Ra mắt Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing phiên bản tiếng Việt

0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing phiên bản tiếng Việt ra mắt sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam truy cập dễ dàng, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt có nội dung tập trung vào một số lĩnh vực chính và có tiềm năng như nông sản, thủy sản, da giầy, thực phẩm, thiết bị xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dược phẩm... Hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt có nội dung tập trung vào một số lĩnh vực chính và có tiềm năng như nông sản, thủy sản, da giầy, thực phẩm, thiết bị xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dược phẩm...

Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC, thuộc Liên Hợp quốc) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing phiên bản tiếng Việt ” tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing đã được Trung tâm ITC phối hợp với Cục Xúc tiến đưa vào kế hoạch hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Đối phó với hàng rào phi thuế quan” từ năm 2018. Ngoài các hoạt động nâng cao năng lực, huấn luyện giảng viên, chuyên gia về lĩnh vực hàng rào phi thuế quan, Dự án còn đặc biệt tập trung vào hỗ trợ triển khai Hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt

Đây là lần đầu tiên ePing có ngôn ngữ không chính thức của WTO. Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với ITC, WTO, Văn phòng SPS, văn phòng TBT tại Việt Nam và Đại học Ngoại thương triển khai Hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt này.

Các thông báo quan trọng được dịch sang tiếng Việt và một số giải thích về tác động tiềm tàng trong các quy định nước ngoài đối với hoạt động của doanh nghiệp địa phương cũng được thực hiện. Cho đến nay, dự án thí điểm này đã địch 50 thông báo trong ngành Thủy sản và Da giày – 2 nhóm ngành được ưu tiên thực hiện trước. Các thông báo SPS và TBT liên quan đến nông sản gồm trái cây và rau quả sẽ sớm dịch.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc cập nhật các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) tại thị trường nước ngoài. Qua cuộc khảo sát doanh nghiệp của ITC vào năm 2019, rào cản ngôn ngữ là một trong những thách thức lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong 2 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự gia tăng mạnh về số lượng hàng rào kỹ thuật trong bối cảnh thuế quan liên tục giảm theo các cam kết WTO và FTA.. Khi mức thuế trung bình trên thế giới giảm theo các cam kết thì các thông báo về hàng rào kỹ thuật TBT và SPS lại có xu hướng tăng mạnh. Do đó, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp, Hệ thống còn hỗ trợ các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu triển khai các hoạt độngnâng cao năng lực cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, sát với thực tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu ePing hỗ trợ tạo điều kiện việc tuân thủ các yêu cầu liên quan đến quy định về an toàn và sức khỏe, các quy định về sản phẩm, quy trình thử nghiệm và chứng nhận, các biện pháp cần thiết khác để tiếp cận thị trường quốc tế. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, việc theo dõi sự thay đổi về yêu cầu về sản phẩm tại các thị trường mục tiêu là việc quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến sự thành công hay thất bại của hoạt động kinh doanh và xuất khẩu.

Hệ thống ePing phiên bản tiếng Việt có nội dung tập trung vào một số lĩnh vực chính và có tiềm năng như nông sản, thủy sản, da giầy, thực phẩm, thiết bị xây dựng, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dược phẩm, thiết bị điện… Những nội dung về cảnh báo từ các ngành nghề và lĩnh vực này được dịch sang tiếng Việt giúp cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức truy cập dễ dàng, tiết kiệm thời gian và nguồn lực để tiếp cận gần hơn với thương mại quốc tế.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc tiếp cận thông tin và hoạt động tư vấn về hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu được thực hiện thông qua Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TBT), Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) và Cục Xúc tiến thương mại. Các đơn vị này cũng được ITC và WTO hỗ trợ kỹ thuật để sử dụng thành thạo hệ thống ePing, đảm bảo tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục