Với kết quả xuất khẩu tăng trưởng 46,5% so với cùng kỳ 2016, rau quả cũng trở thành mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất trong số các ngành hàng nông sản.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 2,32 tỷ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất thì có 3 thị trường nằm ở khu vực châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường ngoài khu vực châu Á là Mỹ.
Điều đáng nói là trong số 2,32 tỷ USD xuất khẩu rau quả thì 4 thị trường kể trên đã chiếm hơn 85% tổng giá trị xuất khẩu, tương đương 1,97 tỷ USD.
Như vậy, nếu so sánh giá trị xuất khẩu 10 mặt hàng nông sản chủ lực trong 8 tháng qua, rau quả đứng vị trí thứ 4, sau thủy sản 5,13 tỷ USD, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ với 4,84 tỷ USD, cà phê 2,33 tỷ USD.
Năm 2016, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đã “qua mặt” kim ngạch xuất khẩu gạo. Nếu như xuất khẩu gạo chỉ mang về 2,2 tỷ USD thì rau quả đã mang về 2,4 tỷ USD.
Khoảng cách tiếp tục được nới rộng thêm khi xuất khẩu rau quả tăng phi mã ngay từ đầu năm 2017. Mặc dù 8 tháng qua, xuất khẩu gạo đã được cải thiện đáng kể, với sản lượng xuất khẩu đạt 3,96 triệu tấn, tăng 19,8%, đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn 550 triệu USD so với xuất khẩu rau quả.
Tin vui tiếp tục đến với ngành rau quả khi ngày 24/8/2017, Australia đã chính thức công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam.
Như vậy, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép nhập khẩu thanh long tươi vào Australia.
Thanh long được xếp vào nhóm 12 loại cây ăn quả chủ lực của Việt Nam, là 1 trong 5 loại cây được bố trí rải vụ để thu hoạch các mùa trong năm, cũng là 1 trong 9 loại cây trồng chủ lực của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Theo đó, thanh long là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu trái cây những năm vừa qua.
Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu trái thanh long tươi sang thị trường Trung Quốc đã đạt hơn 350 triệu USD.