Phiên tòa được mở do cả 2 bên đều có đơn kháng án bản án sơ thẩm ngày 23/7/2020. Nguyên đơn là Licogi 13 E&C.
Theo nội dung vụ án, năm 2009, Licogi 13 thành lập công ty con là Licogi13 E&C trên cơ sở tách chi nhánh xây dựng của Licogi 13. Do đó, có một số hợp đồng kinh tế liên quan đến các công trình gồm Tòa nhà trụ sở văn phòng và căn hộ cao cấp cho thuê (quận Thanh Xuân, Hà Nội – gọi tắt là tòa nhà 27 tầng); cửa lấy nước thủy điện Bản Chát, Thủy điện Sông Tranh và Xi măng Bút Sơn được chuyển giao cho Licogi13 E&C tiếp tục theo dõi, quản lý và thực hiện.
Đối với dự án tòa nhà 27 tầng, Licogi 13 là chủ đầu tư. Để thực hiện dự án, từ năm 2009 - 2012, Licogi 13 và Licogi13 E&C đã ký kết 4 hợp đồng thi công gói thầu.
Dự án hoàn thành, hai bên đã đối chiếu và xác định giá trị quyết toán là 169 tỷ đồng. Licogi 13 đã thanh toán số tiền 151 tỷ đồng, hiện còn nợ 18 tỷ đồng. Licogi13 E&C khởi kiện ra tòa, yêu cầu Licogi 13 phải thanh toán số tiền 20,7 tỷ đồng gồm nợ gốc và lãi.
Sau đó, Licogi13 E&C bổ sung đơn kiện, yêu cầu công ty mẹ phải thanh toán số tiền là 29 tỷ đồng.
Licogi 13 cho rằng, hai bên đã ký 5 hợp đồng với giá trị quyết toán là 169 tỷ đồng. Licogi13 E&C đã xuất hóa đơn theo hồ sơ quyết toán tạm thời với số tiền 167 tỷ đồng. Licogi 13 đã thanh toán 165 tỷ đồng nên hiện nay chỉ còn nợ Licogi13 E&C số tiền 1,7 tỷ đồng.
Theo Licogi 13, Công ty chưa thanh toán số tiền trên vì hai bên còn các hợp đồng khác liên quan đến 3 công trình gồm thủy điện Bản Chát, Sông Tranh và xi măng Bút Sơn. Với 3 công trình trên, Licogi 13 đã thanh toán vượt quá giá trị phần khối lượng mà Licogi13 E&C đã thi công là 32 tỷ đồng.
Vì vậy, Licogi 13 có đơn phản tố, đề nghị Licogi13 E&C phải trả số tiền 32 tỷ đồng.
Năm 2020, tòa sơ thẩm đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Licogi13 E&C, buộc Licogi 13 phải thanh toán số tiền 43 tỷ đồng gồm nợ gốc và lãi. Đồng thời buộc Licogi13 E&C phải thanh toán cho Licogi 13 số tiền 836 triệu đồng.
Những khoản tiền trên được xem xét theo các hợp đồng giữa hai bên để thi công tòa nhà 27 tầng, xi măng Bút Sơn, thủy điện Bản Chát. Riêng hợp đồng tại Sông Tranh 2 do công trình chưa quyết toán nên tòa sơ thẩm không xem xét và giành quyền khởi kiện cho Licogi 13 tại vụ kiện khác.
Không đồng tình với bản án trên, hai bên đồng loạt kháng cáo. Licogi 13 yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Còn Licogi13 E&C kháng án yêu cầu sửa bản án sơ thẩm.
Vênh số liệu
Theo Licogi 13, đơn khởi kiện do ông Lại Thế Xuân ký trên cơ sở giấy ủy quyền của HĐQT của Licogi13 E&C. Nhưng hiện nay, Licogi13 E&C không có người đại diện theo pháp luật một cách hợp pháp.
Bởi lẽ, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp năm 2009, ông Xuân là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Licogi13 E&C. Đến ngày 19/8/2013, HĐQT Licogi13 E&C đã có quyết định miễn nhiệm chức danh giám đốc công ty với ông Xuân. Như vậy, ông Xuân chỉ tham gia tố tụng theo ủy quyền, không thể thay mặt doanh nghiệp ký đơn khởi kiện.
Mặt khác, Licogi 13 cho rằng bản án sơ thẩm có sai sót về số học, thiếu tính logic như tổng giá trị quyết toán là 169 tỷ đồng, Licogi13 E&C đã thừa nhận được thanh toán 149 tỷ đồng thì phải còn lại là “19 tỷ đồng” nhưng bản án sơ thẩm lại đưa ra kết quả “29 tỷ đồng”. Hoặc, số tiền nợ gốc mà tòa buộc Licogi 13 phải trả là 37 tỷ đồng không rõ được tính toán như nào, liên quan đến công trình nào…
Về phía Licogi13 E&C khẳng định, đến nay công ty chưa có văn bản thay đổi người đại diện pháp luật nên ông Xuân ký đơn khởi kiện và tham gia tố tụng là hợp pháp.
Tại phiên tòa phúc thẩm do xuất hiện thêm tình tiết mới nên HĐXX quyết định tạm ngừng để thu thập chứng cứ.
Báo Đầu tư chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.