Quýt làm, cam chịu?
Năm 2012, các DN kinh doanh cà phê tại Đắc Lắk và một số tỉnh thành khác đã ký nhiều hợp đồng mua cà phê của các DN như: Phước Bảo, Phát Đại Long, Song Long Đạt, Hồng Minh Đạt… Mọi việc diễn ra suôn sẻ khi cơ quan thuế thừa nhận đó là giao dịch hợp pháp và cho phép khấu trừ thuế GTGT theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng đến nửa cuối năm 2013, các DN kinh doanh cà phê bất ngờ nhận được một loạt công văn, quyết định truy hoàn thuế, với số tiền truy thu lên tới gần 100 tỷ đồng. Lý do mà Cục thuế Đắc Lắk đưa ra là các hóa đơn của một số DN bán cà phê phát hành là các hóa đơn khống, nên giao dịch liên quan đến các DN này đều trở thành giao dịch bất hợp pháp.
Điều đáng nói là, tại thời điểm kiểm tra, xác minh hóa đơn của các bên, chính cơ quan thuế (như Cục thuế Đắk Lắk hay Chi cục thuế quận Phú Nhuận, TP. HCM) đã xác nhận hoá đơn của các bên là hợp pháp và chấp nhận cho hoàn thuế. Các DN kinh doanh cà phê cũng đã ký kết hợp đồng mua bán, giao nhận, thanh toán và xuất hoá đơn hợp lệ, hợp pháp. Khi mua hàng, các DN chỉ biết rằng, đối tác đang làm ăn bình thường, hoá đơn bán hàng của đối tác không thuộc diện hạn chế phát hành. Các DN kinh doanh cà phê không có trách nhiệm và cũng không thể có cách thức hay khả năng nào tiên đoán được những vi phạm chưa biểu hiện ra hoặc do bắc cầu đến các giao dịch trước đó. Vậy mà khi cơ quan thuế phát hiện ra vi phạm gian lận thuế của các đơn vị từ những khâu trước, lại quay sang “bắt vạ” các DN ngay thẳng ở khâu sau. Các DN kinh doanh cà phê chết đứng và không thể lý giải nổi khi những hợp đồng làm ăn hợp pháp từ những năm 2012 đến nay lại bị truy thu thuế GTGT, với những lý do từ lỗ hổng đâu đó của pháp luật trong việc quản lý của cơ quan thuế.
Nhìn từ góc độ pháp luật, các DN xuất khẩu cà phê tại Đắc Lắk đã đáp ứng đủ hai điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT theo quy định tại Điều 15, Thông tư số 06/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đó là “có hoá đơn GTGT hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mua vào” và “có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hoá nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên”. Nhưng Cục thuế tỉnh Đắc Lắk lại viện dẫn chính văn bản này để ban hành các công văn, quyết định về truy hoàn thuế đối với các DN kinh doanh cà phê. Điều này liệu có đúng cơ sở và hợp pháp?
Truy hoàn trách nhiệm
Trong khi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế mới chỉ có các công văn chỉ đạo về việc tạm dừng việc hoàn thuế, mà chưa đề cập đến việc truy hoàn thuế, thì Cục thuế tỉnh Đắc Lắk đã ban hành quyết định truy hoàn thuế đối với các DN kinh doanh cà phê và yêu cầu phải tiến hành nộp thuế trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra quyết định. Nếu theo đúng quy định tại Điều 48 - Nộp thuế trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện, Luật Quản lý thuế, dù quyết định truy thu đó đúng hay sai, DN vẫn phải chấp hành trong thời hạn quy định.
Trước tình cảnh này, DN kinh doanh cà phê trở nên điêu đứng vì tiền thuế GTGT đã hoàn cho đối tác theo hợp đồng đã ký, không biết lấy tiền đâu để một mặt tiếp tục kinh doanh, một mặt hoàn lại cho cơ quan thuế. Nếu đã truy hoàn của DN, mà sau đó lại truy thu được của kẻ gian lận thuế thì Nhà nước đã lạm thu 2 lần và liệu có trả lại cho DN hay không? Và tự dưng DN phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nộp lại cho cơ quan thuế, thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về việc hạch toán, báo cáo kết quả kinh doanh từ lãi thành lỗ của DN?
Nếu thuế bị thất thu do không thu được của DN gian lận, thì Nhà nước phải chịu thiệt hại, bởi tội phạm đã chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, chứ không phải là chiếm đoạt của DN kinh doanh cà phê xuất khẩu. Những hành vi phạm pháp và những thiệt hại không do DN được hoàn thuế gây ra, thì không thể bắt các DN này phải gánh chịu. Ai làm nấy chịu, chứ không thể bắt DN làm đúng phải chịu trách nhiệm thay cho DN làm sai pháp luật. Đây không phải là chuyện may rủi trong việc kinh doanh, nên không thể xử lý theo kiểu “quýt làm càn, cam chịu thuế”.