Robot không ổn với giới “già và giàu”

(ĐTCK) Sử dụng robot thay vì dùng tư vấn tài chính hay môi giới cá nhân là mốt thời thượng với nhiều người bạn của tôi ở Anh vào cuối năm 2017. Thời điểm đó, ai cũng đổ xô đi tìm để dùng thử dịch vụ robo-adviser (robot tư vấn tài chính) của các công ty chứng khoán.

 Tăng trưởng ấn tượng, nhưng thị phần còn rất nhỏ

Hiện tại, tôi không thấy nhiều người chạy theo trào lưu sử dụng robot tư vấn tài chính. Liệu robot tư vấn tài chính đã thất bại như một vài người nói, hay nó đang âm thầm giành thị phần theo cách riêng?

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Trước tiên, cần xác định robot tư vấn tài chính ở đây là gì? Trong một định nghĩa hẹp, đó là một dịch vụ vận hành không cần con người, khách hàng chỉ cần tải về một ứng dụng trực tuyến hoặc lên một trang web, trả lời chừng 20 câu hỏi để hệ thống chấm điểm và xác định khách hàng thuộc nhóm rủi ro cao, thấp hay trung bình. Sau đó, máy tính sẽ đề xuất một danh mục đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của khách hàng.

Về cơ bản, nếu ai đã dùng dịch vụ tư vấn tài chính ở Anh, bạn sẽ thấy điều này không mấy khác biệt với những người tư vấn tài chính (financial adviser) tính phí bạn cả chục đến trăm bảng Anh cho dịch vụ tư vấn danh mục đầu tư cơ bản. Họ cũng hỏi bạn một số câu hỏi, thảo luận, trò chuyện tình hình tài chính, sau đó đề xuất một số quỹ mà bạn có thể đầu tư. Như vậy, một dịch vụ tư vấn tài chính rẻ tiền hơn qua robot có vẻ sẽ thay thế dịch vụ cơ bản mà đắt tiền đó.

Cuối năm 2017, Công ty kiểm toán Ernst & Young công bố thống kê, thị trường robot tư vấn tài chính ở Bắc Mỹ tăng trưởng ấn tượng, đạt 128 tỷ USD tài sản quản lý vào tháng 11/2017.

Cuối năm 2018, Deutsche Bank cho biết, có khoảng 900.000 khách hàng ở châu Âu dùng dịch vụ tư vấn tài chính bằng robot, quản lý khoảng 14 tỷ EUR, với hai thị trường có độ tiếp cận dịch vụ cao nhất là Anh và Đức.

Các con số trên có vẻ ấn tượng, nhưng nếu so với thị trường vài chục nghìn tỷ USD quản lý tài sản của Mỹ, Anh và Đức, thì thị phần của robot chưa tới 1% (thật ra là chưa tới 0,5%).

Cạnh tranh gay gắt

Tính từ đầu năm 2018 cho đến tháng 6/2018, Nutmeg, công ty đầu tiên ứng dụng robot tư vấn tài chính ở thị trường Anh và có khoảng 60.000 khách hàng, tỷ suất sinh lợi của các khách hàng được robot xếp hạng rủi ro cao là 7,9%, trong khi khách hàng đầu tư vào quỹ thụ động chuyên theo sát chỉ số FTSE All-share đạt khoảng 10% (nếu điều chỉnh yếu tố rủi ro thì tỷ suất sinh lợi của các robot còn kém hơn nữa, vì FTSE-Allshare là một loại phương thức đầu tư rủi ro trung bình).

Phải chăng robot tư vấn tài chính đã thất bại? Ít nhất một người bạn của tôi làm tư vấn tài chính nghĩ như vậy. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành, ông tự hào nói với tôi hồi cuối năm 2018: “Thấy chưa, tôi đã bảo mà, có ai làm tư vấn tài chính mà thất nghiệp trong mấy năm qua đâu”. Máy tính rõ ràng không thay thế được người làm tư vấn tài chính trong mắt ông, vì ông không mất khách hàng, cũng không thấy đồng nghiệp nào mất việc.

Thế nhưng, ông chưa gặp các sinh viên hay các trợ lý nghiên cứu của tôi. Họ rất hứng thú sử dụng dịch vụ robot tư vấn tài chính. Những người trẻ là khách hàng tiềm năng của dịch vụ robot tư vấn tài chính, bởi vì thời gian trong một ngày làm việc, họ gần như gắn liền với máy tính và điện thoại di động.

Khách hàng của người bạn làm tư vấn tài chính của tôi là những người trung niên và những người lớn tuổi thành đạt, nên tất nhiên bạn tôi không mất khách. Đơn giản, đó là sự khác biệt về thế hệ. Khi các bạn trẻ có nhiều tiền hơn, họ sẽ âm thầm giúp các công ty ứng dụng robot đánh chiếm thị phần môi giới và tư vấn tài chính truyền thống. Đó là những gì tôi nghĩ cho đến đầu năm 2019.

Gần đây, nói chuyện với một đại diện của Ernst & Young bên lề một hội thảo, suy nghĩ của tôi về robot thay đổi. Anh cho biết, vấn đề lớn nhất của các công ty ứng dụng robot tư vấn tài chính là có quá nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực này, khiến cạnh tranh rất gay gắt. Miếng bánh quá nhỏ, tăng không đủ nhanh cho quá nhiều người nhảy vào.

Anh ví von, thị trường robot tư vấn tài chính ở Anh như một con đường mà trên đó có 30 - 40 nhà hàng san sát nhau. Cạnh tranh giữa những công ty này có lợi cho khách hàng, vì công ty phải chi ra nhiều tiền để làm marketing, khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ robot.

Anh cho biết, có một báo cáo cho thấy, chi phí thu hút một khách hàng hiện nay có khi lên đến cả nghìn USD. Con số này rõ ràng là không bền vững, chưa kể các công ty còn phải bỏ ra rất nhiều tiền để thu hút nhân lực chất lượng cao nhằm cạnh tranh với nhau về tính năng của robot. Một khía cạnh khác là rất nhiều công ty có sản phẩm tương tự nhau, không có tính khác biệt, còn chi phí thu hút khách hàng và chi phí giữ người giỏi cao, nên anh cho rằng, nhiều công ty FinTech mới nổi trong lĩnh vực robot tư vấn tài chính đang “đốt tiền”, trong khi các hãng lớn chưa đầu tư nhiều cho mảng này (vì họ phải tập trung đầu tư cho mảng tự động hóa trong các giao dịch - algo-trading).

Về lý thuyết, robot tư vấn tài chính có thể hưởng lợi nếu công ty cũng mạnh trong giao dịch tự động hóa, nhưng sự thật thì lại khác. Đơn giản là vì khách hàng thích rủi ro thấp sẽ chẳng hưởng lợi gì mấy trong các giao dịch tự động hóa hay chiến lược giao dịch phức tạp do máy tính thiết kế, vì đây thường là các chiến lược giao dịch chấp nhận rủi ro trung bình cho đến cao. Mà khách hàng chấp nhận rủi ro thấp và trung bình chiếm tỷ trọng khá cao trong số sử dụng dịch vụ robot tư vấn.

Robot sẽ phát triển mạnh, nhưng cần chờ lớp nhà đầu tư mới

Những trao đổi trên khiến tôi cho rằng, robot tư vấn tài chính sẽ tiếp tục phát triển. Nhưng nó có kiếm ra tiền cho công ty hay không, hay là một cuộc đua đốt tiền thì chưa biết. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này có thể sẽ dẫn đến một cuộc đua xuống đáy. Người hưởng lợi sẽ là khách hàng được ưu đãi để dùng dịch vụ và nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo để thiết kế các robot.

Người bất lợi có thể là những ai đầu tư vào FinTech làm robot tư vấn tài chính với hy vọng kiếm tiền nhanh. Đơn giản vì đây là một lĩnh vực mà đối thủ của bạn có thể ra sản phẩm rất giống bạn, hay cướp đi nhân tài làm ra thuật toán ưu việt của bạn trong “một nốt nhạc”. Về cơ bản, như anh bạn ở Ernst & Young nhận xét, đây vẫn là một cuộc đua đốt tiền, nhưng nhiều công ty không thể không tham gia. 

Tuy nhiên, các môi giới như người bạn nhiều kinh nghiệm của tôi không lo mất việc hay mất khách hàng trong vài năm tới, vì thành phần khách hàng của họ là giới “già và giàu”, không mấy mặn mà với công nghệ (với tư cách là người thử dùng dịch vụ robot tài chính của Anh thì tôi thấy các nền tảng này cũng không phải dạng dễ dùng với người ít quen công nghệ). Với người có kinh nghiệm giao dịch tài chính và có hiểu biết về thị trường thì dịch vụ này cũng khó có thể đem lại lợi nhuận lớn. Đối với giới trẻ, khách hàng tiềm năng chính của dịch vụ robot tư vấn tài chính, thì vấn đề chính là họ không có nhiều tiền.

Trong tương lai 5 - 10 năm nữa, khi họ có nhiều tiền và là những người ưa chuộng công nghệ, cuộc chơi có thể sẽ thay đổi. Với những thị trường như Hồng Kông và Việt Nam, khi nhiều người vẫn thích nghe bạn bè hay hàng xóm chỉ cho “mua con gì hôm nay” thì ứng dụng của dịch vụ này chắc cũng khó chiếm thị phần lớn.

Đầu tư chứng khoán với nhiều người không chỉ là một cách đầu tư tiền cho tương lai, mà còn là một kênh để họ đi bàn luận với bạn bè. Robot sẽ lấy đi cái thú vui đó của không ít người. Vì vậy, robot có thể chiếm 1 - 2% thị phần, nhưng muốn lấy thị phần nhiều hơn nữa thì cần chờ lớp nhà đầu tư mới.

Việt Nam cần khung pháp lý

Ngoài các vấn đề trên, ở Việt Nam, ai có thể làm các dịch vụ tư vấn chứng khoán bằng robot, tư vấn tài chính cá nhân cũng là một vấn đề mà các cơ quan quản lý cần quan tâm. Hiện tại, nhu cầu tư vấn tài chính cá nhân đang phát triển với nhiều hình thức. Có bạn ở Việt Nam chỉ cho tôi những trang tư vấn tài chính cá nhân, những người đi làm dịch vụ khai vấn (coaching) kiêm luôn tư vấn tài chính cá nhân cho thấy, nhu cầu này là có thực và đã vượt ra ngoài lĩnh vực chứng khoán.

Nhu cầu được hướng dẫn đầu tư, được tư vấn tài chính rõ ràng là lớn, bất kể là tư vấn bằng máy tính hay người. Vì vậy, cơ quan quản lý cần sớm xác định khung pháp lý cho lĩnh vực này. Còn việc quản lý chặt hay lỏng, có đòi hỏi bằng cấp chuyên môn gì…. thì tùy quan điểm của cơ quan quản lý. Mỗi một nước có những quy định khác nhau về chuyện này và không nên bê nguyên mẫu một mô hình nào của nước ngoài về, vì họ cũng đang mò mẫm đi mà thôi giữa cái thời biến động công nghệ diễn ra hàng ngày.

Thay vào đó, Việt Nam cần tham vấn nhiều chuyên gia am hiểu thực tế thị trường nước ngoài và ở Việt Nam để định hướng cho phù hợp. Nếu xác định cần làm một trung tâm tài chính năng động, cởi mở với FinTech thì cứ cho “trăm hoa đua nở”, ai cũng được làm dịch vụ tư vấn đầu tư và quản lý tài chính, bất kể bằng máy hay người.

Điểm bất lợi của cách tiếp cận này là nguy cơ xuất hiện các công ty lừa đảo, lấy tiền và chạy (ở nước ngoài cũng có nhiều bài học), hoặc sự cạnh tranh quá mức sẽ dẫn đến một cuộc đua xuống đáy. Tìm kiếm một điểm cân bằng ở đâu là một vấn đề khó và không có câu trả lời duy nhất.

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục