Ráo riết chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho nhà máy điện hạt nhân

(ĐTCK-online) Theo kế hoạch, vào năm 2020, Việt Nam sẽ chính thức đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, song kế hoạch này chỉ có thể hoàn thành khi công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng cho nhà máy được kịp thời. Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao đổi với ĐTCK-online xung quanh vấn đề này.
Ông Vương Hữu Tấn

Thưa ông, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được tiến hành đến đâu rồi?

Để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, chúng ta phải chuẩn bị rất nhiều việc. Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ quan quản lý an toàn hạt nhân, xây dựng hệ thống các cơ sở hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, cũng như thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ... Tuy vậy, đây mới chỉ là một phần trong rất nhiều phần việc bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo tính khả thi của dự án. Tiếp theo đây, chúng ta còn phải xây dựng một hệ thống các cơ quan hỗ trợ kỹ thuật, chuẩn bị nhiên liệu hạt nhân, chuẩn bị nguồn tài chính, tìm giải pháp ứng phó sự cố, tai nạn bức xạ hạt nhân...

 

Trong rất nhiều phần việc đó, đâu là vấn đề gây lo lắng nhất?

Đó là vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Điện hạt nhân là một lĩnh vực công nghệ cao, nên đòi hỏi vấn đề an toàn rất chặt chẽ, từ việc lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, xây dựng, đến vận hành, bảo dưỡng và sau này là tháo dỡ. Chúng ta phải có đủ nguồn lực cho tất cả các khâu này. Mặc dù chúng ta sẽ xây dựng nhà máy theo phương thức hợp đồng chìa khoá trao tay với nước ngoài, nhưng muốn kiểm tra được ở bất kỳ khâu nào, thì phải có chuyên gia có đủ năng lực để làm việc ở khâu đó. Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các trường đại học cấp tốc thực hiện việc đào tạo đội ngũ chuyên gia này.

 

Còn vấn đề tài chính thì sao, thưa ông?

Theo dự kiến, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta sẽ được xây dựng với công suất 2.000 Mwe và tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Hiện tại, cơ chế, chính sách về tài chính và đầu tư liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển điện hạt nhân, cũng như khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia... đang được các ngành chức năng xây dựng. Tôi cho rằng, 4 tỷ USD là một số vốn lớn, nhưng khi đã có chính sách cụ thể để thu hút vốn thì vẫn có thể lo được.

 

Để nhà máy điện hạt nhân vận hành tốt, vấn đề nhiên liệu hạt nhân sẽ được giải quyết như thế nào?

Chúng ta sẽ phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ, đó là chuẩn bị chương trình nội địa hoá sản xuất nhiên liệu từ uran nhập khẩu và nghiên cứu sử dụng thương mại tài nguyên trong nước cho chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia. Ngoài ra, Viện Năng lượng nguyên tử cũng đang cùng Viện Công nghệ xạ hiếm triển khai một chương trình để đảm bảo cung cấp nhiên liệu ổn định cho các nhà máy điện hạt nhân.

 

Thưa ông, có lẽ còn một vấn đề quan trọng nữa là phải xây dựng hệ thống các cơ sở hỗ trợ kỹ thuật đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân...?

Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, bắt buộc phải có một hệ thống các đơn vị sự nghiệp thực hiện chức năng của cơ quan hỗ trợ kỹ thuật có đủ năng lực, nhằm thực hiện các nghiên cứu về an toàn hạt nhân, thực thi các nhiệm vụ về thẩm định, phân tích, đánh giá an toàn dự án điện hạt nhân. Hệ thống hỗ trợ này sẽ giúp tư vấn về những vấn đề nảy sinh, cung cấp thiết bị và dịch vụ kiểm định cần thiết, cũng như phân tích kỹ thuật để chẩn đoán các vấn đề trong thực hiện dự án... Tất nhiên, đơn vị sự nghiệp này phải là một cơ quan độc lập, không chịu sự chi phối của cơ quan quản lý an toàn hạt nhân, chủ đầu tư xây dựng, để các đánh giá mang tính khách quan.

Hải Yến thực hiện
Hải Yến thực hiện

Tin cùng chuyên mục