Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng hợp các vướng mắc, bất cập cần sửa đổi của Luật Doanh nghiệp.
“Những quy định có tính cải cách trong Luật Doanh nghiệp 2020 như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp tự chủ về con dấu; có nhiều người đại diện theo pháp luật; góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng tài sản… đã tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường, tổ chức hoạt động kinh doanh, thể hiện rất rõ tư tưởng về quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trong quá trình áp dụng, một số quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc, cần được xem xét sửa đổi”, VCCI bày tỏ quan điểm trong văn bản này.
Các nội dung đề xuất sửa đổi liên quan đến người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức; Thời điểm có hiệu lực của những thay đổi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Định giá tài sản góp vốn; Biên bản họp Hội đồng thành viên; Góp vốn bằng tài sản; Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; Tính chịu trách nhiệm của chủ sở hữu công ty TNHH MTV khi không góp đủ vốn;Rút vốn và giảm vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV; Tỷ lệ thành viên tối thiểu tham gia cuộc họp Hội đồng thành viên công ty TNHH một thành viên…
Đây là những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp kể từ khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.
Ai có quyền triệu tập họp HĐQT ngoài Chủ tịch HĐQT
Theo khoản 4 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp Chủ tịch HĐQT chết, mất tích, bị tạm giam, … thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên giữ chức Chủ tịch HĐQT theo nguyên tắc đa số thành viên còn lại tán thành cho đến khi có quyết định mới của HĐQT.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định rõ về việc ai có quyền triệu tập cuộc họp này, việc tổ chức cuộc họp bầu lại được tiến hành thế nào (có yêu cầu số lượng thành viên tối thiểu dự họp như quy định tại Khoản 8 Điều 157).
Đây là lý do các doanh nghiệp kiến nghị bổ sung quy định cụ thể về vấn đề thẩm quyền triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị, việc tổ chức cuộc họp bầu lại Chủ tịch Hội đồng quản trị trong trường hợp đề cập tại khoản 4 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020. VCCI đề xuất phương án có thể áp dụng cơ chế một trong số các thành viên Hội đồng quản trị được triệu tập họp các thành viên còn lại để bầu Chủ tịch (như trường hợp Công ty TNHH tại Khoản 4 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2020).
Luật Doanh nghiệp không quy định chủ thể có thẩm quyền chấp thuận đơn từ chức của thành viên Hội đồng quản trị.
Vì, điểm b khoản 1 Điều 160 Luật Doanh nghiệp quy định Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp “có đơn từ chức và được chấp thuận”. Trong trường hợp, đơn từ chức không được chấp thuận thì Đại hội đồng cổ đông cũng không có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị.
Đề nghị quy định rõ chủ thể chấp thuận đơn từ chức của thành viên Hội đồng quản trị và tiêu chí để chấp thuận hoặc không, VCCI kiến nghị.
Ngày ghi nhận sự thay đổi là ngày nào
Câu hỏi tưởng như đơn giản, nhưng lại rất khó trả lời trong thực tiễn thực thi. Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Doanh nghiệp “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi”.
Vấn đề khiến doanh nghiệp lúng túng là là Luật không quy định rõ ngày ghi nhận sự thay đổi là ngày nào. Vì hiện đang có hai ngày liên quan trực tiếp đến nội dung thay đổi, một là ngày ghi trong các quyết định của doanh nghiệp và một là ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trên thực tế, ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đang được xem là ngày những thay đổi này có hiệu lực để đảm bảo công khai thông tin và bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba (mặc dù không có quy định rõ ràng nào về vấn đề này).
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI để đề nghị sửa đổi điều khoản trên, Công ty TNHH Yahamaha Motor Việt Nam đã nhắc đến vướng mắc khi thực hiện thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Cụ thể, doanh nghiệp ban hành quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo pháp luật sẽ đảm nhiệm kể từ một ngày cụ thể, ở đây là ngày 10/3 ban hành quyết định, ngày người đại diện theo pháp luật mới sẽ đảm nhiệm từ ngày 01/4.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 27/3.
Như vậy, với các mốc thời gian trên thì thời gian có hiệu lực của việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ngày nào, ngày 01/4 hay là ngày 27/3?
Thêm nữa, các doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Vậy “ngày có thay đổi” ở đây được xem là ngày ban hành quyết định/nghị quyết (ngày 01/3) hay là ngày người đại diện theo pháp luật bắt đầu đảm nhiệm chức vụ theo quyết định (ngày 01/4)?
Sự không rõ ràng này khiến Yahamaha Motor Việt Nam gặp khó trong hoạt động kinh doanh trong khoảng thời gian từ 27/3 đến 30/3 do cơ quan đăng ký kinh doanh đã cập nhật thông tin của người đại diện theo pháp luật mới…
Vì, nếu xem ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là ngày có hiệu lực của sự thay đổi thì nội dung về ngày bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật trong quyết định/nghị quyết của doanh nghiệp là không có ý nghĩa và doanh nghiệp không thực hiện được quyền của mình trong việc lựa chọn và quyết định ngày thay đổi người đại diện theo pháp luật.
Còn nếu xác định là ngày ghi trong quyết định/nghị quyết của doanh nghiệp thì cần phải quy định rõ ngày nào được cho là ngày có thay đổi các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và VCCI, Công ty kiến nghị làm rõ ngày có thay đổi là ngày doanh nghiệp có quyết định thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Thủ tục thay đổi thông tin của doanh nghiệp FDI
Việc ghi nhận thông tin của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại cả Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng đang là vấn đề các doanh nghiệp FDI hay gặp phải.
Theo cơ chế hiện tại về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài dẫn đến rất nhiều khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp khi cần đăng ký điều chỉnh thông tin của mình.
Ví dụ, khi đăng ký tăng vốn điều lệ (đồng thời là vốn góp của dự án đầu tư), doanh nghiệp phải đăng ký sửa đổi cả Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Hay khi thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện cả thủ tục thông báo thay đổi ngành nghề tại cơ quan đăng ký kinh doanh và thủ tục đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư.
Ngoài ra, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI cũng đặt vấn đề pháp luật hiện hành không quy định rõ là cần thực hiện thủ tục tại cơ quan đăng ký kinh doanh hay tại cơ quan đăng ký đầu tư trước đối với những trường hợp nêu trên.
“Điều này dẫn đến cách giải thích, áp dụng khác nhau tại mỗi địa phương. Đề nghị nghiên cứu để đảm bảo tính rõ ràng, thống nhất khi thực hiện hai thủ tục này”, VCCI gửi khuyến nghị.
Sẽ bãi bỏ, thay thế những quy định bất hợp lý
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị VCCI đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Vì trong quá trình theo dõi thực hiện Luật Doanh nghiệp, Bộ đã nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về một số nội dung liên quan như: Một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành; một số nội dung cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư.
Đặc biệt, trong Dự thảo Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.
Cụ thể, định hướng sửa luật theo hướng kế thừa, phát huy các tác động của các cải cách trong các phiên bản Luật Doanh nghiệp trước đây; đảm bảo thi hành đầy đủ và nhất q uán những cải cách của Luật Doanh nghiệp; sẽ sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định bất hợp lý, có mâu thuẫn pháp luật hoặc không còn phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; sửa đổi các quy định chưa rõ, có cách hiểu khác nhau...
Bộ cũng đã tổng hợp 25 nhóm vấn đề đang cần được làm rõ, chỉnh sửa...