Rắc rối câu chuyện Airbnb tại chung cư

(ĐTCK) Mô hình kết nối người cần thuê phòng, thuê nhà với chủ hộ (Airbnb) đang nở rộ. Tuy nhiên, việc kinh doanh căn hộ cho thuê tại chung cư đang mang đến không ít phiền toái.
Rắc rối câu chuyện Airbnb tại chung cư

Nhiều phiền toái…

Mới đây, vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ở chung cư Mipec Riverside (Long Biên, Hà Nội), câu chuyện kinh doanh căn hộ theo mô hình Airbnb làm dấy lên không ít lo ngại cho cư dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện tại Mipec Riverside có khoảng 70 căn hộ được dùng để kinh doanh theo mô hình này. Và những phiền toái, nguy cơ mất an toàn được đẩy lên cao trào khi cả Hà Nội và cả nước đang gồng mình chống dịch.

Cụ thể, những ngày đầu tháng 3, tại chung cư này liên tục có các nhóm khách thuê là người nước ngoài tìm đến thuê căn hộ. Ví dụ, ngày 6/3, có một đoàn khách gồm 6 người Ấn Độ tìm đến lưu trú tại căn B2504. Điều đáng nói, chủ nhân căn hộ này lại hoàn toàn không nắm được tình hình, không có mặt để nhận khách. Lý do đưa ra là “tưởng khách đã hủy đặt phòng”.

Một trường hợp khác, vào ngày 7/3, cũng tại căn hộ này, có một khách thuê người Myanmar đã tự ý ra vào chung cư mà không hề thông báo với bộ phận lễ tân, ban quản lý, ban quản trị.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp chủ cho thuê và khách thuê căn hộ theo mô hình Airbnb tại Mipec không thực hiện khai báo và không tuân thủ các quy định của chung cư, quy định về an toàn thời dịch Covid-19.

Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Quang Trung, Trưởng ban Quản trị chung cư Mipec Riverside cho biết, việc kinh doanh căn hộ Airbnb tại chung cư đang có nhiều bất cập cả cho người Việt Nam và người nước ngoài. Airbnb đang gây ra nhiều xáo trộn, mất an toàn và đặt Ban quản trị vào thế khó. Việc có nhiều người cả trong và ngoài nước ra vào chung cư một cách không kiểm soát không chỉ gây ra khó khăn trong công tác quản lý, mà còn là một mối đe dọa về sức khỏe và an ninh cho cộng đồng.

Theo ông Trung, tình trạng khách thuê căn hộ Airbnb sử dụng bóng cười, mở nhạc ẩm ĩ và xả rác không đúng nơi quy định vẫn diễn ra. Thậm chí, có trường hợp, khách thuê còn lấy trộm bình xịt khuẩn, xả rác bừa bãi…

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc kinh doanh căn hộ cho thuê tại chung cư cũng đang khiến nhiều cư dân lo lắng, nhất là vấn đề kiểm soát lịch trình di chuyển, sức khỏe của khách thuê trong giai đoạn có dịch như hiện nay.

… có nên tạm dừng kinh doanh airbnb?

Dù có nhiều căn hộ cho thuê, nhưng đến nay, theo đại diện Ban quản trị chung cư, dù đã nhiều lần yêu cầu các chủ hộ khai báo, nhưng chỉ có một vài hộ thực hiện, trong đó việc thực hiện khai báo chưa đúng quy định vẫn còn phổ biến, khiến cho công tác quản lý, theo dõi vô cùng vất vả.

Cách đây ít ngày, có trường hợp hai khách thuê Hàn Quốc tìm đến chung cư khá muộn, khoảng 10h đêm. Vị khách này liên hệ với chủ căn hộ không được, bảo vệ lại không biết ngoại ngữ nên đã phải cầu cứu Ban quản trị.

