Rõ lộ trình tắt sóng 2G, 3G để dành tần số cho 4G và 5G

0:00 / 0:00
0:00
Từ tháng 12/2023, máy điện thoại chỉ dùng 2G, 3G sẽ bắt đầu bị khóa, tiến tới tắt hẳn sóng để dành tần số cho 4G, 5G.
Rõ lộ trình tắt sóng 2G, 3G để dành tần số cho 4G và 5G

Tắt sóng 2G, 3G từ tháng 12/2023

Trong diễn biến mới nhất, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) yêu cầu nhà mạng thực hiện khóa máy điện thoại thuần (only) 2G, 3G từ tháng 12/2023 để người sử dụng chuyển sang điện thoại thế hệ cao hơn (4G và tiến tới là 5G).

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết tháng 6/2023, cả nước vẫn còn khoảng 22 triệu thuê bao điện thoại cơ bản (2G). Theo lộ trình, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu dừng công nghệ di động 2G chậm nhất đến tháng 9/2024. Đây cũng là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, đơn vị này đã làm việc với các nhà mạng và các nhà mạng đã cam kết sẽ thực hiện việc khóa các thiết bị 2G only từ tháng 12/2023. Thời gian qua, các nhà mạng đã triển khai phát triển giải pháp kỹ thuật để có thể loại các thiết bị thuần 2G, 3G ra khỏi mạng. Cục Viễn thông cũng yêu cầu các nhà mạng báo cáo số lượng thuê bao sử dụng máy thuần 2G trong tháng 9 này.

Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra nhập khẩu, phân phối, lưu thông máy thuần 2G, 3G cũng sẽ được triển khai. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị kiểm tra các chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh mô hình chuỗi, các hộ kinh doanh đơn lẻ để đảm bảo không còn máy điện thoại di động 2G, 3G only lưu thông trên địa bàn; phải phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường, hải quan, công an, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán lưu thông thiết bị điện thoại 2G, 3G only vi phạm quy định; kết quả gửi về Bộ trước ngày 30/11/2023.

Thực hiện đồng loạt các giải pháp

Được biết, Cục Viễn thông đã lên phương án hỗ trợ chi phí cho nhóm hộ nghèo và cận nghèo chuyển đổi máy điện thoại 2G, 3G lên điện thoại thông minh (smartphone) sử dụng 4G. Theo đó, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam lập kinh phí để hỗ trợ việc này, có thể chi phí lên đến 500.000 đồng/smartphone với khoảng 400.000 máy cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua nhà mạng. Các tỉnh có số lượng smartphone thấp sẽ được quan tâm hỗ trợ trước.

Cùng với giải pháp kỹ thuật và kinh tế, thì giải pháp truyền thông rộng rãi tới người dùng cũng rất quan trọng. Theo Cục Viễn thông, với kênh nhắn tin trực tiếp đến các thuê bao, nhà mạng cần thông báo cho người sử dụng biết, những thiết bị 2G không hợp chuẩn, hợp quy là vi phạm pháp luật và sẽ bị ngắt khỏi mạng; khuyến khích người dân chuyển sang dùng smartphone và doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng hỗ trợ chuyển đổi. Đặc biệt, nhà mạng thực hiện nghiêm túc khóa máy 2G theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Các nhà mạng thực hiện nhắn tin, gọi điện trực tiếp tới khách hàng, các kênh truyền thông trực tuyến, truyền thông tại điểm giao dịch để đảm bảo thông tin này đến được với từng khách hàng đang sử dụng thiết bị thuần 2G, 3G”, ông Phúc nhấn mạnh.

Trên thực tế, từ năm 2020 - 2021, các nhà mạng đã tắt dần sóng 2G, 3G. Viettel cho biết, sau một năm, nhà mạng này đã tắt 32.000 trạm 3G tại 670 huyện ở 61/63 tỉnh, thành phố. Số trạm còn lại sẽ được tắt khi Viettel hoàn thành xây dựng các trạm BTS để bù vùng phủ tại các địa điểm đó.

MobiFone cũng thử nghiệm tắt sóng 2G từ năm 2020 tại một số khu vực thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và cấp SIM 4G miễn phí cho các thuê bao 2G. Bên cạnh đó, nhà mạng này đã ký kết đối tác chiến lược với hệ thống bán lẻ hàng công nghệ Di động Việt để thúc đẩy tiến trình tắt sóng 2G.

Cụ thể, khách hàng của MobiFone sử dụng điện thoại 2G có thể đổi điện thoại 4G tại hệ thống Di động Việt với giá bán phi lợi nhuận, kèm theo gói ưu đãi miễn phí dung lượng truy cập Internet trong 90 ngày (2GB/ngày), áp dụng tại khu vực TP.HCM.

Tương tự, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chủ động kế hoạch tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu hóa việc vận hành, khai thác mạng lưới và chuẩn bị cho lộ trình dừng công nghệ 2G.

Đến nay, VNPT đã thực hiện tắt hàng ngàn trạm 2G và triển khai các chương trình hỗ trợ smartphone tại huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM), tỉnh Bạc Liêu và Vĩnh Long. Đến cuối năm 2022, có khoảng 1,9 triệu thuê bao VNPT đã chuyển đổi từ 2G sang 3G/4G. VNPT cho biết, sẽ triển khai chương trình viễn thông công ích đã được Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện, cụ thể là trợ giá điện thoại thông minh 500.000 đồng/máy cho các thuê bao thuộc đối tượng viễn thông công ích.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, để tắt sóng 2G, 3G thành công, thì việc tuyên truyền tới người dân rất quan trọng. Đồng thời, cần có sự chung tay giữa Nhà nước, nhà mạng và doanh nghiệp sản xuất, cung cấp smartphone giá rẻ cho người dân. Đặc biệt, các nhà mạng phải thống nhất thời điểm dừng toàn bộ công nghệ 2G trên toàn quốc và không phát triển thêm thuê bao 2G mới.

Thông tư số 04/2023/TT-BTTTT, ngày 31/5/2023 quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT, ngày 31/12/2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy nhập vô tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, máy điện thoại di động mặt đất bắt buộc phải hỗ trợ công nghệ E-UTRA FDD (4G) từ ngày 1/7/2021.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục