Muốn trả bằng, phải bàn giao công việc
Theo phản ánh của ông Tùng, ông vào làm việc tại CTCK Woori CBV từ tháng 2/2007 với vị trí nhân viên giao dịch, sau đó là kế toán tổng hợp và được bổ nhiệm làm Kế toán trưởng vào năm 2008. Khi vào làm việc, ông Tùng phải nộp bằng đại học bằng gốc và 16 triệu đồng tiền đặt cọc, nhưng không phải bằng tiền mặt mà được khấu trừ vào lương và thưởng. Ngày 1/6/2010, ông Tùng có nộp đơn xin nghỉ việc tới ông Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Woori CBV, nhưng suốt một tháng, Công ty không đưa người vào nhận bàn giao công việc. Đến ngày 1/7/2010, hợp đồng lao động của ông Tùng với CTCK hết hiệu lực, nhưng Công ty vẫn không đưa người nhận bàn giao công việc hay ký tiếp hợp đồng lao động. Đến ngày 15/8/2010, ông Tùng nghỉ việc tại Công ty. Từ đó đến nay, ông Tùng đã nhiều lần yêu cầu Công ty giải quyết yêu cầu, nhưng vẫn không được đáp ứng.
Ngày 23/8/2011, Báo ĐTCK đã có cuộc làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hạnh, Giám đốc Hành chính Nhân sự CTCK Woori CBV. Bà Hạnh cho biết, do đặc thù hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, liên quan đến tiền bạc của NĐT, nên Công ty chủ trương quản lý chặt chẽ nhân sự thông qua việc yêu cầu nộp bằng cấp bản gốc và khoản tiền bằng 2 tháng lương. Đây là thỏa thuận dân sự giữa người lao động và Công ty, nếu không đồng ý thì Công ty không nhận vào làm việc.
"Chỉ khi nào người lao động bàn giao công việc, không còn bất cứ vướng mắc gì thì Công ty sẽ trả lại bằng cấp và tiền", bà Hạnh nói. Chính vì chính sách kể trên nên một số người nghỉ việc tại Công ty do chưa thực hiện bàn giao nên vẫn bị giữ lại bằng tốt nghiệp và tiền, chờ đến khi giải quyết xong.
Liên quan đến trường hợp nguyên Kế toán trưởng Nguyễn Đức Tùng, bà Hạnh cho hay, tháng 7/2010, ông Tùng đã nộp đơn xin nghỉ việc để đưa con đi khám bệnh. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, thực tế trong thời gian này, ông Tùng đã đi làm việc cho công ty khác. Hết thời hạn trong giấy xin nghỉ việc không lương, ông Tùng đã không quay lại làm việc và cũng không thực hiện bàn giao công việc. Sau đó, Woori CBV đã có nhiều lần gửi văn bản mời ông Tùng tới để bàn giao công việc, chốt số liệu kế toán, nhưng ông Tùng vẫn không tới. Theo ông Tùng, ông chỉ thực hiện bàn giao công việc trong thời hạn nộp đơn xin nghỉ việc, hết thời hạn này, ông không có trách nhiệm đến Woori CBV để bàn giao công việc.
Vì đâu nên nỗi?
Trong thời gian làm việc tại Woori CBV trên cương vị Kế toán trưởng, ông Tùng cho biết, năm 2008, Woori CBV có thực hiện một số sản phẩm tài chính như ứng trước tiền mua chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán… Cũng theo ông Tùng, trong quá trình làm việc, ông phát hiện ra một số biểu hiện không minh bạch giữa tiền CTCK cho NĐT vay với tiền của NĐT, giữa NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính và NĐT không sử dụng dịch vụ này. Công ty có tình trạng lợi dụng tiền của NĐT khác để thực hiện nghiệp vụ đòn bẩy. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng NĐT sử dụng đòn bẩy bị "cháy" tài khoản, để lại các khoản lỗ cho Công ty.
Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định, việc chưa bàn giao công việc tại Woori CBV không liên quan đến những vấn đề về tài chính. Theo ông Tùng, có đến mấy chục người đang trong tình trạng nghỉ việc không được Woori CBV trả bằng cấp bản gốc giống như ông.
Ông Tùng cho biết, Kế toán trưởng Woori CBV hiện tại vốn là cán bộ kế toán tại công ty này trước đây, nên đã nắm được quy trình công việc. Do đó, vấn đề ông Tùng nghỉ việc không ảnh hưởng gì nhiều đến công việc của Woori CBV.
Không bình luận trực tiếp việc ông Tùng không bàn giao công việc kế toán trưởng có liên quan đến các vấn đề tài chính hay không, ông Vũ Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Woori CBV cho rằng, việc chậm trễ bàn giao có nhiều nguyên nhân. Hiện Woori CBV đang tiến hành xử lý các công việc liên quan theo đúng các quy định pháp luật. Cuối năm 2010, Công ty đã có đơn khởi kiện ông Tùng ra tòa để giải quyết vụ việc này.
ĐTCK sẽ chuyển đến bạn đọc khi có những thông tin diễn biến tiếp theo.