“Quyết sách cải cách cần thực hiện mạnh hơn”

(ĐTCK) “Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản được Chính phủ đặt ra trong năm 2014 kỳ vọng cao hơn so với tình hình thực tế, nhưng nó cũng không quá lạc quan và điều này giúp Chính phủ có những động lực mạnh mẽ hơn trong công tác điều hành”.
Ông Sandeep Mahajan Ông Sandeep Mahajan

Đó là quan điểm của ông Sandeep Mahajan, tân Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.

Trong Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam vừa công bố, WB nhận định, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã tốt hơn, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn trong xu hướng giảm. Tại sao lại có những nhận định có vẻ như trái ngược nhau như vậy?

Như chúng ta thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mấy năm qua không tốt bằng những năm 90 và đầu thập kỷ 2000. Có nhiều lý do dẫn đến việc này: Thứ nhất, Việt Nam đã trở nên giàu hơn so với trước đó, trở thành nước có thu nhập trung bình, mà thường là khi ở mức độ thấp sẽ dễ tăng trưởng cao hơn.

Thứ hai, nhu cầu trên thế giới giảm mạnh do kinh tế suy thoái, trong khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao, nên cũng bị ảnh hưởng nặng.

Thứ ba, có một số nguyên nhân khác liên quan đến vấn đề cơ cấu kinh tế của Việt Nam, tốc độ cải cách chưa được nhanh như mong muốn trong lĩnh vực ngân hàng, DNNN...

Thứ tư, điều kiện tài chính, ngân sách hiện nay không được rộng rãi để làm nhiều việc và cuối cùng, có thể cần thêm những chính sách mạnh hơn để thu hút đầu tư tư nhân.

Chỉ số lạm phát 11 tháng đầu năm 2013 được cho là rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Thay vì tìm hiểu làm sao lạm phát lại thấp, chúng ta sẽ đặt ngược lại vấn đề là làm sao lạm phát lại cao trước đó? Có hai yếu tố rất quan trọng là, giá các loại lương thực, thực phẩm tăng cao trong những năm qua, mà như chúng ta biết, lương thực, thực phẩm chiếm tới 40% trong rổ hàng hóa tính CPI.

Bên cạnh đó là chính sách tiền tệ, điều kiện tín dụng cũng khá lỏng lẻo khiến lạm phát lõi tăng cao trong những năm qua.

Thời gian gần đây, chiều hướng ngược lại của hai yếu tố này khiến lạm phát đã giảm và ở mức thấp

.

Chính phủ dự kiến GDP năm 2014 là 5,8% và đã được Quốc hội thông qua, vậy tại sao WB lại dự báo chỉ ở mức 5,4%. Bên cạnh đó, có vẻ như các dự báo của WB bi quan hơn so với các nhà đầu tư nước ngoài? Đâu là lý do cho sự khác biệt này, thưa ông?

Tôi nghĩ sự khác biệt đó là do giả định của hai bên đặt ra khác nhau, nên kết quả cuối cùng khác nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chỉ tiêu của Chính phủ hoàn toàn có thể đạt được nếu nền kinh tế thế giới tốt hơn so với hiện nay và quá trình cải cách trong nước được thực hiện triệt để hơn, nhanh hơn, mạnh hơn.

Rất khó để so sánh nhận định của WB với các nhà đầu tư nước ngoài, vì mỗi một tổ chức lại có những nguồn thông tin khác nhau. Đối với WB, có 2 yếu tố chính để đưa đến các dự báo: thứ nhất, những phân tích về nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào. Dù gần đây, tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn trên thế giới khả quan hơn sẽ ảnh hưởng tốt đối với Việt Nam, nhưng vấn đề

thứ hai, nghiên cứu của WB về những cải cách ở Việt Nam trong một số lĩnh vực cho thấy chưa được rõ ràng. Cụ thể, việc cải tổ lĩnh vực tài chính - ngân hàng còn chậm, hay các chính sách kích thích khu vực kinh tế tư nhân tham gia thị trường vẫn chưa mạnh và việc quản trị khối DNNN còn nhiều tồn tại…

Việc đặt ra các chỉ tiêu kinh tế sát hơn với tình hình sẽ rất tốt, nhưng cũng phải nói rằng, các chỉ tiêu Chính phủ đưa ra không phải là quá lạc quan và nó sẽ giúp Chính phủ có những động lực mạnh mẽ hơn trong công tác điều hành.

Có thể thấy, nếu tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam chậm lại sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề về xã hội, dân sinh… Theo ông, nhìn về trung hạn, Việt Nam cần tránh các rủi ro gì để tăng trưởng kinh tế tốt hơn?

Việt Nam quan tâm đến tăng trưởng kinh tế cũng giống nhiều quốc gia khác, bởi đó là điều kiện chính để xóa đói giảm nghèo. Nếu tăng trưởng thấp, tiến trình xóa đói giảm nghèo sẽ bị chậm lại, có nhiều người tái nghèo. Đồng thời, nguồn lực đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội sẽ kém đi… Do vậy, nỗ lực đưa tăng trưởng kinh tế tiệm cận và bằng với mức tăng trưởng trước khủng hoảng là một mục tiêu chính đáng.

Triển vọng trung hạn kinh tế Việt Nam được đánh giá là tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro cần tránh là: Dự trữ ngoại hối ở mức thấp; Cầu yếu của khu vực tư nhân dễ bị thương tổn bởi các thông tin bất lợi; Khả năng (tuy là ít) về thay đổi quan điểm điều hành từ chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng sang kích thích tăng trưởng; Cải cách cơ cấu có thể làm tăng trưởng tiếp tục chậm lại trong ngắn hạn; Khu vực ngân hàng còn mong manh, trạng thái tài chính còn yếu.

>> WB thận trọng khi đánh giá kinh tế Việt Nam

>> HSBC nhìn nền kinh tế Việt Nam 2013 thế nào?

Hồng Dung thực hiện
Hồng Dung thực hiện

Tin cùng chuyên mục