“Ba thành viên Ban quản trị đã phải hỗ trợ liên hệ tìm phòng ở khu vực quận Long Biên. Tuy nhiên, do là giai đoạn nhạy cảm, chủ nhà nghỉ, khách sạn đều từ chối tiếp nhận. Chúng tôi đã phải rất vất vả mới cùng vị khách này tìm được chỗ ở. Do chủ căn hộ cho thuê bỏ rơi khách, nên chúng tôi buộc phải đứng ra hỗ trợ, vì người ta không có lỗi, họ tìm đến trong hoàn cảnh đêm hôm, rét mướt, cùng là con người với nhau nên mình buộc phải giúp, dù việc đó nằm ngoài chức năng của Ban quản trị”, ông Trung cho biết thêm.

Rắc rối câu chuyện Airbnb tại chung cư ảnh 1

Kinh doanh Airbnb đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Ảnh:Thành Nguyễn

Câu chuyện trên chỉ là một trong nhiều trường hợp mà việc kinh doanh Airbnb ở chung cư khiến các bên rơi vào tình huống khó xử. Cư dân cũng có ý kiến cho rằng, việc kinh doanh căn hộ cho thuê cần phải tuân thủ các quy định chung của chung cư. Đặc biệt, các chủ hộ không thể đẩy trách nhiệm phục vụ khách hàng cho đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà hay Ban quản trị.

Đứng trước việc lựa chọn an toàn cho cộng đồng và kinh doanh Airbnb, mới đây, Ban quản trị chung cư Mipec Riverside đã ban hành nghị quyết tạm dừng các hoạt động kinh doanh căn hộ theo mô hình này. Đây được coi là một trong các giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.  

Và câu chuyện quản lý

Kinh doanh căn hộ cho thuê tại chung cư đang phát sinh không ít vấn đề cần được tháo gỡ. Không chỉ về an toàn sức khỏe cho cộng đồng cư dân thời dịch bệnh và cả các câu chuyện khác như an ninh trị an, các vấn đề thuế phí với Nhà nước.

Trên thực tế, các căn hộ kinh doanh theo mô hình này vẫn đang được hưởng giá điện, giá nước theo giá sinh hoạt, trong khi đúng ra, các hạng mục này phải được cung cấp và sử dụng theo giá kinh doanh.

Trong chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về câu chuyện thu thuế với các hộ kinh doanh Airbnb, luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon cho rằng, Airbnb đã thuộc vào trường hợp tổ chức nước ngoài kinh doanh và có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Do đó, Airbnb là đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Để cụ thể hóa Thông tư 103/2014/TT-BTC, ngày 18/1/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 848/BTC-TCT hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến như Agoda.com, Traveloka.com, Booking.com, Expedia.com… Các dịch vụ này cũng tương tự như Airbnb.

Tuy nhiên, nhìn nhận về triển vọng thu thuế từ mô hình này, luật sư Long cho rằng, không dễ để thu thuế từ Airbnb (cả với pháp nhân là công ty nước ngoài phát sinh thu nhập tại Việt Nam hay với các hộ tham gia mô hình kinh doanh này). Bởi trên thực tế, trường hợp khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú ở Việt Nam, sau đó cơ sở lưu trú trả tiền hoa hồng môi giới đặt phòng cho công ty có trụ sở tại nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam (NTNN), thì cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai, nộp thuế thay cho NTNN.

Còn trường hợp khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho NTNN, sau đó NTNN chuyển tiền phòng cho cơ sở lưu trú và giữ lại tiền hoa hồng được hưởng thì: Đối với trường hợp cơ sở lưu trú và NTNN đã ký hợp đồng, cơ sở lưu trú có trách nhiệm thông báo cho NTNN biết nghĩa vụ thuế và khai, nộp thuế nhà thầu thay NTNN; đối với trường hợp cơ sở lưu trú và NTNN chưa ký hợp đồng, cơ sở lưu trú phải xác định rõ nghĩa vụ thuế của NTNN khi ký hợp đồng và cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai, nộp thuế nhà thầu thay cho NTNN.

Tuy nhiên, điều này là không hề dễ khi các chủ căn hộ cho thuê thường không khai báo việc kinh doanh này.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thành Nguyễn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục