Quyền uy của Big Four

Tính đến cuối tháng 2/2013, có tổng số 155 công ty kiểm toán được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Nhưng, dù chưa bằng con số lẻ, Big Four vẫn thống trị tuyệt đối. Không phải không có lý do mà 4 ông lớn (Big Four) được thế giới đặt "nick" như vậy!
 Quyền uy của Big Four

>> Trả phí kiểm toán bằng hiện vật

>> Nâng tầm kiểm toán Việt

>> Kiểm soát chất lượng kiểm toán: bỏ lớn bắt nhỏ!

>> Sắp thêm công cụ ngừa kiểm toán “đi đêm”

 Quyền uy của Big Four ảnh 1

Sân chơi độc diễn

 

Cả Deloitte, EY, KPMG và PwC được nhìn nhận là "kẻ tám lạng, người nửa cân" chia nhau nắm giữ thị phần quan trọng trong lĩnh vực kiểm toán tại Việt Nam .

 

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất mới có nhiều biến động, ngay ngành kiểm toán cũng không ít sóng gió. Cụm từ "Big Four" được sử dụng để nói về quyền lực của 4 hãng kiểm toán hàng đầu thế giới là KPMG, Deloitte, Ernst & Young - nay là EY và PricewaterhouseCoopers.

 

Trước năm 1989, thị trường kiểm toán có tên gọi "The Big Eight" nhưng cũng sau thời điểm đó, 4 trong số này đã thực hiện những cuộc mua bán - sáp nhập (cụ thể là Ernst & Whinney sáp nhập với Arthur Young trở thành Ernst & Young; Deloitte, Haskins & Sells sáp nhập với Touche Ross tạo nên Deloitte & Touche.

 

Đến năm 1998, 6 hãng kiểm toán này tiếp tục có sự thay đổi khi Coopers & Lybrand về với Price Waterhouse và ngày nay có tên gọi là PricewaterhouseCoopers (PwC).

 

Song, sau năm 2002, trong một vụ bê bối kế toán với khách hàng Enron (nay đã phá sản), Hãng Arthur Andersen đã ngưng hoạt động. Và cái tên Big Four từ đó ra đời và tồn tại đến ngày nay.

 

Nếu trong lĩnh vực đánh giá tín dụng, Standard & Poor's (S&P), Moody's, và Fitch Group đang nắm giữ đến 95% thị phần đánh giá tín dụng trên thế giới, thì trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, Big Four cũng không hề kém cạnh. Theo khảo sát toàn cầu do Experian thực hiện, tại Anh, 80% công ty niêm yết lớn trên thị trường chứng khoán đều do Big Four thực hiện.

 

Số liệu của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VAOPA) năm 2011 cho thấy, trong số 10 công ty kiểm toán đạt doanh thu lớn nhất Big Four dẫn đầu, với vị trí số 1 là KPMG, tiếp theo là EY, Deloitte và Pwc (xem biểu đồ).

 

Song, nếu xét về số lượng khách hàng, xem ra EY lại tỏ ra khiêm tốn hơn ba đối thủ còn lại, đồng thời bị Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C vượt mặt. Song, năm vừa rồi, cả EY, Deloitte và PwC đều có lãi thì KPMG Việt Nam lại lỗ do doanh thu cung cấp dịch vụ bị giảm sút nhẹ, trong khi các khoản chi phí hoạt động gia tăng.

 

Tuy nhiên, đó là nhìn trên bình diện thị trường khu vực, còn thực tế, năm 2012 lại là "cột mốc" về doanh thu của Big Four toàn cầu, với 110 tỷ USD, tăng 6% so với 2011 và vượt mức 101 tỷ USD của năm 2008 để lập nên kỷ lục mới. Trong số đó, KPMG là hãng có mức tăng trưởng thấp nhất và Deloitte lại tăng cao nhất với tỷ lệ 8,6%.

 

Kể từ năm 2002 đến nay, các hãng kiểm toán lớn trên thế giới đều có xu hướng hoạt động "khép kín", tức kiêm thêm nhiệm vụ của nhà tư vấn chiến lược, tư vấn rủi ro, tài chính cho doanh nghiệp (DN).

 

 Quyền uy của Big Four ảnh 2

10 công ty kiểm toán có doanh thu lớn nhất

Điển hình, năm 2012, doanh thu phí từ dịch vụ tư vấn của Deloitte là 12,5 tỷ USD. Con số này nhiều hơn doanh thu của 5 nhà tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới là BCG, Bain, AT Kearney, McKinsey và Booz gộp lại. Trên thực tế, trong 6 năm qua, Big Four đã đẩy mạnh mảng này tại Ấn Độ và các thị trường mới nổi khác.

 

Quay lại thị trường Việt Nam, theo VAOPA, báo cáo của 147 công ty kiểm toán cho thấy, số lượng khách hàng toàn ngành năm 2012 là 32.702, tăng 4,9% so với năm 2011. Trong đó DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1.110 khách hàng, (tăng 10,8%).

 

Sự gia tăng đáng kể khách hàng nước ngòai tạo nên lợi thế của các hãng kiểm toán ngoại. Theo chia sẻ của một kiểm toán viên đã từng làm việc cho Big Four, do họ là thành viên trực thuộc hoặc công ty 100% vốn nước ngoài (công ty con của tập đoàn) nên hệ thống "chân rết" về khách hàng khá lớn.

 

Tuy nhiên, do vấn đề chi phí và dịch vụ nên hiện nay, các tập đoàn có xu hướng thay đổi đơn vị kiểm toán trong phạm vi Big Four. Chẳng hạn, năm 2012 - 2013, VinaCapital chọn KPMG là đơn vị kiểm toán nội bộ, nhưng trước đó, họ làm việc với PwC, trong khi Grant Thornton Việt Nam luôn là hãng kiểm toán độc lập.

 

Xét về lĩnh vực hoạt động trong ngành kiểm toán (dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế, dịch vụ tư vấn và giải pháp cho doanh nghiệp) tại thị trường Việt Nam, có thể thấy, Deloitte đang có lợi thế về mảng tư vấn và giải pháp cho DN vì Deloitte có công ty luật trực thuộc để tư vấn mặt pháp lý cho khách hàng.

 

Cả EY, KPMG và PwC được nhìn nhận là "kẻ tám lạng, người nửa cân" trong lĩnh vực kiểm toán độc lập. Tuy nhiên, xét về mặt tư vấn thuế thì KPMG có phần nhỉnh hơn.

 

Nhưng cũng cần nhìn nhận là trong nội bộ của Big Four, việc thuyên chuyển nhân sự là hiện tượng khá bình thường; điều này từng xảy ra với EY Việt Nam cách đây không lâu khi một số vị trí chủ chốt đã "dứt áo ra đi". Chính tình trạng đó đã từng dấy lên nghi ngờ về sức mạnh của EY tại Việt Nam so với các đối thủ khác.

 

Bánh lớn chia lại

 

Nếu dựa trên cơ cấu khách hàng thì đang có sự phân chia thị phần khá rõ nét giữa các công ty kiểm toán lớn.

 

Chẳng hạn, theo bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Phó giám đốc Công ty Kiểm toán Grant Thornton Vietnam, công ty này đang cung cấp dịch vụ toàn diện bao gồm cả kiểm toán, tư vấn thuế và các tư vấn DN khác. Nếu nói về tỷ lệ nhân lực thì kiểm toán luôn có số lượng nhân lực cao nhất, theo sau là cả tư vấn thuế và tư vấn doanh nghiệp với tỷ lệ nhân lực tương đương.

 

"Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều để phát triển chất lượng nguồn nhân lực của bộ phận tư vấn, kết quả là đội ngũ tư vấn DN, bao gồm cả mảng tư vấn hỗ trợ giao dịch đầu tư và mua bán DN lẫn mảng tư vấn phi giao dịch, được xem là một trong số ít các nhóm tư vấn mạnh nhất tại Việt Nam", bà Hà cho biết.

 

Lợi thế này còn được bà Hà chia sẻ, Grant Thornton Việt Nam còn là một trong 2 công ty kiểm toán duy nhất tại Việt Nam được đăng ký với PCAOB (Ủy ban Giám sát hoạt động kiểm toán cho các công ty đại chúng) để kiểm toán các công ty niêm yết của Mỹ và các công ty con của họ tại nước ngoài.

 

Ngoài ra, Grant Thornton Việt Nam cũng là công ty kiểm toán quốc tế duy nhất được chấp thuận bởi Bộ Tài chính để thực hiện dịch vụ định giá tại Việt Nam .

 

 Quyền uy của Big Four ảnh 3

Doanh thu của Big Four tại Việt Nam năm 2012

Còn các đối thủ khác thì sao? Dựa trên thông tin của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, hơn 70% chọn Big Four làm công ty kiểm toán độc lập. Trong khi Deloitte chiếm ưu thế khi khách hàng chủ yếu trong những ngành năng lượng như: gas, dầu khí, phân bón...

 

Deloitte đang kiểm toán cho Đạm Phú Mỹ, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí - CTCP; Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP..., thì KPMG thường được những DN bất động sản lựa chọn. Còn PwC hoặc EY thường có ưu thế đối với các công ty hàng tiêu dùng nhanh.

 

Khoảng trống khó chen

 

Chừng nào mà các công ty kiểm toán trong nước còn chưa đảm bảo được chất lượng mang tầm quốc tế, thì đây sẽ còn là "sân chơi" chủ yếu của các công ty kiểm toán nước ngoài.

 

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT ThuducHouse (Nhà Thủ Đức) giải thích việc chọn KPMG làm đơn vị kiểm toán độc lập, đồng thời là đối tác hỗ trợ trong dự án tư vấn hoạch định và hỗ trợ lựa chọn giải pháp ERP (khởi động năm 2009) vì đây là đơn vị uy tín, cũng như tăng khả năng minh bạch và tạo hiệu quả về mặt hình ảnh cho một công ty khi trở thành công ty đại chúng.

 

Trong khi đó, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), thì quan niệm ngược lại. Theo đó, kiểm toán trong nước hay nước ngoài không quan trọng mà điều CII quan tâm là chất lượng của báo cáo kiểm toán. Hơn nữa, chi phí thuê kiểm toán cũng là điều đáng quan tâm.

 

Khi làm việc với hãng kiểm toán ngoại, mỗi DN phải chi trả từ 35.000 - 40.000 USD/mỗi kỳ kiểm toán. Trong khi đó, nếu làm việc với kiểm toán "nội" có thể ở mức 10.000 - 12.000 USD.

 

Tuy nhiên, theo ông Bình, khi làm việc với đối tác nước ngoài theo từng thương vụ (chẳng hạn như ký kết nhà đầu tư chiến lược) thì họ thường thuê Big Four "soát xét" lại báo cáo tài chính đã kiểm toán của DN. Do vậy, DN tốn nhiều công sức hơn cho việc kiểm toán nhưng đỡ tốn chi phí.

 

Các hãng kiểm toán nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam . Đại diện Grant Thornton Vietnam phân tích, với sự gia nhập WTO, sự phát triển của thị trường vốn và các xu hướng toàn cầu hóa, nền kinh tế Việt Nam đang từng bước hòa nhập với nền kinh tế thế giới.

 

Mặc dù trong thời gian vừa qua, suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến cho tiến trình này chậm lại và sự giảm sút về phát triển kinh tế và đầu tư nước ngoài, tuy vậy xu hướng tất yếu sẽ là sự vượt qua suy thoái, tiếp tục phát triển và hòa nhập.

 

Điều này có nghĩa không chỉ là cơ hội và tiềm năng cho các công ty kiểm toán nước ngoài, mà cả các công ty kiểm toán trong nước bắt kịp được nhu cầu của thị trường, tăng cường năng lực đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài và của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước hướng tới chất lượng quốc tế.

 

Tuy vậy, chừng nào mà các công ty kiểm toán trong nước còn chưa đảm bảo được chất lượng mang tầm quốc tế, thì đây sẽ còn là "sân chơi" chủ yếu của các công ty kiểm toán nước ngoài.

 

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), cho rằng, các DN kiểm toán Việt Nam vẫn có cơ hội trong thị trường này vì đến nay chỉ có 6 công ty kiểm toán nước ngoài có mặt.

 

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 4 đơn vị thực sự lớn nhưng 2 trong số đó chủ yếu cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo. Cũng theo ông Thanh, nguyên nhân khiến các đơn vị kiểm toán trong nước bị "lấn lướt" bởi công ty ngoại là do tình trạng cạnh nhỏ lẻ, cạnh tranh không công bằng nên làm cho uy tín sụt giảm và không dành được dự án lớn.

 

Do đó, để tăng lợi thế cạnh tranh, Nhà nước phải có các tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng kiểm toán một cách rõ ràng, để loại các DN kiểm toán không đạt chất lượng, tạo điều kiện cho các DN uy tín phát triển.

 

"Thậm chí là sử dụng giải pháp sáp nhập như trường hợp của Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam nay là đơn vị kiểm toán uy tín trong và ngoài nước. Việt Nam nên có 5 - 10 đơn vị như thế vì tiềm năng thị trường còn khá lớn", ông Thanh nói.


DNSG