RCEP: Bổ sung cơ hội phục hồi nền kinh tế cho các nước ASEAN+5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính thức được ký kết, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp các nước ASEAN và 5 quốc gia liên quan (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) đồng thời bổ sung cơ hội phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19
RCEP: Bổ sung cơ hội phục hồi nền kinh tế cho các nước ASEAN+5

Được ký kết trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch y tế Covid-19 gây ra, RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần bổ sung cơ hội phục hồi kinh tế cho các nền kinh tế thành viên.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Trưởng đoàn Quan chức cao cấp Việt Nam- ASEAN nhận dịnh việc ký kết Hiệp định RCEP sẽ tạo sức bật mới, cú hích mới cho phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là giữa các nước tham gia ký kết.

RCEP sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp các nước ASEAN và 5 quốc gia liên quan (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand).

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tin rằng, RCEP bổ sung cơ hội phục hồi kinh tế cho các nền kinh tế thành viên

Trước tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế cũng như đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân, việc ký Hiệp định RCEP thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các nền kinh tế thành viên trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện, tạo việc làm và tăng cường chuỗi cung ứng khu vực cũng như ủng hộ một thỏa thuận thương mại và đầu tư tự do, toàn diện, dựa trên luật lệ.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về RCEP cũng khẳng định Hiệp định RCEP là giải pháp cấp bách để ứng phó với đại dịch Covid-19 của khu vực và trong việc xây dựng khả năng tự cường thông qua quá trình phục hồi kinh tế bền vững hậu đại dịch.

Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế RCEP lần thứ 8 đã được tổ chức tại Hà Nội có sự tham gia của Bộ trưởng Kinh tế của 15 nước, các Bộ trưởng đã ghi nhận tầm quan trọng đặc biệt của Hiệp định RCEP trong bối cảnh bấp bênh về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các Bộ trưởng tin tưởng rằng việc ký kết RCEP sẽ là cơ sở để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và làm bền vững hơn cấu trúc của kinh tế khu vực, cũng như thể hiện sự ủng hộ của khu vực đối với Hệ thống thương mại đa phương mở, đồng bộ và dựa trên nguyên tắc. Hội nghị nhấn mạnh vai trò của RCEP trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế thế giới và khu vực.

Ỗng Nguyễn Anh Dương cho rằng, nói một cách ngắn gọn nhất, RCEP có thể bổ sung cơ hội cho phục hồi xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế - vốn đang là một ưu tiên kinh tế quan trọng đối với Việt Nam và nhiều nước trong khu vực trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Với riêng Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận RCEP đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand). Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến. Cùng với đó, Việt Nam có cơ hội nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Theo ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc, Phụ trách Dịch vụ doanh nghiệp tư nhân, Deloitte Việt Nam, nền kinh tế năm 2021 được dự báo tiếp tục chịu hệ lụy của dịch Covid-19, nhưng với những lợi thế của các hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là RCEP giúp cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp trong khu vực sẽ tiếp tục vững bước.

Bên cạnh đó, RCEP còn mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

Đại dịch y tế toàn cầu Covid-19 đã gây ra tác động lớn, càn quét, bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp toàn cầu. Các FTA mở ra như RCEP đang được ví như một trợ lực quan trọng giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội phục hồi, từng bước đưa doanh nghiệp trở lại đường đua, hội nhập quốc tế và tăng trưởng.

Song song với đó, doanh nghiệp để tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các nước trong RCEP, ông Bùi Tuấn Minh cho rằng một trong những công cụ hữu hiệu nhất để doanh nghiệp đi nhanh và hiệu quả chính là đầu tư theo hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế số. Đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của chuyển đổi số từ yêu cầu đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.

Ngân An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục