Rát bỏng ghế nóng ngân hàng

Trước làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính ngày càng sôi động và quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng đang đi vào giai đoạn cuối, cuộc so găng giữa các ông chủ nhà băng để giữ chiếc ghế nóng ngày một rát bỏng…

Rát bỏng ghế nóng ngân hàng

Cuộc chiến “ngầm”

Càng về cuối quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, xem ra tình thế đang dần đảo lộn khi không chỉ có các nhà băng lớn “thâu tóm” ngân hàng nhỏ. Trên thị trường đang xuất hiện những trận chiến “ngầm” mà phía “cầm trịch” lại là “người tí hon”, nhưng có sức mạnh khổng lồ.

Thị trường thời gian qua đã chứng kiến thương vụ thâu tóm của nhóm cổ đông lớn, trong đó có đại gia Trầm Bê, khi nắm trọn trong tay hơn 50% cổ phần Sacombank trước khi công khai vào cuối năm 2011 và chính thức lên nắm quyền điều hành Sacombank kể từ kỳ Đại hội cổ đông quý I/2012. Sau thương vụ này, ông Đặng Văn Thành phải dứt “đứa con tinh thần”, rời chiếc ghế nóng tại Sacombank sau hơn 21 năm gây dựng và gắn bó.

Ba năm sau thương vụ trên, thị trường vẫn chưa hết bỡ ngỡ. Song đến thời điểm này, lại đang xuất hiện luồng thông tin cho rằng, sẽ có thêm một định chế tài chính nhỏ có thể chi phối ngân hàng quy mô lớn hơn nếu thương vụ M&A được hoàn tất. Định chế tài chính nhỏ đó là Nam A Bank - ngân hàng có vốn điều lệ chỉ ở ngưỡng 3.000 tỷ đồng và đang triển khai kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng.

Với mức vốn điều lệ như trên, Nam A Bank đang nằm trong top ngân hàng có quy mô vốn thấp nhất trong hệ thống và đang tự tái cơ cấu bằng nguồn lực của mình. Nam A Bank cho biết, họ đang tìm hiểu việc sáp nhập với một ngân hàng lớn và mọi kế hoạch M&A đang được đẩy nhanh để tiến đến “hôn nhân”.

Nam A Bank cho rằng, trong giai đoạn ngành ngân hàng đẩy mạnh tái cấu trúc, để nâng cao năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh, thì việc hợp sức cũng là điều cần thiết. Viễn cảnh thị trường chỉ còn lại dưới 20 ngân hàng không còn xa trước khi giai đoạn tái cấu trúc kết thúc vào cuối năm 2016. Vì thế, HĐQT Nam A Bank đang xây dựng văn kiện trình Đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp thường niên sắp diễn ra về kế hoạch M&A.

Bản thân Nam A Bank không đặt nặng vấn đề ai là “cô dâu” và ai là “chú rể”, miễn là tìm được đối tác phù hợp với chiến lược đi vào bán lẻ thực sự. Nam A Bank vẫn chưa tiết lộ đối tác đang tìm hiểu là ai, nhưng theo một nguồn tin đáng tin cậy, đó là một ngân hàng có quy mô vốn điều lệ trên 12.000 tỷ đồng (gấp 4 lần vốn hiện tại của Nam A Bank).

Tuy quy mô nhỏ, nhưng nhiều người biết rằng, phía sau Nam A Bank là thế lực của bà Nguyễn Thị Hường (Tư Hường) đứng đầu một gia tộc kinh doanh khét tiếng về nhiều lĩnh vực. Thêm vào đó, Nam A Bank đang có sự hậu thuẫn khi một số cổ đông lớn của nhà băng được đề nghị M&A bán lại cổ phiếu. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh của đối tác mà Nam A Bank đang tìm hiểu lại có phần sa sút trong 2 năm gần đây, do nợ xấu tăng.

Một cái tên khác được nhắc đến khá nhiều gần đây là Saigonbank - 100% vốn chủ sở hữu của Thành ủy TP.HCM cũng sắp về chung nhà với Vietcombank mà trước đó tưởng chừng Thành ủy sẽ “gom” chung với DongA Bank - vốn là ngân hàng có chung dáng dấp một chủ sở hữu với Saigonbank. Nhưng không chỉ Saigonbank phải sáp nhập vào Vietcombank, mà DongA Bank cũng đang đứng trước áp lực “về chung nhà” với một ngân hàng khác mà thị trường đang đồn đại là ABBank.

“Hôn nhân” trong lĩnh vực tài chính năm nay được dự báo sẽ có không ít thương vụ đình đám và không loại trừ một số ông chủ nhà băng đã có tên tuổi, thương hiệu phải rời ghế “nóng” chủ tịch. Trong đó, OceanBank là một trong những thương hiệu ngân hàng lâu năm đang đứng trước áp lực sáp nhập, sau khi Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm rơi vào vòng lao lý.

Trước đó không lâu, một nhân vật khác - ông Nguyễn Công Danh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) cũng không tránh được vòng xoáy này. Trở thành tân Chủ tịch VNCB bằng nguồn vốn tư nhân, với mục đích góp phần tái cơ cấu một ngân hàng nhỏ và yếu, song chưa đầy 1 năm khi nhà băng này vừa thay “áo” mới từ TrustBank, ông Danh đã bị bắt và đang chờ ngày hầu tòa.

Còn nhớ, cuối năm 2012, vụ việc của ACB từng gây chấn động thị trường khi một loạt cựu lãnh đạo cấp cao nhà băng này bị bắt… và ghế “nóng” chủ tịch được thay thế, với sự trở lại thương trường của ông chủ Trần Mộng Hùng và con trai Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB kể từ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2013 đến nay.

Có thể nói, chỉ sau 3 năm ngành ngân hàng đẩy mạnh chủ trương tái cấu trúc, M&A, thị trường tài chính đã có sự cải tổ đáng ghi nhận, khi đã loại bỏ dần những ngân yếu kém, siết sở hữu chéo và nhiều “đại gia” ngân hàng mất ghế “nóng”. Năm 2015, thị trường tài chính được đánh giá sẽ ổn định hơn so với năm 2014, nhưng sẽ có thêm một số tổ chức tín dụng phải sáp nhập, trong đó các ngân hàng cổ phần quốc doanh là trụ cột trong các cuộc sáp nhập đó.

Các chuyên gia lĩnh vực tài chính cho rằng, điều đó là phù hợp để từ đó hình thành được các định chế tài chính lớn cạnh tranh được với các định chế tài chính của các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore. Nếu không hình thành được các định chế tài chính như vậy thì khó có thể tránh được việc các tập đoàn tài chính ở các nước trên chi phối ngay trên thị trường Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn trong năm 2015 khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho biết, là kiên quyết xử lý những đơn vị yếu kém, kể cả phải sử dụng biện pháp giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc. “Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng hoàn thiện khung pháp lý, phê duyệt các thương vụ M&A trong 6 tháng đầu năm”, ông Thanh nói.

Cùng với đó. các quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN “siết” sở hữu chéo chính thức được áp dụng từ ngày 1/2/2015 sẽ là tiền đề cho một làn sóng M&A thứ hai đối với lĩnh vực ngân hàng năm nay. Các ông chủ nhà băng sẽ có lộ trình thoái vốn về mức sở hữu quy định tối đa 5% theo Thông tư 36. Vì vậy, các nhà băng có cùng dáng dấp chủ sở hữu như  Southern Bank - Sacombank; MDB - Maritime Bank hay Saigonbank - Vietcombank… nhiều khả năng sẽ nhanh chóng được Ngân hàng Nhà nước chính thức thông qua để tiến hành M&A năm nay.  

…và CEO không thể yên vị

Chính làn sóng M&A trong lĩnh vực ngân hàng đã kéo theo biến động lớn về nhân sự cấp cao tại các nhà băng, trong đó nhiều chiếc ghế “nóng” chủ tịch, CEO ở các ngân hàng đã thay đổi khá nhiều khi các thương vụ M&A kết thúc.

Chẳng hạn, tại Sacombank, khi lên nắm quyền ở kỳ Đại hội đồng cổ đông năm 2012, ông Trầm Bê đã đưa ông Phan Huy Khang lên vị trí CEO của nhà băng này sau 10 năm giữ ghế CEO của Southern Bank. Trong khi đó, Eximbank, chỉ hơn 7 tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, đã không dưới 3 lần thay CEO và người đương nhiệm hiện nay là ông Phạm Hữu Phú, kiêm Phó chủ tịch HĐQT.

Những cuộc biến động như vậy được dự báo sẽ chưa dừng lại, mà tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, kể cả với Eximbank. Trong năm 2015, nhiệm kỳ HĐQT hiện tại của Eximbank sẽ kết thúc để bầu lại HĐQT nhiệm kỳ mới, nên nhiều khả năng, cả ghế chủ tịch và CEO cũng sẽ có sự thay đổi.

Nói về áp lực khi ngồi vào ghế “nóng” CEO trong bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, không ít tổng giám đốc ngân hàng bộc bạch, đã qua rồi thời kỳ ngân hàng chỉ ngồi chờ khách hàng đến, hay lãi suất cho vay cao. Làm ngân hàng trong bối cảnh hiện giờ là phải đi “săn” để có khách hàng. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nhung, tân CEO VietBank cho rằng,  cả lãnh đạo và cán bộ, nhân viên phải chủ động mới có thể tìm được khách hàng tốt để cho vay, cũng như mở rộng được thị phần huy động. Cái khó đối với người làm ngân hàng trước bối cảnh tín dụng khó khăn, nợ xấu tăng chính là không dễ nhận diện được rủi ro. 

Áp lực lên vai CEO không chỉ là giữ vững thị phần, tìm kiếm khách hàng, mà phải luôn sáng suốt trong mọi quyết định, nhất là trước khi đặt bút ký các hợp đồng tín dụng. Thực tế thị trường thời gian qua cho thấy, không ít CEO vừa ngồi vào ghế “nóng” đã vội “tàn” khi vướng vào vòng lao lý như nguyên CEO NCB, ACB. Chính điều này cũng khiến không ít CEO ngân hàng “chùn tay” trong việc đẩy mạnh vốn cho vay.

Cựu CEO Eximbank, TS. Trương Văn Phước từng chia sẻ: “3 năm qua, các CEO ngân hàng mất ăn, mất ngủ là chuyện thường, do không chỉ họp ban ngày, mà còn cả ban đêm để có thể đưa ra quyết định sáng suốt trước khi đặt bút ký hợp đồng tín dụng”.

Là người giữ vị trí ghế “nóng” CEO của OCB gần 3 năm qua, ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết, xu thế phát triển ngân hàng hiện nay là phải đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Vì thế, các ngân hàng phải có sự đầu tư về công nghệ, mang lại những tiện ích tốt nhất thì mới có thể thu hút khách hàng. Không chỉ hoạt động tín dụng khó khăn, biên lợi nhuận trong cho vay giảm dần, mà chính sách trích lập dự phòng chặt chẽ đang là thách thức đối với khả năng sinh lời của các ngân hàng. 

Khó khăn càng lớn hơn với những ngân hàng đang tái cơ cấu và phải tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu này. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, CEO SCB cho rằng, quan trọng nhất là qua giai đoạn khó khăn này, ngân hàng phải tự cân đối và cơ cấu lại để tạo nền tảng cho sự đột phá tiếp theo. Do đó, lợi nhuận chưa bao giờ là vấn đề với SCB trong 2 năm vừa qua, thậm chí là trong 2 năm tiếp theo, bởi SCB vẫn trong quá trình tái cơ cấu và muốn tập trung nguồn lực để đẩy mạnh công việc này.

Thùy Vinh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục