Nhiều điểm nghẽn
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Đại Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị INTECH Group cho hay, những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia đón nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào khá cao nhờ những lợi thế như nhân công dồi dào, giá rẻ, môi trường chính trị ổn định, môi trường đầu tư thông thoáng...
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cũng có không ít rào cản thu hút dòng vốn này. Chẳng hạn, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ cần đầu tư mới nhà máy, nhân công, dây chuyền sản xuất… để phù hợp với vị trí đầu tư và quan trọng nhất là chuỗi cung ứng của nhà đầu tư cũng cần có sự dịch chuyển theo khi đặt nhà máy ở một quốc gia khác. Song, hiện nay, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn chưa phát triển khiến việc cung ứng cho chuỗi sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp ở gần những đô thị lớn, khu vực trung tâm thành phố hay nội thành gần như đã được lấp đầy và giá thuê cao. Những vị trí xa hơn tuy có quỹ đất trống nhưng lại chưa giải phóng mặt bằng xong, nên chưa có quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư.
Một điểm nghẽn nữa được chỉ ra đó là thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, thời gian kéo dài, mà theo ông Thắng, để nhận được giấy phép xây dựng hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà đầu tư phải chờ từ 6 - 12 tháng.
“Ngoài ra, cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp tại Việt Nam dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đủ hiện đại so với các khu công nghiệp, khu kinh tế trong khu vực và quốc tế, hay việc chúng ta có nguồn lao động dồi dào nhưng lại thiếu lao động chất lượng cao…”, ông Thắng nói.
Còn theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam diễn ra quá nhanh khiến giá đất tại một số khu vực trọng điểm tăng cao đột biến, các cơ sở sản xuất mất nhiều chi phí đầu tư ban đầu. Các vị trí gần khu vực trọng điểm dù nhiều tiềm năng nhưng chưa đón được dòng vốn đầu tư, nên Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng của khu vực kinh tế trọng điểm và khu vực lân cận trong làn sóng dịch chuyển đầu tư này.
Hiện khoảng 5,8% GDP được dành để phát triển hạ tầng, nhưng Việt Nam vẫn còn cách khá xa trong việc phát triển một mạng lưới cơ sở hạ tầng tích hợp, từ các cảng biển nước sâu, sân bay… tới các đường cao tốc kết nối liên vùng. Thời gian từ lúc lập kế hoạch đến khi hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm thường kéo dài từ 3-5 năm, nên việc kéo nhà đầu tư ra xa khu vực kinh tế trọng điểm gặp trở ngại bởi tâm lý chờ đợi hạ tầng hoàn thiện mới dịch chuyển.
Việt Nam đang tập trung thu hút các ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật cao, nhưng lực lượng lao động chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu lao động có tay nghề cao hoặc trong phân tầng quản lý, giám đốc cấp cao.
Ngoài ra, chế độ an sinh xã hội hỗ trợ lực lượng sản xuất chính tại các nhà máy chưa đủ tốt, đồng bộ, đa số lao động phổ thông di cư từ các vùng nông thôn đến khu kinh tế trọng điểm, môi trường sống chưa đảm bảo, các dịch vụ an sinh chưa hỗ trợ đủ, người lao động chưa tập trung được vào việc an cư và nâng cao tay nghề, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.
Nhà xưởng xây sẵn của Gaw NP Industrial. Ảnh: Thành Nguyễn |
Giải pháp nào?
Theo bà Trang Bùi, mối quan tâm của các các nhà đầu tư, khách thuê quốc tế hiện nay ngoài tìm được khu đất đủ lớn, thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa, với chi phí đầu tư phù hợp…, điều được ưu tiên hàng đầu là sự minh bạch, bởi nếu thị trường không có đủ thông tin và dữ liệu, giao dịch chậm và quyền sở hữu đất đai không rõ ràng thì sẽ khó phát triển.
“Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang được thống trị bởi nhà đầu tư nội địa, nên hầu hết nhà đầu tư nước ngoài tham gia thông qua các thương vụ liên doanh và M&A, chứ không phải là các giao dịch bất động sản thuần túy. Nguồn tiền đầu tư không hề thiếu, nhưng vấn đề nằm ở cơ hội. Các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều vốn, đang chờ được đầu tư vào bất động sản công nghiệp. Họ muốn hợp tác với các nhà đầu tư địa phương, nhưng giao dịch cần diễn ra nhanh chóng”, bà Trang Bùi nói.
Còn ông Cao Đại Thắng cho hay, với các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo quỹ đất sạch sẵn sàng bàn giao cho nhà đầu tư, đồng thời hoàn thiện, nâng cao hệ thống cơ sở kỹ thuật hiện đại để tăng tính cạnh tranh với các khu công nghiệp khác trên thế giới.
Từ góc nhìn của một đơn vị chuyên tư vấn đầu tư khu công nghiệp, ông Nguyễn Đình Nam, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến và Hợp tác đầu tư Việt Nam (IPA Vietnam) cho rằng, thời gian qua, thị trường đề cập nhiều tới sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhất là từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng trên thực tế, hoạt động này diễn ra không mạnh mẽ như kỳ vọng, một phần do nền công nghiệp phụ trợ còn nhiều hạn chế.
“Việt Nam có lợi thế nhất trong khu vực Đông Nam Á về vị trí địa lý, kinh nghiệm kiểm soát đại dịch Covid-19 và chi phí đầu vào còn thấp. Tuy nhiên, chi phí nhân công và gia thuê đất đai đang trong xu hướng tăng, nên trong 3-5 năm tới các lợi thế này sẽ không còn tối ưu nữa. Thay vào đó, Việt Nam phải tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, chuỗi cung ứng. Nhà đầu tư ngoại đang muốn tận dụng giai đoạn thuận lợi này để tối ưu hóa các lợi thế, nhưng nếu chúng ta không ‘lớn kịp’ thì chưa chắc 5 năm sau câu chuyện đầu tư nước ngoài còn nở rộ như hiện tại”, ông Nam lưu ý.