Biên lợi nhuận thấp
Kết thúc năm 2018, báo cáo tài chính của Ricons cho thấy, Công ty đạt doanh thu 9.305,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 431 tỷ đồng, lần lượt vượt 8,8% và 14,9% mục tiêu đặt ra. Mặc dù có hoạt động kinh doanh khá đa dạng từ xây dựng, kinh doanh, cho thuê bất động sản, quản lý tòa nhà, cho thuê máy móc, môi giới, nhưng xây dựng vẫn là mảng chủ đạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của Ricons với tỷ trọng trên 90% doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, năm 2018, doanh thu xây dựng đạt 8.320,5 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 551,9 tỷ đồng, đóng góp 89,4% doanh thu và 92,7% lợi nhuận gộp. Xếp sau đó là hoạt động buôn bán vật liệu xây dựng với đóng góp 10,3% doanh thu, 7,4% lợi nhuận gộp. Đây cũng là 2 mảng đem lại động lực tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận chính cho Công ty trong những năm qua. Nhất là mảng xây dựng, với tăng trưởng doanh thu năm 2018 là 44,7%, trong khi bán vật liệu tăng trưởng 20,9%.
Dù có xu hướng cải thiện, từ dưới 5% của giai đoạn 2014 - 2015 tăng lên trên 6% giai đoạn 2016 - 2018 nhưng so với một số doanh nghiệp trong ngành, biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng của Ricons hiện vẫn thấp hơn đáng kể.
Năm 2018, biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng của Ricons đạt 6,6%, biên lợi nhuận gộp hợp nhất là 6,4%, tương đương với CTCP Xây dựng Coteccons (CTD). Trong khi đó, tại CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng là 9,04%, tại CTCP Đạt Phương (DPG) là 16,5%, hay với Tổng công ty IDICO (IDC) là 12,7%.
Giá trị phải thu lớn, tăng nhanh
Trong giai đoạn 2014-2018, doanh thu của Ricons đã tăng 5,9 lần, từ 1.590 tỷ đồng năm 2014 lên 9.305,5 tỷ đồng năm 2018, tương ứng với mức tăng bình quân 55,5%/năm. Quy mô doanh thu tăng đi kèm với giá trị các khoản phải thu cũng tăng theo, tuy nhiên, mức độ tăng trưởng của khoản phải thu lại nhanh hơn khá nhiều so với doanh thu.
Kết thúc năm 2018, giá trị các khoản phải thu tại Ricons đạt 3.953,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với đầu năm. Đây cũng là khoản mục lớn nhất, chiếm 3/4 tổng tài sản, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng với tỷ lệ 95,8%. Số ngày thu tiền bình quân trong năm 2018 là 115,9 ngày, tăng mạnh so với con số 86,09 ngày năm 2017 và gần gấp đôi giai đoạn 2015 - 2016.
Mặc dù phải thu lớn là một trong những đặc điểm phổ biến với các doanh nghiệp xây dựng và trong trường hợp của Ricons, khi bị khách hàng chiếm dụng vốn, Công ty cũng tăng cường chiếm dụng vốn của đối tác thông qua giá trị các khoản chi phí phải trả và phải trả người bán tăng mạnh, hiện chưa cần vay nợ bổ sung vốn lưu động. Nhưng với giá trị và tỷ trọng các khoản phải thu lên đến 2/3 tổng tài sản, Ricons sẽ phải chịu nhiều rủi ro, ngoài bị chiếm dụng vốn còn có rủi ro thất thoát, phát sinh nợ xấu.
Giá trị các khoản trích lập dự phòng nợ xấu của Ricons đến cuối năm 2018 là 2,1 tỷ đồng, khá thấp trên quy mô dư nợ, nhưng nhiều khả năng con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Tương tự những năm trước, đến cuối quý I/2019, giá trị phải thu của Ricons đã giảm 33,4% so với đầu năm do tính chu kỳ kinh doanh của hoạt động xây dựng nhưng trong các quý tiếp theo, dự báo con số này sẽ tăng trở lại.
Dòng tiền kinh doanh âm
Ricons được thành lập năm 2004 với vốn điều lệ chỉ 17 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động chính là đầu tư kinh doanh bất động sản. Công ty mở rộng sang lĩnh vực xây dựng từ năm 2008 nhưng sự phát triển mạnh mẽ chỉ thực sự diễn ra từ năm 2014 đến nay.
Tính đến cuối quý I/2018, Ricons có quy mô vốn điều lệ là 305 tỷ đồng, tương ứng 30,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Quy mô vốn chủ sở hữu gấp 6,4 lần, đạt 1.957,6 tỷ đồng. Trong đó, thặng dư vốn cổ phần đạt 757,8 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối đạt 548,9 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Ricons.
Khoản lợi nhuận chưa phân phối ở mức cao là do mức cổ tức Ricons chi trả cho cổ đông khá hạn chế so với quy mô lợi nhuận. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2018 vừa được Đại hội đồng cổ đông thông qua là 3.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền khoảng 91,5 tỷ đồng và chỉ tương đương 21% lợi nhuận sau thuế. Kế hoạch cổ tức năm 2019 cũng dự kiến ở mức 3.000 đồng/cổ phiếu.
Việc chi trả cổ tức hạn chế của Ricons một phần bởi thiếu hụt dòng tiền. Mặc dù lợi nhuận tăng mạnh, nhưng 2 năm trở lại đây, dòng tiền hoạt động kinh doanh (CFO) liên tục âm, chủ yếu do giá trị khoản phải thu tăng nhanh và vượt xa các khoản chiếm dụng vốn. Năm 2018, CFO âm 141,8 tỷ đồng, năm 2017 âm 110,3 tỷ đồng và phải bù đắp bằng dòng tiền tài chính, cụ thể là phát hành tăng vốn.
Trong quý I/2018, Công ty đã hoàn tất 2 đợt phát hành thông qua chào bán 8,14 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 6,1 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược, thu về 852,9 tỷ đồng, tạo ra 710,6 tỷ đồng thặng dư vốn.
Trong đợt phát hành này, các cổ đông hiện hữu của Ricons mua cổ phiếu chào bán mới với giá 25.000 đồng/cổ phiếu. Với cổ đông chiến lược, ước tính mức giá đã trả cho cổ phiếu Ricons lên đến hơn 106.000 đồng/cổ phiếu, giúp Công ty thu về hơn 650 tỷ đồng. Được biết, đợt chào bán đã thu hút được nhiều tổ chức đầu tư tên tuổi như Dragon Capital, VinaCapital, SSI AM, Havana và Daiwa Investment…
Số ngày thu tiền bình quân của ricons có xu hướng tăng nhanh.
Mức giá chào bán thành công thuộc hàng “khủng” của Ricons khi đó không quá bất ngờ, bởi so sánh với kết quả lợi nhuận năm 2017, bội số giá trên thu nhập (P/E) chỉ khoảng 6 lần, thấp hơn so với P/E của một số doanh nghiệp khác đang giao dịch trên thị trường vào thời điểm đó như HBC (khoảng 7 lần) hay CTD (khoảng 9 lần). Chưa kể, mức tăng trưởng bình quân lên đến hơn 55%/năm cũng tạo cho Công ty một mức định giá hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, đó là ở thời điểm đầu năm 2018, thị trường chứng khoán trong giai đoạn tăng mạnh và Ricons cũng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao. Bối cảnh hiện nay đã thay đổi khá nhiều, khi thị trường chung gặp nhiều khó khăn và tốc độ tăng trưởng của Ricons đang chịu áp lực chậm lại.
Tốc độ tăng trưởng chậm lại
2019 được dự báo sẽ là một năm nhiều khó khăn với các doanh nghiệp xây dựng khi chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi, từ chính sách của cơ quan quản lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản, biến động chi phí nguyên vật liệu đầu vào, cho đến chi phí nhân công… Thực tế, nhiều doanh nghiệp xây dựng lên kế hoạch kinh doanh năm nay khá thận trọng.
Tại CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), kế hoạch doanh thu năm 2019 chỉ tăng 1,6% so với thực hiện năm 2018, Tại Coteccons, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu năm nay giảm 5,5% so với thực hiện năm 2018, còn 27.000 tỷ đồng.
Báo cáo tình hình hoạt động của Ban Tổng giám đốc HBC liệt kê một loạt khó khăn gặp phải như một số dự án triển khai cầm chừng do việc đình trệ pháp lý từ chủ đầu tư. Thị trường bất động sản nói chung phát triển chậm lại do chính sách siết tín dụng từ Nhà nước. Cạnh tranh khốc liệt về giá dự thầu do sự gia tăng số lượng đối thủ trên thị trường. Chi phí nguyên liệu vật liệu tăng, tăng chi phí về bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định mới…
Một lãnh đạo của CTD cũng chia sẻ, thử thách đến từ việc ngân hàng giảm vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn 40% thay vì 45%, dẫn đến vốn ngắn hạn cho bất động sản giảm. Chủ trương rà soát mục đích sử dụng đất của Chính phủ dẫn đến tình hình triển khai dự án rất chậm tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…, nhiều dự án bị tạm ngưng.
Trong bối cảnh đó, tại Đại hội đồng cổ đông 2019, Ricons đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 475 tỷ đồng trong năm 2019, tương ứng mức tăng 18,2% về doanh thu và 10,2% về lợi nhuận so với thực hiện 2018. Dù so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, đây vẫn là một kế hoạch lạc quan nhưng có thể thấy, mức tăng trưởng của Ricons đã chậm lại đáng kể, chỉ tương đương 1/3 mức tăng bình quân của giai đoạn 2014 - 2018.
Phụ thuộc lớn vào bên liên quan Coteccons
Đối tác phải thu lớn nhất của Ricons hiện nay chính là Coteccons. Tính đến cuối năm 2018, số dư khoản phải thu của Ricons với Coteccons là 1.900 tỷ đồng, cùng với 100,7 tỷ đồng phải thu từ Unicons - công ty thành viên của Coteccons, tổng giá trị phải thu từ bên liên quan đã tăng 77% trong năm 2018 và chiếm 1/2 giá trị phải thu đến cuối năm. Ngoài dư nợ phải thu, Coteccons và Unicons hiện cũng là khách hàng lớn nhất của Ricons, đóng góp 43,4% doanh thu trong năm 2018.
Điều này không khó hiểu khi mà tại thời điểm thành lập, Ricons là một công ty thành viên của Coteccons và đây cũng đang là bên liên quan khá mật thiết tại Công ty. Không chỉ chung nhiều vị trí lãnh đạo, Coteccons đang trực tiếp sở hữu 14,87% vốn cổ phần và 24,03% tỷ lệ quyền biểu quyết tại của Ricons.
Coteccons là doanh nghiệp đang có vị thế dẫn đầu ngành xây dựng cả nước với thương hiệu, uy tín đã được khẳng định qua nhiều công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp lớn. Mối quan hệ này sẽ đem lại cho Ricons lợi thế trong việc tìm kiếm hợp đồng mới, nhất là các dự án quy mô lớn khi năng lực, uy tín trong thi công và quản lý dự án được đảm bảo.
Ngược lại, điều này cũng khiến cái nhìn của nhà đầu tư với Ricons phần nào kém đi sự độc lập, nghi ngại về khả năng xuất hiện giao dịch lòng vòng giữa các bên liên quan, nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Ricons tăng trưởng thì doanh thu, lợi nhuận và thị giá của Coteccons lại đang có tín hiệu đi xuống trong hơn 1 năm trở lại đây.