Rạng Đông liệu có kiệt quệ?

(ĐTCK) Với thực tế đã diễn ra trong 2 tuần kể từ sau sự cố cháy nhà xưởng của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Rạng Đông) gây ra nhiều hệ lụy và đang được dư luận coi là “thảm họa môi trường”, có thể thiệt hại sẽ lớn hơn đáng kể so với con số ước tính ban đầu 150 tỷ đồng, thậm chí Rạng Đông có thể trở nên kiệt quệ khi phải chịu trách nhiệm về hậu quả của vụ cháy liên quan đến môi trường. 
Rạng Đông liệu có kiệt quệ?

Trong văn bản mới nhất vừa gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) theo yêu cầu của cơ quan này, Rạng Ðông chính thức công bố thiệt hại sau vụ cháy xảy ra ngày 28/8/2019 tại cơ sở sản xuất Hạ Ðình (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) là 150 tỷ đồng, không thay đổi so với con số đã phát đi trước đó (ngày 29/8/2019).

Theo thông báo của Rạng Ðông, sự cố hỏa hoạn xảy ra tại bộ phận sản xuất bóng đèn dây tóc, đèn CFL và một kho thành phẩm tại cơ sở sản xuất Hạ Ðình. Mức thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng, dưới 5% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Hiện nay, Rạng Ðông có hai cơ sở sản xuất là Hạ Ðình và nhà máy 2 tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh.

Tuy nhiên, thông tin về công suất cụ thể của từng nhà máy không xuất hiện tại báo cáo thường niên 2018 - là một trong những tài liệu cung cấp thông tin về doanh nghiệp và đáng chú ý là báo cáo này được lập khá sơ sài, không theo chuẩn mực quy định.

Liên quan đến thông tin này, website của Rạng Ðông cho biết, công suất của Công ty là hơn 150 triệu sản phẩm chiếu sáng/năm. Trong đó, đèn led đang là mảng đóng góp chủ đạo với tỷ trọng 80% doanh số.

Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, Rạng Ðông ghi nhận 1.804 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 96 tỷ đồng, tăng hơn 20%, lần lượt hoàn thành 49,8% và 60,4% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm.

Trong cơ cấu doanh thu, bóng đèn (gồm đèn led và đèn compact, đèn huỳnh quang) đóng góp tỷ trọng 77%, phích nước 20% và 3% là từ hoạt động khác.

Về năng lực tài chính, tính đến 30/6/2019, Rạng Ðông có tổng tài sản 2.782 tỷ đồng.

Trong đó, tồn kho là 1.069 tỷ đồng, chiếm 38,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn là 855,7 tỷ đồng, chiếm 30,8%; tiền là 538,5 tỷ đồng, chiếm 19,4%; tài sản cố định là 299,3 tỷ đồng, chiếm 10,8%.

Trong hàng tồn kho, chiếm phần lớn là nguyên liệu với 523,1 tỷ đồng, tiếp đến là thành phẩm với 412,6 tỷ đồng và chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang là 132,3 tỷ đồng.

Tài sản cố định của Rạng Ðông gồm nhà cửa, kiến trúc nguyên giá là 191,99 tỷ đồng, đã khấu hao và chỉ còn 27,98 tỷ đồng; nhà máy, thiết bị nguyên giá 603,7 tỷ đồng, đã khấu hao còn 198,1 tỷ đồng.

Tổng tài sản cố định hữu hình nguyên giá 854,3 tỷ đồng, đã khấu hao chỉ còn 257,8 tỷ đồng.

Các nhà máy đã trích lập khấu hao tương đối lớn, trong khi lượng tiền mặt tại quỹ là 538,5 tỷ đồng - đủ để Công ty đầu tư khôi phục sản xuất.

Với năng lực tài chính hiện tại, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Rạng Ðông không bị đe dọa sau vụ cháy, nhưng trong trung và dài hạn, điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi sản xuất và tiếp tục bán hàng của Công ty.

Theo thông báo của Rạng Ðông, khối sản xuất đèn led ở cơ sở Hạ Ðình an toàn sau vụ cháy, nhưng với thực tế hiện nay, khu vực nhà xưởng này có khả năng sẽ phải cách ly để khử độc, nên hoạt động sản xuất đèn led khó có thể sớm khôi phục.

Bên cạnh đó, khả năng thanh toán nợ trong trung và dài hạn của Rạng Ðông còn phụ thuộc vào việc phát sinh các nghĩa vụ tài chính khác cần chi trả ngay, mà khoản nhìn thấy trước là đền bù tài chính bước đầu cho nhà dân xung quanh bị hư hỏng do vụ cháy.

Xa hơn và lớn hơn là trách nhiệm tiềm tàng đền bù thiệt hại theo thỏa thuận, hay theo phán quyết của tòa án (nếu có) cho các bên bị thiệt hại ảnh hưởng trực tiếp, cũng như gián tiếp do vụ cháy.

Mặc dù điều này đến nay vẫn chưa đo đếm được bởi còn chờ kết luận của các cơ quan chức năng.

Tổng nguồn vốn Rạng Ðông đang sử dụng là 2.782 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 1.459,8 tỷ đồng, còn lại là vốn chủ sở hữu 834,5 tỷ đồng và các nguồn vốn khác.

Rạng Ðông vay ngân hàng là chủ yếu, trong đó vay tại Vietcombank (hội sở) là 402,3 tỷ đồng, VietinBank (chi nhánh Ðống Ða) là 254,96 tỷ đồng, MBBank (chi nhánh Ðống Ða) là 212,3 tỷ đồng, SCB (chi nhánh Hà Nội) là 188,2 tỷ đồng và một số ngân hàng khác.

Ngoài ra, Rạng Ðông có quyền sở hữu các bất động sản là nhà máy ở Bắc Ninh, chi nhánh Ðà Nẵng, chi nhánh Cần Thơ, Văn phòng TP.HCM, chi nhánh Tiền Giang, chi nhánh Biên Hòa, chi nhánh Nha Trang với giá trị sổ sách ước tính 28 tỷ đồng. Ðây cũng là một nguồn lực mà Rạng Ðông có thể sử dụng khi cần thiết.

Trên thị trường chứng khoán, so với mức đáy 72.000 đồng/cổ phiếu được xác lập trong tuần xảy ra vụ cháy, giá cổ phiếu RAL của Rạng Ðông đã tăng trở lại gần 77.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần qua.

Tuy nhiên, so với giá cổ phiếu thời điểm trước khi cháy nhà xưởng là 84.000 đồng, Rạng Ðông với vốn điều lệ 115 tỷ đồng thì giá trị vốn hóa giảm khoảng 150 tỷ đồng, tương đương với con số thiệt hại ước tính ban đầu, tức phản ánh thiệt hại rủi ro theo tỷ lệ 1:1.

Các rủi ro, thiệt hại vật chất do đình đốn sản xuất, trách nhiệm đền bù phát sinh khác chưa được phản ánh.

Giá cổ phiếu RAL đang được hỗ trợ bởi ngưỡng kỹ thuật là mức giá thấp nhất trong 3 năm qua.

Nhưng những diễn biến thực tế cho thấy, Rạng Ðông có thể đối mặt với rủi ro thiệt hại gia tăng và hệ lụy có thể kéo dài. Mặt khác, việc công bố thông tin ra thị trường của Rạng Ðông cũng không được đánh giá cao khi nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo thiệt hại của Rạng Ðông lên HOSE không có thông tin mới có giá trị tham khảo, mà chỉ mang tính đối phó khi cơ quan này có văn bản yêu cầu.

Vũ Duy Bắc - Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục