REE: Tiềm năng từ tài sản “ngầm”

(ĐTCK) Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đang sở hữu nhiều tài sản không được định giá theo giá thị trường, mà được định giá theo giá trị sổ sách, cách khá xa giá thị trường. 
REE: Tiềm năng từ tài sản “ngầm”

REE đã công bố đăng ký mua thêm 60 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) trong thời gian từ 26/12/2019 - 21/1/2020.

Nếu giao dịch thành công, REE sẽ sở hữu 103,28 triệu cổ phần VSH, nâng tỷ lệ sở hữu từ 21,01% lên 50,08%.

Điểm đáng chú ý về VSH là trong tổng tài sản 8.409,2 tỷ đồng có 7.492 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chiếm 89,1%.

Trong thuyết minh báo cáo tài chính quý III/2019, VSH không công bố cụ thể các dự án, nhưng trong thuyết minh báo cáo 6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp công bố tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 7.353,3 tỷ đồng, trong đó 7.242,9 tỷ đồng dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, 98 tỷ đồng dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 2 và 3.

Thủy điện Thượng Kon Tum có tổng công suất thiết kế 220 MW, sản lượng điện hàng năm dự kiến đạt 1.094 tỷ kW, được Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2006.

Dự án có tranh chấp với nhà thầu Trung Quốc đã ảnh hưởng tới tiến độ triển khai.

Năm 2010, VSH và tổ hợp nhà thầu Trung Quốc ký hợp đồng xây dựng hạng mục Tuyến năng lượng của dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, phía nhà thầu sau đó đã dừng công việc vì cho rằng, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Ngược lại, VSH cho rằng, nhà thầu vi phạm nghiêm trọng hợp đồng do chậm trễ thi công. Hai bên khởi kiện nhau.

Phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam ngày 10/4/2019 tuyên buộc VSH phải thanh toán và bồi thường cho tổ hợp nhà thầu Trung Quốc số tiền 2.163 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 14/11/2019, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã hủy phán quyết của trọng tài ngày 10/4/2019.

Thủy điện Thượng Kon Tum là dự án trọng điểm của VSH.

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2019, VSH đã bổ sung tổng vốn đầu tư dự án lên 9.428 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu tích nước vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2020; phát điện tổ máy 1 và 2 vào cuối tháng 3/2020.

Nếu như thực hiện đúng lộ trình này, dự án sẽ bổ sung dòng tiền tương đối tốt cho VSH nói riêng và REE nói chung.

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 202/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất, Điểm b, Khoản 1, Điều 15 quy định, khi công ty mẹ đạt được quyền kiểm soát công ty con là công ty liên kết của công ty mẹ và đã được trình bày theo phương pháp vốn chủ sở hữu, thì trên báo cáo tài chính hợp nhất công ty mẹ phải đánh giá lại giá trị khoản đầu tư theo giá trị hợp lý.

Phần chênh lệch giữa giá đánh giá lại theo giá trị hợp lý và giá trị khoản đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu được ghi nhận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.

Phần chênh lệch giữa giá trị khoản đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu và giá gốc khoản đầu tư được ghi nhận trực tiếp vào các chỉ tiêu thuộc phần vốn chủ sở hữu của bảng cân đối kế toán hợp nhất.

Áp dụng Thông tư 202 vào trường hợp của REE, nếu giao dịch mua thêm cổ phần thành công, REE sẽ sở hữu trên 50% VSH và VSH trở thành công ty con.

Trong báo cáo quý III/2019, REE ghi nhận đầu tư vào VSH là công ty liên kết với giá trị đầu tư 754,4 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 21,01%, ước tính giá vốn REE hạch toán VSH là 17.422 đồng/cổ phiếu.

Trên sàn chứng khoán, ngày 3/1/2020, cổ phiếu VSH được giao dịch ở mức giá 22.200 đồng/cổ phiếu.

Nếu REE tăng tỷ lệ sở hữu thành công, REE sẽ ghi nhận đánh giá lại chênh lệch khoản đầu tư này, ước tính giá trị khoản chênh lệch là 198,2 tỷ đồng.

Trường hợp giao dịch thành công trong tháng 1/2020, khoản doanh thu tài chính này sẽ được ghi nhận vào báo cáo quý I/2020 của REE.

Trong báo cáo lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, REE ghi nhận 1.242 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó quý I ghi nhận lợi nhuận 370,2 tỷ đồng, doanh thu tài chính 158,5 tỷ đồng, lợi nhuận tài chính lỗ 1,9 tỷ đồng.

Có thể thấy, khoản chênh lệch ước tính 198,2 tỷ đồng nêu trên là một khoản doanh thu tương đối lớn trong quý I/2020 nếu ghi nhận được.

Rủi ro trong quá trình M&A đối với REE là VSH vẫn đối mặt cuộc tranh đấu pháp lý chưa có hồi kết với liên minh tổ hợp nhà thầu Trung Quốc, ảnh hưởng tới chi phí đền bù (nếu có), cũng như tiến độ dự án Thủy điện Thượng Kom Tum.

Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới REE nếu như các bất lợi đối với VSH kéo dài, làm giảm giá trị tài sản của VSH nói riêng và tài sản của REE nói chung hậu M&A.

Được biết, REE đang đầu tư vào 20 công ty liên kết với tổng vốn đầu tư 6.376,8 tỷ đồng, chiếm tổng 35,7% tổng tài sản của doanh nghiệp. Khoản đầu tư vào VSH chỉ mang giá trị 749,5 tỷ đồng trong tổng 6.376,8 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết.

Việc ghi nhận giá trị đầu tư này chủ yếu là giá trị khoản đầu tư ban đầu và chưa thực hiện đánh giá lại theo giá trị thị trường.

Trong đó, một số khoản đầu tư đáng kể là Nhiệt điện Phả Lại (PPC) với giá trị 1.417,3 tỷ đồng, tương ứng với giá 18.307 đồng/cổ phiếu (hiện tại, cổ phiếu đang được giao dịch trên ngưỡng 25.000 đồng/cổ phiếu), hay Nước sạch Sông Đà với giá trị 764,2 tỷ đồng, Thủy điện Thác Mơ với giá trị 608,7 tỷ đồng.

Hàng năm, REE nhận cổ tức đều từ các doanh nghiệp sản xuất nước và điện. Các doanh nghiệp liên kết của REE không những tạo cổ tức đều cho doanh nghiệp, mà còn là tài sản chưa được định giá đúng, có khả năng cải thiện lợi nhuận một cách đáng kể khi REE thực hiện hoạt động M&A trong tương lai.

REE đang sở hữu nhiều tài sản không được định giá theo giá thị trường, mà định giá theo giá sổ sách, cách khá xa giá thị trường.

Có thể chính điều này là sức hút của cổ phiếu REE khi cổ đông Platinum Victory Pte. Ltd sẵn sàng chào mua công khai với giá 45.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều so với thị giá dao động trong khoảng 36.000 - 38.000 đồng/cổ phiếu.

REE: Tiềm năng từ tài sản “ngầm”  ảnh 1

Thông tin về công ty liên kết của REE 9 tháng đầu năm 2019.

Vũ Duy Bắc (bacduyvu@gmail.com)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục