Quyết chặn đường mía Thái Lan nhập ồ ạt về Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có thể được áp dụng với hiệu lực trở về trước là để phòng chống trình trạng hàng hóa bị điều tra được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.

Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế CBPG, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước với hàng hóa trước với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan Bộ Công Thương có thể áp dụng thuế CBPG, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước với hàng hóa trước với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan

Bộ Công Thương đã có phản hồi chính thức trước đề nghị không áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan từ một số ý kiến của bên liên quan.

Trước đó, trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước, căn cứ Luật Quản lý ngoại thương, ngày 21 tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương nhận được ý kiến của bên liên quan đề nghị không áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Đối với đề nghị này, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 81 và khoản 4 Điều 89 Luật Quản lý ngoại thương, trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có hiệu lực trở về trước.

"Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có thể được áp dụng với hiệu lực trở về trước là để phòng chống trình trạng hàng hóa bị điều tra được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam trong giai đoạn điều tra, gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước", quan điểm của Bộ nêu rõ.

Trong vụ việc này, Bộ Công Thương sẽ tuân thủ quy định tại Điều 81 và Điều 89 của Luật Quản lý ngoại thương, trong đó có việc phân tích khối lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong giai đoạn điều tra để đưa ra quyết định cuối cùng, bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành mía đường Việt Nam.

Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp căn cứ các quy định của pháp luật, có biện pháp phù hợp để phòng ngừa rủi ro thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp có thể sẽ được áp dụng với hiệu lực trở về trước như Bộ Công Thương đã cảnh báo tại Quyết định 2466/QĐ-BCT.

Thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2020.

Tuy nhiên, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã gia tăng đột biến, 8 tháng 2020 đạt gần 950.000 tấn, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, đạt gần 860.000 tấn (so với cùng kỳ năm 2019 là 145.000 tấn và cả năm 2019 là 300.000 tấn).

Theo đại diện ngành sản xuất trong nước, lượng nhập khẩu gia tăng đột biến là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước.

Sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800.000 tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019. Bên cạnh đó, ngành sản xuất trong nước cũng đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục