Rau quả xuất sang Trung Quốc mang về gần 2 tỷ USD trong 9 tháng

Cùng với các loại rau củ khác, 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, góp phần mang về gần 2 tỷ USD ngoại tệ trong 9 tháng 2017.
Thanh Long là 1 trong 8 loại trái cây tươi được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Thanh Long là 1 trong 8 loại trái cây tươi được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.

Rau quả Việt ùn ùn sang Trung Quốc

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 9/2017 mặc dù kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả giảm 13,1% so với tháng trước, đạt 279,9 triệu USD, nhưng vẫn  tăng 14% so với tháng 9/2016.

Lũy kế 9 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,6 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,99 tỷ USD, tăng 53,1% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng qua.

Với gần 2 tỷ USD ngoại tệ mang về trong 9 tháng đầu năm, đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm tới 76,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Hiện Việt Nam có 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu vào Trung Quốc (gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm), trong đó có 4 loại chiếm thị phần gần như tuyệt đối (từ 85-98%) tại thị trường này.

Môt số loại Việt Nam có khả năng sản xuất nhưng lại chưa được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc gồm măng cụt, bưởi da xanh, chanh leo...

Triển vọng xuất khẩu rau quả

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi trong năm 2017, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ..., nhu cầu tiêu thụ tăng vào các dịp nghỉ lễ, tết... sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu hàng rau quả trong các tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong dài hạn, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường tiêu dùng nhiều rau quả như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ... còn rất lớn khi thị phần của Việt Nam hiện còn thấp.

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ sẽ tăng tại các nước phát triển.

Vì vậy, có thể kỳ vọng hàng rau quả sẽ là một trong những nhóm hàng chủ lực để tạo bước đột phá trong xuất khẩu hàng nông, lâm thủy sản nói riêng và trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất với lợi thế về vị trí địa lý. Dự báo của FAO còn chỉ ra rằng, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc đối với rau quả có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2017 - 2020, với tỷ trọng chiếm 15,1% tổng tiêu thụ thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU, Mỹ, đặc biệt là các loại rau quả nhiệt đới.

Thị hiếu tiêu dùng của Trung Quốc cũng rõ nét hơn với người Quảng Tây ưa dùng thanh long ruột đỏ, nhãn, vải trái vừa phải, vị ngọt đậm; người miền Bắc Trung Quốc ưa dùng thanh long trái to, dưa hấu trái vừa phải 3-4 kg/quả, vị ngọt đậm...

Hàng rau quả là một trong những nhóm hàng chủ lực để tạo bước đột phá trong xuất khẩu hàng nông, lâm thủy sản nói riêng và trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó, với Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc, trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc cơ bản được hưởng thuế suất 0%, nhưng để mở cửa thị trường, cơ quan quản lý hai nước phải hoàn tất thủ tục đăng ký và đánh giá rủi ro theo quy định của AQSIQ; ngoài ra, mặt hàng này bị chỉ định cửa khẩu thông quan theo quy định của Trung Quốc.

Hiện nay, hàng rau quả chủ yếu được xuất khẩu sang Quảng Tây và Vân Nam rồi chuyển đi tiêu thụ trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Với nhu cầu tăng tiêu thụ trái cây nhiệt đới vào các dịp nghỉ lễ, tết cuối năm, dự kiến xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tích cực, riêng thanh long có khả năng giảm nhẹ do Trung Quốc cũng vào chính vụ thu hoạch.

Năm 2017, ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu 3 tỷ USD, tuy nhiên, hết 9 tháng đã mang về 2,6 tỷ USD. Hiệp hội Rau quả Việt Nam đưa ra dự báo khả quan rằng, xuất khẩu cả năm nay sẽ vượt mục tiêu từ 300-500 triệu USD.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục