên 50%. HFT dự kiến đưa các robot vào vận hành trong thời gian không xa”, ông Hải cho biết.

Nhìn nhận về xu hướng sử dụng robot thay thế nhân viên môi giới ở các thị trường trên thế giới, đại diện HFT cho rằng, sự trỗi dậy của robot giao dịch chứng khoán trong cuộc cách mạng 4.0 đang làm thay đổi diện mạo của nền tài chính toàn cầu. Một kỷ nguyên của giao dịch tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, quỹ đầu tư định lượng đang định nghĩa lại hoạt động quản trị danh mục và giao dịch chứng khoán. Trên thế giới, các robot giao dịch được sử dụng rộng rãi bởi các quỹ đầu tư định lượng với hơn 30% tổng tài sản quản lý tính tới năm 2017.

Rủi ro nếu Gói thầu 04 chậm trễ

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy các công ty chứng khoán đầu tư chiều sâu cho công nghệ giao dịch, mà mô hình robot thay nhân viên môi giới là một lựa chọn. Tuy nhiên, các công ty này đang gặp khó khăn do sự chậm trễ trong việc triển khai Gói thầu 04 - hệ thống hạ tầng công nghệ cho toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một chuyên gia phát triển phần mềm tài chính nhìn nhận, do Gói thầu 04 đến nay chưa hoàn thiện, nên các công ty chứng khoán có lý do để quan ngại hệ thống hạ tầng công nghệ mà họ đã và đang triển khai có độ “vênh” so với Gói thầu 04 sau khi hoàn thiện và đưa vào vận hành. Điều này khiến công ty chứng khoán đối mặt với rủi ro phải chỉnh sửa hệ thống hạ tầng cho tương thích với chuẩn hạ tầng công nghệ mới của thị trường. Điều này không chỉ gây tốn kém về tài chính, thời gian, công sức, mà còn ảnh hưởng đến tính ổn định vận hành hệ thống tại công ty chứng khoán.

“Mặc dù rất muốn Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm triển khai các sản phẩm mới như chứng quyền có đảm bảo, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ…, nhưng điều chúng tôi mong muốn hơn là cơ quan quản lý cần tập trung thúc đẩy hoàn tất việc triển khai Gói thầu 04, để tránh gây tốn kém về chi phí, thời gian, công sức cho các công ty chứng khoán. Thà các sản phẩm mới triển khai chậm một chút, đổi lại Gói thầu 04 được hoàn thiện sớm, đi trước một bước, thì sẽ tránh gây xáo trộn, lo lắng cho các công ty chứng khoán khi giải bài toán hạ tầng công nghệ”, lãnh đạo một công ty chứng khoán chia sẻ.

Theo thông tin mà Bộ Tài chính vừa công khai tới báo chí, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ triển khai trong tháng 5 này là chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai Dự án công nghệ thông tin thị trường chứng khoán - Gói thầu 04. Từ động thái này của Bộ Tài chính, hy vọng tới đây, thời hạn hoàn tất triển khai Gói thầu 04 không còn bất định như hiện tại.

Hiện các công ty chứng khoán đang chờ các cấp quản lý hợp nhất hai vấn đề lớn. Đầu tiên là hợp nhất về mặt công nghệ thông qua sớm hoàn tất Gói thầu 04 để định hình mô hình công nghệ thống nhất cho toàn thị trường. Thứ hai là hợp nhất Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, hiện chưa rõ thời điểm nào dự kiến sẽ hoàn tất.

Robot là hướng đi mới trong chiến lược cạnh tranh của công ty chứng khoán

Nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nghe có vẻ sách vở, xa vời, nhưng thực ra lại rất gần với các công ty chứng khoán, bởi đó là đòi hỏi về đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ. Thực tế cho thấy, hệ thống hạ tầng công nghệ ngày càng là vũ khí cạnh tranh lợi hại của các công ty chứng khoán.

Robot thế chân môi giới chứng khoán ảnh 1

 Ông Lục Đình Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm tài chính (FSS)

Đơn vị nào không đầu tư cho công nghệ sẽ rất khó nâng cao khả năng cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh nhiều sản phẩm, dịch vụ mới đang được cơ quan quản lý thúc đẩy triển khai như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, chứng quyền có đảm bảo… Để triển khai hiệu quả các nghiệp vụ mới này, đòi hỏi hệ thống công nghệ của các công ty chứng khoán phải có khả năng xử lý rất nhanh dữ liệu, đảm bảo tính bảo mật, an toàn và tự động hóa cao, chứ nhiều khâu không thể làm thủ công như trước.

Một số công ty chứng khoán đưa vào vận hành robot cho thấy hướng đi mới trong chiến lược cạnh tranh của công ty. Giải pháp này cho phép các yêu cầu từ khách hàng được xử lý nhanh, chuẩn xác và dễ dàng hơn.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục