Richard Meddings sẽ rời khỏi trụ sở Standard Chartered ở London vào cuối tháng 6/2014 như đã định. Quyết định này trước hết xuất phát từ ý muốn cá nhân của Meddings sau khi Ngân hàng Standard Chartered đưa ra quyết tâm bước chân vào một kỷ nguyên mới với khá nhiều sự thay đổi trong chiến lược hoạt động. Cụ thể, Standard Chartered đã tiến hành “màn lột xác” bằng việc sáp nhập 2 hệ thống ngân hàng tiêu dùng và bán buôn, đồng thời chỉ định Phó giám đốc điều hành Mike Rees đứng ra điều hành lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này.
“Đây là một bước đi quan trọng nhưng cũng khá mạo hiểm của Ngân hàng trong nỗ lực ‘bành trướng’ quyền lực, bất chấp doanh thu ở một số thị trường cốt cán sẽ có thể giảm”, Mike Rees phát biểu.
Lãnh đạo Standard Chartered cho hay, công cuộc tái cơ cấu lớn lần này nằm trong kế hoạch cắt giảm chi phí để chuyên môn hóa vào những sản phẩm và thị trường hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao nhất. Đối tượng Ngân hàng muốn nhắm đến ở đây là khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân ở các thị trường mới nổi như châu Á, châu Phi và Trung Đông.
“Động thái thay đổi sẽ đồng thời tác động tích cực đến tăng năng suất và sự cải tiến trong chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ mà phía Ngân hàng cam kết với khách hàng”, CEO Standard Chartered, ông Peter Sands nói.
Trở lại với sự ra đi của Richard Meddings, sau 11 năm gia nhập Ngân hàng Standard Chartered và vươn lên nắm giữ một trong những vị trí cao nhất, Meddings chứng tỏ tâm huyết và khả năng kiểm soát các vấn đề tài chính của Ngân hàng một cách suôn sẻ. Sau khi tin tức Meddings từ chức lan truyền ra ngoài, giới chuyên gia phân tích tỏ ý vô cùng ngạc nhiên khi lâu nay họ vẫn coi Meddings như là “đôi tay đáng tin cậy” trong lĩnh vực ngân hàng suốt 7 năm liền.
Việc phải đối mặt với những sự thay đổi lớn từ Ngân hàng thời gian qua đều đã nằm trong dự liệu của Richard Meddings. Sức ép giải quyết ổn thỏa số tiền 667 triệu USD với các nhà chức trách Mỹ về vấn đề giao dịch với khách hàng Iran trong 18 tháng qua đã trở nên quá tải đối với Meddings.
Bên cạnh đó, theo một thông tin bên lề, Cơ quan Giám sát thực thi quy định của Ngân hàng Trung ương Anh (PRA) đã yêu cầu Standard Chartered phải chuyển giao trách nhiệm quản lý rủi ro cho Giám đốc điều hành Sands thay vì để Richard Meddings điều khiển. Giới chức trách Anh Quốc lo ngại về một cuộc xung đột lợi ích có thể xảy ra nếu Meddings đồng thời nắm giữ cả hai quyền chức năng quản lý rủi ro và tài chính. Và có vẻ như đây là “giọt nước làm tràn ly”.
Trong thời gian điều hành, Meddings gần như chưa bao giờ để xảy ra sai sót. Tuy nhiên, khi khủng hoảng kinh tế diễn ra và nợ xấu ở nhiều quốc gia mới nổi đột ngột tăng mạnh khiến Standard Chartered gần như không thể kiểm soát. Lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, Richard Meddings phải chứng kiến mức lợi nhuận Ngân hàng giảm chưa từng thấy. Giá cổ phiếu bị sụt giảm 23%, do nhà đầu tư bày tỏ quan điểm rằng Standard Chartered đang định giá quá cao so với những đối thủ yếu hơn, nhưng có “màn lội ngược dòng” ngoạn mục sau khủng hoảng.
Trong một cuộc trao đổi với báo chí gần đây, vị giám đốc 58 tuổi người Anh thừa nhận thời điểm khiến ông đưa ra quyết định của mình là ngay sau đêm Giáng sinh và cho rằng, đã đến lúc ông nên rút lui và suy nghĩ về những dự định khác trong tương lai.
2013 có thể được xem là một năm không may mắn đối với Ngân hàng Standard Chartered khi nguyên nhân sâu xa dẫn đến con số doanh số và lợi nhuận giảm sút là do gặp phải những vấn đề tranh chấp với cơ quan quản lý tại Hàn Quốc, lợi thế cạnh tranh ở thị trường châu Á bị suy yếu và chậm chân trong dịch vụ chăm sóc khách hàng vào nửa cuối năm 2013.
Do đó, lãnh đạo Ngân hàng Standard Chartered bị buộc phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng 10% doanh thu hàng năm, trước khi giải quyết xong những vấn đề nổi cộm và phải chấm dứt hoạt động của nhiều chi nhánh làm việc kém hiệu quả ở một số quốc gia trong năm nay.
Trên thực tế, Standard Chartered vốn được coi là con tàu đầu ngành chèo lái xu thế xâm nhập đầu tư vào khu vực châu Á và các nước đang phát triển khác, khi 90% lợi nhuận của Ngân hàng đều đến từ những thị trường mới nổi màu mỡ này.
Thời kỳ khủng hoảng bùng nổ, Standard Chartered vẫn duy trì lợi thế tốt hơn hẳn so với một số đối thủ khác khi đã không cần đến bất kỳ gói cứu trợ nào từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, gần đây, Ngân hàng đối mặt với nguy cơ tăng trưởng ở những thị trường mới nổi có xu hướng chậm lại. Điều này làm dấy lên mối lo ngại từ các nhà đầu tư về vấn đề liệu Standard Chartered còn có thể tiếp tục gia tăng doanh thu hay không.
Với tình hình kinh doanh tiếp tục ảm đạm như hiện nay thì chắc chắn rằng, sự ra đi của Richard Meddings sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong bộ máy điều hành chung của toàn Ngân hàng, nếu không tìm được người thay thế phù hợp.