Rà soát dự án bất động sản: Sóng ngầm đã nổi!

Trong chiến dịch rà soát dự án bất động sản đang diễn ra, nhà đầu tư cầm chắc rủi ro khi đánh cược gia sản khi góp vốn vào dự án chưa đủ thủ tục.
Đầu tư vào Dự án  B5 Cầu Diễn, nhà đầu tư có thể lâm vào cảnh “trắng tay”. Ảnh: Hà Quang Đầu tư vào Dự án B5 Cầu Diễn, nhà đầu tư có thể lâm vào cảnh “trắng tay”. Ảnh: Hà Quang

Nhà đầu tư trong… bóng tối!

Trước chiến dịch rà soát các dự án bất động sản và đề xuất thu hồi hàng chục dự án bất động sản chậm tiến độ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và xây lắp Hòa Bình - HIDIC (tiền thân là Công ty cổ phần đầu tư Sông Đà Toàn Cầu) mới đây đã phải khuyến cáo: “Dự án Khu nhà ở Green House tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang trong giai đoạn rà soát quy hoạch, chưa được giao đất, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, do đó mọi hình thức liên quan đến giao dịch chuyển nhượng dự án đều bất hợp pháp. Mọi thông tin rao bán, chuyển nhượng, góp vốn đều là mạo danh và trái pháp luật”.

Dự án Green House có diện tích 13,1 ha, nằm trên địa bàn 2 thôn Phương Viên và Phương Bảng, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Công trình được chủ đầu tư dự kiến khởi công từ quý II/2008, hoàn thành vào quý IV/2011. Tuy nhiên, như trên chúng tôi đã đề cập, đến nay, dự án vẫn chưa được giao đất. Với thông báo này, HIDIC phủ nhận mọi liên quan đến các khách hàng, nhà đầu tư góp vốn vào dự án; đồng thời khẳng định các yếu tố pháp lý của dự án là chưa rõ ràng.

Việc HIDIC ra thông báo bắt nguồn từ việc một số công ty nhận là nhà đầu tư thứ cấp góp vốn đầu tư vào dự án Green House và thực hiện huy động vốn từ khách hàng cá nhân. Theo những thông tin mà chúng tôi có được, số tiền của một doanh nghiệp tự nhận là có góp vốn đầu tư vào Dự án Green House lên đến hơn 40 tỷ đồng. Đơn vị này đã đứng ra huy động vốn từ các khách hàng cá nhân với hợp đồng “giấy trắng, mực đen”. Khi được hỏi về tư cách pháp nhân của nhà đầu tư với Dự án Green House, bên góp vốn cho biết, có hợp đồng hợp tác hẳn hoi. Tuy nhiên, văn bản duy nhất mà đơn vị này đưa ra lại chỉ là 1 tờ giấy biên nhận viết tay với nội dung “ Để góp vốn hợp tác đầu tư vào Dự án Green house”.

Theo nhà đầu tư này, khoản tiền góp vốn vào Dự án Green house, một phần huy động từ khách hàng cá nhân, phần còn lại là tài sản gia đình, anh em hùn hạp với mong muốn, sau khi dự án hoàn tất thủ tục đầu tư sẽ chuyển nhượng lại kiếm lời. Tuy nhiên, với việc dự án bị đình trệ từ năm 2009 đến nay, tất cả các cổ đông đều rất lo lắng; đặc biệt là với những chứng cứ pháp lý này, một khi dự án bị thu hồi, nhà đầu tư thứ cấp sẽ rất khó khăn để đòi lại vốn góp.

Thiệt hại là khó tránh

Câu chuyện về việc nhà đầu tư gặp rắc rối khi góp vốn vào Dự án Green House chỉ là một ví dụ nhỏ về những góc khuất trong thị trường bất động sản đang có hàng trăm dự án trong diện phải rà soát quy hoạch hiện nay.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Hoài Đức, Toàn huyện Hoài Đức hiện có 65 dự án khu đô thị, khu nhà ở mới, khu tái định cư, khu nhà ở xã hội với tổng diện tích đất là 2.837,88 ha. Trong đó có 57 dự án nhà ở thương mại với diện tích 2.811,22ha; 6 dự án khu tái định cư với diện tích 7,22 ha; 2 dự án khu nhà ở xã hội với diện tích 19,44 ha.

Theo ông Dương Đức Tuấn – Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, hiện việc triển khai thực hiện các dự án khu đô thị mới trên địa bàn huyện thời gian qua gặp nhiều khó khăn; đặc biêt, các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn huyện Hoài Đức. Trong số 65 dự án kể trên, có 35 dự án được cấp phép từ trước thời điểm 01/8/2008. Các dự án này đều thuộc đối tượng phải thực hiện rà soát quy hoạch cho phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội do vậy tiến độ thực hiện rất chậm; nhiều dự án phải dừng lại đến nay phải thực hiện trình tự thủ tục đầu tư xây dựng lại từ đầu. Dự án Green House của Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và xây lắp Hòa Bình cũng nằm trong số này.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cũng vừa hoàn thành kết luận thanh tra hàng loạt dự án vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, trình UBND TPHà Nội chỉ đạo lập hồ sơ thu hồi đất và gia hạn để chủ đầu tư có thời gian khắc phục sai phạm. Trong đó, 2 dự án đã bị UBND TP. Hà Nội ra quyết định thu hồi dự án rộng 32.490m2 của Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương Phú Đa ở xã Đức Thượng, Hoài Đức; đang lập hồ sơ thu hồi đất vi phạm của dự án xây dựng khu dịch vụ thương mại xã Mỹ Đình do UBND phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư. 49 dự án khác kiến nghị gia hạn với thời gian chậm tiến độ từ 12 đến 24 tháng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, tổng số dự án Vành đai 2 của Hà Nội đến Vành đai sông Nhuệ là xấp xỉ 750 dự án. Trong đó có hơn 200 dự án, đồ án nằm trong Vành đai xanh sông Nhuệ thuộc diện hạn chế xây dựng. Những huyện có số đồ án quy hoạch rất lớn như huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai (trong khu vực có dự án đường Vành đai IV chạy qua) mỗi địa phương đều có hàng trăm dự án bất động sản, trong đó chủ yếu là dự án nhà ở, khu đô thị. Nếu các dự án bị khép lại theo đúng quy hoạch, sẽ có không ít nhà đầu tư lâm vào cảnh “trắng tay”.

Một số dự án được Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội kiến nghị gia hạn:

- Dự án tổ hợp văn phòng, thương mại và nhà ở Mai Trang Complex Tower tại số 16 đường Phạm Hùng, H. Từ Liêm, TP. Hà Nội của Công ty TNHH Mai Trang.

- Dự án Khu biệt thự sinh thái tại thị trấn Đông Anh của Công ty cổ phần Du lịch thương mại Cổ Loa.

- Dự án Khu hỗn hợp 55 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển nhà số 7 Hà Nội là chủ đầu tư.

- Dự án Khu nhà ở cán bộ nhân viên Vicostone tại Khu dân cư Bắc Phú Cát, xã Thạch Hòa, Thạch Thất do Công ty cổ phần Vicostone là chủ đầu tư.

- Dự án Khu nhà ở Xuân Đỉnh, huyện Bắc Từ Liêm do Công ty cổ phần thi công cơ giới xây lắp là chủ đầu tư.

- Dự án nhà ở cao tầng tại 22 tại Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư.

Hà Quang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục