Rắn biến thành "quả trứng" sau khi đi ăn trộm trứng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Rắn được mệnh danh là kẻ đánh cắp những quả trứng trong thế giới hoang dã.
Rắn biến thành "quả trứng" sau khi đi ăn trộm trứng

Frank De Beer, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về thế giới động vật hoang dã, đã bắt được những cảnh quay tuyệt đẹp về việc một con rắn đi trộm trứng.

Theo như lời kể của Frank, hôm đó anh cùng nhóm bạn đang thư giãn, cùng nhau tận hưởng những tách cà phê nóng hổi và ngắm nhìn quang cảnh tuyệt đẹp bên cạnh một con hồ. Sau quãng thời gian thư thái, tái tạo năng lượng, nhóm bạn đang chuẩn bị dọn đồ để đi về thì bỗng nhiên nghe thấy tiếng kêu thảm thiết của những con chim Blacksmith Lapwings. Đây là một loài chim tương đối phổ biến và thường được tìm thấy ở các vùng thảo nguyên châu Phi.

Sở dĩ có tên gọi Blacksmith là bởi tiếng kêu đặc trưng của loài chim này hơi giống tiếng búa sắt đập. Chúng là loài động vật có tính bảo vệ lãnh thổ cao, thậm chí là bảo vệ quá mức những chiếc tổ của mình.

Khi đến gần tổ chim, đoàn khách du lịch bỗng nhiên phát hiện thấy một con rắn cũng đang có cùng ý định. Với kinh nghiệm của mình, Frank biết rắn cực kỳ khoái món trứng của các loài động vật khác nên anh đoán rằng sắp có màn kịch hay để xem.

Đúng như dự đoán, đàn chim cảm nhận được nguy hiểm cận kề liền ngay lập tức chuyển sang chế độ chiến đấu. Cùng lúc, đàn chim hò nhau tấn công liên tục lên người kẻ xâm phạm. Tuy nhiên, con rắn tỏ ra vô cùng gian xảo và lì lợm. Không chỉ thế, với tốc độ và sự nhanh nhẹn của bản thân, con rắn không những né được những đợt tấn công dồn dập mà còn tóm gọn một trong những quả trứng trong ổ.

Ngay lập tức, con rắn thi triển tuyệt kỹ nuốt trọn chiến lợi phẩm vào trong miệng. Toàn bộ khoảnh khắc thú vị đó đã được ống kính của Frank quay trọn.

Khả năng nuốt trọn con mồi to gấp nhiều lần là một trong những đặc tính cực kỳ độc đáo của loài rắn. Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra, rắn sử dụng một nhóm xương sọ, dây chằng và cơ chuyên biệt để mở hàm rộng hết mức có thể, giúp chúng săn con mồi lớn hơn nhiều so với kích thước bản thân. Chính độ mở hàm đặt ra giới hạn về kích thước con mồi rắn có thể ăn.

Lớp da siêu co giãn giữa hai hàm dưới cho phép chúng nuốt chửng những con vật thậm chí còn lớn hơn những gì mà chỉ riêng bộ hàm cơ động của chúng cho phép. Không giống như hàm dưới của con người và các loài động vật có vú khác, xương hàm dưới của rắn không hợp nhất mà chỉ được kết nối lỏng lẻo với một dây chằng đàn hồi, cho phép miệng của chúng mở rộng hơn.Sau khi ngoạm mồi nuốt trọn con mồi, bước tiếp theo rắn làm là đẩy con mồi dọc theo đường tiêu hóa. Chất dịch ở dạ dày giúp rắn phân hủy các mô. Khi ăn con mồi nhỏ, rắn có thể dùng hàm đẩy giun hoặc chuột xuống đường tiêu hóa. Nhưng với bữa ăn lớn, rắn sử dụng xương ở đầu và hàm để dồn con mồi xuống bụng.

Sau khi kiếm được bữa ăn, con rắn nhanh chóng biến mất vào trong bụi rậm để lại đàn chim với nỗi buồn vô hạn.

Qui Ánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục